Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Vì sao giới khoa học «dậy sóng» về nghiên cứu virus chết người của Trung Quốc?


Ảnh tư liệu: Bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 23/02/2017. AP

Ngày 04/01/2024, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố các kết quả nghiên cứu về một chủng coronavirus có tên là GX_P2V, được phát hiện từ loài tê tê vảy sừng. Loài virus này, sau khi đã được biển đổi gien và được thử nghiệm trên loài chuột được « nhân hóa », đã cho thấy tỷ lệ gây tử vong là 100%.

Kết quả nghiên cứu này được đăng trên mạng BioRxiv, trong khi chờ cộng đồng khoa học thẩm định và cho đăng tải chính thức trên một tạp chí khoa học uy tín. Tuy nhiên, thông báo lặng lẽ này của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo lắng và các nghi từ cộng đồng khoa học quốc tế về mục đích của nghiên cứu nói trên. RFI Tiếng Việt lược thuật một số nhận định trên các báo Pháp về chủ đề này.

**********

Bản chất của nghiên cứu được thực hiện là gì?

Các nhà khoa học trường đại học Công nghệ Hóa học ở Bắc Kinh đã nghiên cứu hai loại coronavirus GX/2017 và GD/2019, được phát hiện ở loài tê tê vảy sừng vào các năm 2017 và 2019. Trả lời trang mạng thông tin miễn phí của Pháp « 20 Minutes », tiến sĩ Benjamin Davido, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ tại bệnh viện Raymond-Poincaré ở Garches, giải thích:

« Người ta cho chuột biến đổi gien “được nhân hóa” tiếp xúc với hai loài virus này. Những con chuột đó đã được trang bị thụ thể ACE2, hiện diện trên bề mặt tế bào người. Một thụ thể được biết đến là con đường để virus xâm nhập tế bào người và dựa vào khả năng lây nhiễm virus ở người ».

Nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy virus GD/2019, còn được gọi là pCoV-GD01 và có họ hàng rất gần với chủng Covid-19, có thể gây bệnh cho loài gậm nhấm bị phơi nhiễm. Loại virus còn lại, GX/2017, có khả năng lây nhiễm cho những con chuột đã bị phơi nhiễm, nhưng không gây bệnh.

Nhưng các nhà khoa học Trung Quốc không dừng ở đó. Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã nhân bản chủng GX/2017. Chủng này bị đột biến và được đổi tên thành GX_P2V. Sau khi nuôi cấy một số bản sao của loại virus đột biến này, họ tiêm chúng vào một nhóm chuột được nhân bản hóa và tất cả đều chết trong chưa đầy một tuần.

Họ quan sát thấy virus đã tấn công hệ hô hấp của chuột trước khi ảnh hưởng đến hệ thần kinh với một lượng virus rất cao trong não. Nhóm nghiên cứu của Trung Quốc kết luận : « Sự lây nhiễm trong não ở giai đoạn nhiễm trùng sau cùng có thể là nguyên nhân chính gây tử vong ở những con chuột này. Đây là báo cáo đầu tiên cho thấy một loại coronavirus có liên hệ với SARS-CoV-2 của loài tê tê có thể gây tử vong 100% cho chuột và do vậy cho thấy nguy cơ virus GX_P2V lây nhiễm sang người ».

Giới chuyên gia quốc tế phản ứng ra sao?

Thí nghiệm này của Trung Quốc lại khơi dậy một cuộc tranh cãi vào lúc những chấn thương tinh thần do đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, vẫn còn âm ỉ. Nhiều nhà khoa học cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn lây lan loại virus này trong môi trường. Gennadi Glinsky, giáo sư ngành y ở Stanford đã về hưu, được Daily Mail trích dẫn cho rằng « cần phải ngăn chặn sự điên rồ này trước khi quá muộn ».

Trên báo Pháp Le Figaro ngày 18/01, Bruno Canard, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và cũng là người điều hành nhóm nghiên cứu « Nhân bản virus » tại phòng thí nghiệm Kết cấu và Chức năng Đại phân tử sinh học (AFMB) nhận xét : « Sự cân bằng giữa giảng dạy khoa học và tiềm năng cực kỳ nguy hiểm của những thí nghiệm này là rất bất lợi ».

Thậm chí, Etienne Decroly, giám đốc nghiên cứu của CNRS và là nhà virus học, còn dứt khoát hơn khi kêu gọi « phải nhanh chóng có những quy định về việc thao tác trên những loại virus như chủng virus corona có khả năng gây dịch thực sự. »

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác phản ứng có chừng mực. Trả lời tuần báo Pháp L’Express, bà Florence Débarre, giám đốc nghiên cứu về sinh học tiến hóa tại CNRS, lưu ý chương trình nghiên cứu này là không có gì mới mẻ. Không chỉ riêng Trung Quốc, một số nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ và Pháp, cũng đang tìm hiểu về hai loại virus ở loài tê tê được tìm thấy ở Trung Quốc vào năm 2017 và năm 2019.

Cũng theo nữ chuyên gia người Pháp, chúng được thực hiện theo một quy trình rất kinh điển : Phân lập và tinh chế virus để làm « tăng thêm chức năng » của virus, một thuật ngữ dùng để mô tả các thí nghiệm nhằm mục đích thúc đẩy sự tiến hóa virus, bằng cách cho lây nhiễm lặp lại ở động vật thí nghiệm hoặc nuôi cấy tế bào.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Benjamin Davido trên trang mạng « 20 minutes » có cái nhìn tích cực hơn, cho rằng những kết luận của nhà khoa học Trung Quốc về « mối tương quan giữa số lượng thụ thể với khả năng nhạy cảm cao hơn với các dạng bệnh thể nặng » là một hướng nghiên cứu thú vị hơn là đáng báo động. Theo ông, điều này cho phép « hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của virus và xác định các quần thể có nguy cơ cao hơn những quần thể khác dựa trên mức độ biểu hiện các thụ thể này ở người. »

Kết quả quan sát được « làm nổi rõ nguy cơ lây lan của chủng virus GX_P2V ở người và cung cấp một mô hình độc đáo để hiểu được cơ chế gây bệnh từ những virus có liên quan đến SARS-CoV-2. ». Như vậy nghiên cứu này sẽ cho phép chuẩn bị tốt hơn cho nguy cơ xảy ra đại dịch, bằng cách « xác định các nhóm đối tượng đề xuất « các quan điểm điều trị khác nhau ».

Bắc Kinh đang chế tạo vũ khí sinh học?

Đây chính là điểm gây nhiều tranh cãi nhất trong giới nghiên cứu về coronavirus. Theo giải thích từ Daily Mail, được trang mạng Asialyst trích dẫn, những nhà nghiên cứu tham gia chương trình này đều có liên hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân. Cũng theo nhật báo Anh này, một trong số các tác giả là tiến sĩ Đồng Di Cương (Tong Yigang), được đào tạo ở Học Viện Quân Y, trung tâm nghiên cứu do quân đội quản lý. Năm 2023, ông đăng một báo cáo khoa học cùng với bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), người được mệnh danh là « Batwoman ».

Nhân vật này từng điều hành Viện Vi trùng học Vũ Hán. Đối với FBI Mỹ, một vụ rò rỉ rất có thể đã xảy ra tại phòng thí nghiệm P4 nổi tiếng này, nguồn gốc của một trận đại dịch khủng khiếp Covid-19 trên toàn cầu năm 2019.

Ông Bruno Canard, giám đốc nghiên cứu tại CNRS, nhấn mạnh trên Le Figaro: « Nếu những thao tác như vậy có liên quan đến các dự án vũ khí sinh học, thì điều này đặt biệt đáng lo ngại. » Một nhận định đã bị nhà nghiên cứu sinh học Florence Débarre bác bỏ : « Nếu quân đội Trung Quốc muốn phát triển thứ vũ khí sinh học này, họ sẽ chẳng quan tâm đến việc công bố nghiên cứu này trên một tạp chí Mỹ. Đây chỉ là nghiên cứu cơ bản về virus. Điều mới là nhìn thấy những con đường đưa thông tin sai lệch này đang diễn ra. » ».

Tác giả bài nhận định về nghiên cứu này của Trung Quốc đăng trên trang mạng Asialyst, phóng viên và cũng là tác giả tập sách « Nhân danh khoa học », xuất bản tháng 4/2023, Jérémy André tin rằng có nhiều lý do để lo ngại.

« Những gì được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các nhà khoa học Trung Quốc cho đăng những kết quả nghiên cứu mà họ muốn truyền đạt nhằm thu hút phản ứng, hợp tác và từ đó rút ra các kỹ năng, cũng như kiến thức xung quanh nghiên cứu của họ. Toàn bộ công trình của họ chưa được công bố. Một mặt, có những nghiên cứu ở giai đoạn dự án, rồi những nghiên cứu không thành công và cuối cùng là những nghiên cứu bí mật.

Về cơ bản, phần gây tranh cãi trong thí nghiệm này là, khi nuôi cấy virus để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sẽ có việc tối đa hóa virus. Vì được thu thập từ động vật, loại virus này dường như khó lây nhiễm sang người, nhưng vì chúng ta thấy chúng được nuôi cấy, bị biến đổi và điều thú vị là xem chúng xâm nhập vào cơ thể người như thế nào và có thể lây lan mạnh hơn nhiều so với ban đầu.

Cuối cùng, vấn đề đặt ra ở đây là có sự nghi ngờ. Chúng ta thấy rõ là Trung Quốc tiếp tục một hình thức chạy đua vũ trang, không nhất thiết là nghiên cứu quân sự, mà là để cạnh tranh với Mỹ và thực hiện những thí nghiệm táo bạo, mạo hiểm nhất. Kết quả chuột chết 100% chưa hẳn là đáng lo ngại. Những con chuột này đã được “nhân hóa”, điều đó có nghĩa là chúng rất có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể con người. »

Từ khi dịch Covid-19 được phát hiện lần đầu vào mùa thu năm 2019 ở Vũ Hán, rất nhiều giả thuyết được lưu truyền về nguồn gốc dịch bệnh, nhưng giả thuyết về một loại virus được nhân tạo trong phòng thí nghiệm từ lâu đã bị cộng đồng khoa học quốc tế loại trừ. Tuy nhiên, mức độ ngờ vực vẫn cao và càng được thúc đẩy vì rõ ràng là Bắc Kinh muốn ngăn chặn bất kỳ cuộc điều tra nghiêm túc nào về lĩnh vực này. Chưa có gì được chứng minh, nhưng mối ngờ vực ngày càng lớn. Riêng việc Trung Quốc nói dối và ngoan cố từ chối làm sáng tỏ những gì họ biết đang dự báo một thực tế đáng sợ!

Nguồn: RFI/Minh Anh

Tags: , ,

More Stories From Thế Giới

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh