Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

«Bắc Kinh sẽ không gây chiến quanh các đảo tranh chấp»


Tin RFI.- Biển Đông trong những ngày gần đây xảy ra nhiều cuộc đọ sức nắn gân giữa các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Tuy nhiên nhiều chuyên gia thân chính quyền khẳng định chính phủ Bắc Kinh sẽ không tiến hành một cuộc chiến tranh xung quanh các quần đảo tranh chấp này.  

bien-dong

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC News, ông Ngô Sư Tồn (Wu Shicun), cựu giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam, khẳng định : « Chúng tôi sẽ không gây xung đột quân sự để thu hồi các đảo bị các nước khác chiếm đóng bất hợp pháp. Lập trường của chúng tôi là thông qua đàm phán với bên các liên can trực tiếp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ». Ông Ngô Sư Tồn hiện là chủ tịch viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Biển Đông. Ông được xem như là một phát ngôn viên không chính thức cho chính phủ của chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), một học giả về chính sách đối ngoại cao cấp tại Đại học Nhân Dân của Trung Quốc và là cố vấn về chính sách đối ngoại cho chính phủ, có đồng quan điểm với ông Ngô là Bắc Kinh không thể « khởi động một cuộc chiến vô cớ ».

Ông nói : « Các quốc gia khác cũng nói tương tự, và tất cả điều này có lợi cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Nhiều biện pháp sẽ được đưa ra nhằm hạ nhiệt tình hình. Trung Quốc sẽ áp dụng một chính sách ngoại giao mới để giảm căng thẳng với Hoa Kỳ và các nước có liên quan ».

NBC News lưu ý là một mặt vẫn khẳng định là Trung Quốc « sẽ không khởi động các cuộc đối đầu », mặt khác ông Ngô Sư Tồn vẫn tỏ ra trung thành với chủ trương của Bắc Kinh cho là việc xây dựng trên các đảo có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa là « nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc ». Đồng thời, ông cũng phủ nhận một báo cáo của Lầu Năm Góc cho rằng Bắc Kinh có thể đang mở rộng phạm vi quân sự tại đây.

Ông nói tiếp : « Bất kỳ cơ sở quân sự nào mà chúng tôi đang xây dựng tại đây là nhằm để bảo đảm an toàn cho nhân sự Trung Quốc và các cơ sở có liên quan. Một người bình thường nào cũng có thể nói là các tiền đồn nhỏ bé không thể đóng một vai trò quan trọng gì trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự ».

Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ nguồn dầu khí theo những gì mà ông Ngô Sư Tồn gọi là thỏa thuận « phát triển chung » tại những khu vực do Trung Quốc kiểm soát. Cũng theo ông Ngô, một sự cố xảy ra năm 1999 nên được xem như là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ không dùng đến bạo lực trong các kiểu tranh chấp như vậy.

Vào thời điểm đó, Philippines cố tình để cho một tàu chiến bị mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây có tranh chấp trong quần đảo Trường Sa để đòi hỏi chủ quyền các đảo san hô. Philippines giữ một số ít lính thủy trên tàu chiến bị đắm và bị rỉ sét cho đến tận ngày nay.

Khi được hỏi về những tranh chấp đang diễn ra trên Bãi Cỏ Mây, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời với NBC News là « Trung Quốc đã có một sự kiềm chế tuyệt vời. Chúng tôi cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên có liên quan, thông qua đối thoại và tham vấn dựa trên cơ sở các yếu tố lịch sử và luật quốc tế. Trung Quốc và các nước khác nên hợp tác với nhau để duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực ».

Trung Quốc có yêu sách chủ quyền trên hầu hết diện tích vùng Biển Đông, kể cả các rạn san hô, đá ngầm tại vùng quần đảo Trường Sa, khu vực được cho là giàu nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Tại khu vực này, Bắc Kinh đã cho xây dựng các phi đạo, cảng biển và nhiều công trình tiện ích.

Mỹ – cũng như Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, ba quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc – đã lên án các động thái của Bắc Kinh trong khu vực. Washington đã tuyên bố sẽ bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải tại vùng biển này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carter, ngày 13/10/2015 có tuyên bố như sau : «Không nên phạm sai lầm. Hoa Kỳ vẫn sẽ bay, chạy trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, như là chúng tôi đang làm trên toàn thế giới. Và Biển Đông cũng sẽ không là một ngoại lệ ». Ngày 27/10/2015, một tàu khu trục Mỹ đi vào vùng 12 hải lý của quần đảo Trường Sa. Một hành động thách thức gởi đến Bắc Kinh.

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh