Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: 10 án chung thân và hàng trăm năm tù sau phiên toà “lạ lẫm”
Posted by Luu HoanPho, Jan 22, 2024, Comments Off
Toà án tỉnh Đắk Lắk hôm 19 tháng 1 đã khép lại phiên xét xử đối với 100 người Thượng, trong vụ án tấn công và sát hại cán bộ ở hai trụ sở uỷ ban nhân dân (UBND) xã xảy ra vào rạng sáng 11 tháng 6 năm 2023.
Phiên toà kết thúc với 10 án chung thân dành cho những người bị cáo buộc “chủ mưu”, những người còn lại bị kết án tù từ ba năm rưỡi đến 20 năm tù.
Trong số 100 người bị đưa ra xét xử, có 53 người bị kết tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 45 người bị khép tội “Khủng bố”. Hai tội danh còn lại “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, và “che giấu tội phạm”, mỗi tội khép cho một người.
Cuộc tấn công vào hai trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, theo thông tin từ nhà chức trách, đã khiến chín người thiệt mạng, trong đó có bốn cảnh sát và cán bộ địa phương.
Cáo buộc văn mẫu
Theo tường thuật của báo chí Nhà nước, tại phiên xét xử sơ thẩm kéo dài từ 16/1 đến 19/1, các bị cáo xác nhận đã bị “dụ dỗ, xúi giục và ép” phải thực hiện cuộc tấn công bởi các nhóm phản động ở nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ và Thái Lan. Họ được nói không hề đề cập đến vấn đề xung đột sắc tộc, đàn áp tôn giáo, hay tranh chấp đất đai.
Truyền thông Nhà nước, điển hình là Báo Công an, cũng lên tiếng bác bỏ sự liên hệ giữa vấn đề sắc tộc với cuộc nổ súng trên.
Tuy vậy, tại cuộc họp của Uỷ ban Tư pháp của Chính phủ diễn ra hồi tháng 9 năm 2023, nói về vụ nổ súng ở Đắk Lắk, tờ VnExpress dẫn lời thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ, thừa nhận rằng “nguyên nhân sâu xa, cội nguồn vẫn là những vấn đề kinh tế xã hội của đồng bào trong vùng; ; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở.”
Trao đổi với Đài Á châu Tự do, bà H Biap Krong, một nhà hoạt động nhân quyền người Ê-đê ở tỉnh Đắk Lắk, cho biết:
“Từ năm 1980 cho đến bây giờ, đa số người Thượng khi bị đàn áp và bị cáo buộc dưới những tội danh như phá hoại chính sách đại đoàn kết của nhà nước, thì những hoạt động của họ lại không nằm trong bản án.
Nhưng toàn bộ những người bị đem ra xét xử bởi toà án, thì các cáo buộc của họ rất giống nhau, từ trước tới giờ rồi. Nó giống như một bài văn học đi học lại, chẳng hạn như là bị lôi kéo, bị xúi giục bởi các thế lực bên ngoài. Đây không còn là điều lạ lẫm đối với những người theo dõi tình hình ở Tây Nguyên.”
Nhà hoạt động có hàng chục năm kinh nghiệm theo dõi tình hình nhân quyền ở Tây Nguyên cũng cho biết, bản thân người Thượng hiểu rõ cái giá phải trả nếu bị bắt, cho nên sẽ không thể dễ dàng bị lôi kéo để thực hiện những hành động mạo hiểm như vậy, bà nói thêm:
“Đối với người Thượng, khi bị đưa ra xét xử thì các bản án mà Nhà nước Việt Nam, và cụ thể là tại chính quyền Đắk Lắk ở Tây Nguyên, thì họ thường bị kết tội với những án tù rất lâu năm, từ sáu năm đến 17 năm.
Cho nên họ không thể nào đánh đổi cái cuộc sống, và an ninh của họ để mà nghe cái lời xúi giục từ bên ngoài. Bởi vì họ đủ biết rằng nếu họ nghe lời xúi giục từ bên ngoài thì họ sẽ phải đối mặt với những bản án lâu như vậy.”
Trước khi xảy ra vụ nổ súng ngày 11/6/2023, trên địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Điển hình là trước đó hai tháng đã nổ ra một cuộc biểu tình của người Ê-đê bản địa, nhằm phản đối một dự án thoát nước ở địa phương.
Lo ngại về xét xử công bằng
Những người tình nghi tham gia vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 bị bắt giữ. Photo:Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động
Đây là một phiên toà có quy mô lớn với số lượng bị cáo lên đến 100, và các tội danh có tính chất nghiêm trọng như “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, và “khủng bố”. Thế nhưng, toàn bộ quá trình xét xử chỉ diễn ra vỏn vẹn trong hơn bốn ngày.
Phiên toà kéo dài chưa đầy năm ngày để xét xử 100 bị can được luật sư Đặng Đình Mạnh (người không có liên quan đến vụ án) cho rằng “bất khả thi”, ông nói với RFA:
“Vì chỉ cần hội đồng xét xử, công tố và luật sư xét hỏi để làm rõ tội trạng của từng nghi can đã không đủ thời gian chứ nói gì đến một loạt thủ tục trước và sau đó.
Trừ phi đây là phiên tòa mà dân gian hay gọi xách mé về nền tư pháp trong nước là “án bỏ túi”. Mọi sự đều đã được định sẵn từ trước. Việc xét xử của tòa án, tranh luận của công tố và bào chữa của luật sư đều chỉ là hình thức và thực hiện quấy quá (qua loa-pv) cho xong.”
Vị luật sư có nhiều năm kinh nghiệm tham gia tố tụng trong hệ thống toà án Việt Nam cũng chỉ trích hình thức ‘xét xử lưu động’ mà toà Đắk Lắk áp dụng. Đây là hình thức xét xử được áp dụng thường xuyên ở khu vực Tây Nguyên, và bị cáo buộc mang tính đe doạ đối với các cộng đồng người Thượng bản địa.
Theo tường thuật của truyền thông trong nước thì các bị cáo có luật sư bào chữa, tuy nhiên không rõ số lượng luật sư là bao nhiêu, và là do gia đình tự thuê hay do toà chỉ định.
Phóng viên của đài Á châu Tự do đã liên lạc được với người nhà của một bị cáo trong vụ án, và được người này cho biết ngắn gọn như sau:
“Gia đình không được thăm gặp, không được thuê luật sư, và không được làm gì cả.”
Khác với các phiên toà xét xử các vụ “đại án” tham nhũng dính líu đến hàng loạt quan chức cấp cao, phần bào chữa và tranh luận của luật sư được báo chí tường thuật sát sao. Ngược lại, có thể thấy, điều duy nhất mà báo giới chính thống đề cập đến quan điểm của các luật sư trong phiên toà diễn ra ngày 16/1 đến 19/1 đó là các luật sư “đồng ý” với kết luận của Viện kiểm sát.
Bình luận về điều này, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết sự không hài lòng của ông:
“Tôi tin rằng các luật sư và trợ giúp viên pháp lý đã chưa làm hết trách nhiệm của mình, thậm chí, với cách mô tả từ báo chí, tôi cho rằng họ đã bán đứng thân chủ của mình bằng cách bào chữa đầy tắc trách như vậy.
Với việc công an bắt giữ tràn lan bất kỳ đồng bào người Thượng nào đang mặc quần áo rằn ri vào thời điểm trung tuần tháng 06/2023 tại địa phương, thì tôi tin rằng không thể có khả năng tất cả 100 đồng bào người Thượng đều có tội.
Thế nên, trong phiên tòa, thay vì được bào chữa, họ đang trở thành nạn nhân không chỉ của các cơ quan tiến hành tố tụng, mà của cả các luật sư vô trách nhiệm, thỏa hiệp với chính quyền.”
Sứ quán Mỹ phản ứng
Ông Y Sôl Niê, người bị cáo buộc có vai trò “chỉ huy, cầm đầu, lôi kéo và chỉ đạo” cuộc tấn công, hiện đang ở Hoa Kỳ và là một công dân Mỹ. Ông này bị tuyên án tù chung thân.
Ngoài ông Y Sôl Niê, một số công dân Hoa Kỳ khác cũng được cho là có liên quan, và đã bị xét xử vắng mặt do hiện đang không ở Việt Nam, trong đó ông Y Mut Mlô -bị cho là chủ mưu.
Phản hồi trước đề nghị bình luận của phóng viên đài RFA, về việc công dân Mỹ bị cáo buộc đứng sau cuộc tấn công “khủng bố” ở Việt Nam, người phát ngôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết qua email, nội dung như sau:
“Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục lên án cuộc tấn công ở tỉnh Đắk Lắk một cách mạnh mẽ nhất. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ luôn là một đối tác thiện chí trong lĩnh vực hợp tác chấp pháp. Chúng tôi kêu gọi Việt Nam đảm bảo phiên toà được diễn ra một cách công bằng, minh bạch, và đúng thủ tục pháp lý.”
Người trong cuộc lên tiếng
Ông Y Quynh Bdap, một trong số sáu người bị xét xử vắng mặt dưới cáo buộc phạm tội “khủng bố”, và bị tuyên án 10 năm tù giam, cho đài RFA biết sau khi phiên toà kết thúc:
“Đây là cáo buộc phi lý, họ không đưa ra bằng chứng nào mà lại cáo buộc tôi như vậy. Cái mức án mà họ đưa cho tôi là không đúng. Tôi đâu có tham gia vào vụ này mà họ lại xử tôi với mức án 10 năm. Tôi không hề liên quan đến nhóm vũ trang này mà nhà nước Việt Nam lại cáo buộc như vậy thì thật là phi lý!”
Được biết đến dưới vai trò sáng lập ra tổ chức Người Thượng Vì Công lý, một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, chuyên báo cáo các vụ việc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tây Nguyên, ông Y Quynh Bdap từ lâu đã bị chính quyền Đắk Lắk tuyên truyền là “thành phần chống phá”.
Ông này cho biết sở dĩ chính quyền cố tình gán ghép ông vào vụ tấn công trên là vì muốn phá hoại uy tín của của tổ chức và các công việc do ông thực hiện.
Nguồn: Trường Sơn @ RFA