Nhà hoạt động Trương Văn Dũng hô “đả đảo Cộng sản” trong phiên phúc thẩm
Posted by Luu HoanPho, Jul 13, 2023, Comments Off
Hình: Ông Trương Văn Dũng trong một cuộc biểu tình mini ở Hà Nội đòi tự do cho các tù nhân lương tâm trước đây.
Sáng ngày 13 tháng 7, Tòa án Cấp cao Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm đối với nhà hoạt động dân chủ Trương Văn Dũng (người trước đó đã bị tòa sơ thẩm tuyên sáu năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước) và tuyên y án sơ thẩm.
Phiên tòa diễn ra từ 9:00 sáng và kết thúc lúc 1h30 chiều cùng ngày với sự tham dự của một người thân duy nhất của ông Dũng là bà Nghiêm Thị Hợp, vợ của ông Trương Văn Dũng. Phía luật sư bào chữa có hai người là các ông Lê Đình Việt và Nguyễn Tiến Nghĩa.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do sau khi phiên tòa kết thúc, bà Nghiêm Thị Hợp cho biết thông tin về phiên xét xử:
“Tòa phúc thẩm xử vẫn sáu năm như tòa sơ thẩm, không thêm, không bớt.”
Bà Hợp cho biết thêm rằng phía thẩm phán đã thẳng thừng yêu cầu luật sư “nói ít thôi”, và liên tục cho thấy thái độ không muốn tranh luận, không muốn lắng nghe ý kiến từ phía luật sư bào chữa.
“Luật sư nói đúng nhưng mà người ta lại cãi là luật sư nói sai, và luật sư còn phải hướng dẫn cho người ta điều luật này điều luật kia, và chỉ ra là người ta nói chưa đúng. Nhưng mà chủ tọa nói luật sư không được nói nhiều, nói ít thôi.”
Về phần ông Trương Văn Dũng, bà Hợp cho biết chồng mình phản đối phiên tòa từ đầu tới cuối, ông không nhận mình là bị cáo, và không nhận mình có tội. Thậm chí, ông Dũng còn hô khẩu hiệu phản đối đảng Cộng sản trước tòa.
“Anh Dũng cuối cùng hô ba lần đả đảo Cộng sản Việt Nam, hô ba lần như thế.”
Trước phản ứng của ông Trương Văn Dũng, phía tòa đã hai lần yêu cầu cảnh sát cưỡng chế và đưa nhà hoạt động này ra khỏi phòng xét xử. Và chỉ cho phép ông quay trở lại sau khi đã hoàn tất thủ tục tranh tụng.
Sự hời hợt của phiên tòa còn được bà Hợp mô tả qua chi tiết cái micro của vị thẩm phán, khi trong suốt quá trình xét xử, cả luật sư, bị cáo lẫn người thân đều không thể nghe rõ tiếng của vị chủ tọa. Do vậy, bà cho rằng phiên xét xử hôm nay chỉ mang hình thức thủ tục, mở ra chỉ cho có, chứ “không quan trọng gì cả”.
Bị bắt vào ngày 21 tháng 5 năm 2022, ông Trương Văn Dũng bị cáo buộc phạm tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Hầu hết các hoạt động được cho là “hành vi phạm tội” của ông Dũng đều liên quan đến các bài đăng trên mạng xã hội, và các phát biểu của ông trên báo chí.
Nhà hoạt động người Hà Nội này được biết đến thông qua các hoạt động xã hội, điển hình như phong trào biểu tình ôn hoà phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, phản đối việc chặt hàng ngàn cây cổ thụ ở trung tâm thành phố Hà Nội, phản đối nhà máy FORMOSA đã gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung năm 2016, phản đối vi phạm nhân quyền, và đòi tự do cho nhiều tù nhân lương tâm.
RFA cố gắng liên lạc với luật sư bào chữa để hỏi thêm thông tin liên quan, nhưng bất thành.
Trước phiên phúc thẩm nhà hoạt động Trương Văn Dũng một ngày, hai tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông này vì những việc làm ôn hòa của ông chỉ thực hiện quyền căn bản của công dân.
Nguồn: RFA