Tin tức Biển Đông, Á Châu ngày 26-3-2016
Posted by Luu HoanPho, Mar 26, 2016, Comments Off
Nga dự tính trang bị hỏa tiển và xây dựng căn cứ hải quân ở quần đảo Kuril, nơi đang có tranh chấp với Nhật Bản.
Hành động của Nga được cho là sẽ buộc Tokyo quan tâm trở lại với mặt trận phía Bắc, qua đó giảm bớt nguồn lực giành cho phía Nam, nhất là khu vực Biển Đông, nơi mà Nhật Bản không có lợi ích trực tiếp. Trung Quốc được cho là sẽ hưởng lợi nhờ động thái của Nga.
Chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự của Nga trong khu vực quần đảo Kuril đã được chính bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu thông báo. Theo truyền thông Nga, chiến lược này bao gồm hai vế, vế thứ nhất là triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ ven biển Bal và Bastion trên các đảo Kuril.
Bastion là một hệ thống phòng thủ lưu động, bao gồm hai tên lửa chống hạm, tầm bắn 300km, trong lúc tên lửa chống hạm Bal cũng có tầm bắn tương tự. Hệ thống chống hạm này sẽ tăng cường cho hệ thống tên lửa phòng không Tor đã được triển khai vào năm ngoái. Bên cạnh đó, các máy bay không người lái thế hệ mới Eleron-3 cũng sẽ được đưa đến quần đảo Kuril.
Vế thứ hai của chiến lược này là dự án thiết lập một căn cứ Hải Quân cho Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga tại vùng quần đảo Kuril. Tàu của Hạm Đội này sẽ đến khu vực này ngay vào tháng Tư tới đây để nghiên cứu khả thi trong vòng ba tháng.
Tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Kuril là một cái gai luôn khuấy động quan hệ Nga-Nhật. Vào năm 1945, sau khi Nhật Bản bị thua trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Xô đã chiếm lấy 4 hòn đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai thuộc quần đảo Kuril.
Nhật đã đòi lại, nhưng trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô luôn bác bỏ, không công nhận là hai bên có tranh chấp lãnh thổ. Phải chờ đến năm 1993, nhân chuyến công du Tokyo của tổng thống Nga thời đó là Boris Eltsine thì vấn đề tranh chấp mới được chính thức thừa nhận.
Cho dù vậy, hai bên vẫn không giải quyết được hồ sơ Kuril, và chính vì vậy mà cho đến nay, giữa Nga và Nhật vẫn chưa chính thức có hòa ước kết thúc chiến tranh.
Có những lúc quan hệ Nga-Nhật có dấu hiệu được cải thiện khiến giới quan sát cho là vấn đề tranh chấp Kuril sẽ được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên từ sau khi Nga can thiệp vào Ukraina và bị phương Tây trừng phạt, Nhật Bản cũng đã phải đi theo các đồng minh, khiến cho quan hệ giữa Tokyo và Moscou tương đối căng thẳng trở lại.
Cho dù vậy, Nhật Bản không còn xem Nga là mối đe dọa quân sự ở phía Bắc, cho nên đã dần dần chuyển hướng chiến lược, chú ý nhiều hơn đến phía Nam, nơi Tokyo phải đối phó với thái độ càng lúc càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Chiến lược mới của Nhật Bản là còn can thiệp theo cách mình vào Biển Đông, đặc biệt là giúp đỡ các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép trên biển. Sự can thiệp của Nhật Bản được xem là một yếu tố mà Bắc Kinh cũng phải quan tâm nhất định.
Vấn đề đặt ra hiện nay là với động thái của Nga tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực nằm ở miền Bắc nước Nhật, liệu Tokyo có thể tiếp tục đà chuyển hướng chiến lược, đã bắt đầu từ những năm gần đây hay không ?
Trong thời gian tới đây, với chuyến công du Nga của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự trù vào tháng Năm, người ta sẽ rõ thêm. Tuy nhiên động thái của Nga tại vùng Kuril được cho là sẽ buộc Nhật Bản phải chú ý, do đó việc lưu tâm đến Biển Đông có thể bị giảm sút.
Hạ Viện Indonesia : Xây thêm căn cứ quân sự để chống Trung Quốc
Sau vụ tàu tuần duyên Trung Quốc dùng sức mạnh đánh tháo cho một tàu cá Trung Quốc bị Hải Quân Indonesia bắt giữ tại vùng biển Natuna sát Biển Đông, Hạ Viện Indonesia hôm 24/03/2016 đã kêu gọi chính quyền Jakarta xây dựng một căn cứ quân sự mới trên quần đảo Natuna. Cơ sở này sẽ là một bức tường thành chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo trang mạng của chuyên san Mỹ về hàng hải The Maritime Executive, ông Mahfud Siddiq, chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng và Ngoại Giao của Hạ Viện Indonesia đã cho rằng : «Việc tăng cường một căn cứ quân sự trên đảo Natuna là một yếu tố quan trọng đối với hệ thống phòng thủ khu vực miền Trung Indonesia, nơi có đường biên giới với nhiều quốc gia ở Biển Đông».
Nhân vật này yêu cầu chính quyền Jakarta nhanh chóng thực hiện kế hoạch xây thêm căn cứ quân sự có từ năm 2015.
Lời kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Indonesia tại vùng Natana được đưa ra vài hôm sau sự cố ngày 19/03, khi môt tàu tuần tra của Indonesia đã cố bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc bị cho là đã hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, nhưng đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc đâm vào cản trở, và đánh tháo cho tàu cá Trung Quốc.
Dù không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna với Indonesia, nhưng Trung Quốc đã mặc nhiên gặm nhắm một phần vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna với đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để khẳng định chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Riêng về sự cố mới đây, Bắc Kinh còn viện dẫn một lập luận mới : tàu cá Trung Quốc đã hoạt động hợp lệ tại « ngư trường truyền thống », một khái niệm không hề được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển công nhận.
Ngay từ năm ngoái, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Natuna khi ông cho triển khai máy bay chiến đấu và phi cơ tuần thám trên biển P3-C Orion trong khu vực. Lực lượng đồn trú tại chỗ cũng được tăng cường về mặt quân số cũng như vũ khí, với loại trực thăng tấn công Apache do Mỹ cung cấp được bố trí tại chỗ.
Ông Ôn Vân Siêu (Wen Yuchao), nhà đối lập thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh hiện đang sống tại Mỹ, khẳng định với hãng tin Reuters và AFP là cha mẹ cùng với em trai ông đã bị chính quyền Quảng Đông bắt đi không một lời giải thích. Vài ngày trước đó, họ đã bị chính quyền quấy nhiễu vì nghi ngờ có liên can đến lá thư ngỏ trên. Ông Ôn Vân Siêu khẳng định không phải là tác giả lá thư, mà chỉ để đường dẫn trên tài khoản Twitter của mình.
Chuyên gia William Nee của Amnesty International tuyên bố : « Chính quyền Trung Quốc cần phải chấm dứt quấy rối về chính trị đối với những người bị nghi ngờ đứng sau lá thư ngỏ này, và trả tự do cho tất cả những tù nhân liên quan ».
Lá thư ngỏ được ký tên « các đảng viên trung thành với Đảng Cộng sản » xuất hiện trên trang web Ngũ Kiệt Tân Văn (Wujie News). Bốn nhà báo của trang mạng này đã bị mất tích. Một nhà báo khác là Giả Hà (Jia Jia) bị bắt từ tuần trước tại sân bay Bắc Kinh khi chuẩn bị đi Hồng Kông, luật sư của ông cho AFP biết Giả Hà đã được trả tự do tối qua nhưng không nói thêm chi tiết.
Việc chỉ trích các lãnh đạo cao cấp trên truyền thông Trung Quốc là rất hiếm hoi, vì báo chí bị kiểm duyệt hết sức nghiêm ngặt. Phê phán ông Tập Cận Bình thâu tóm mọi quyền lực, lá thư ngỏ tố cáo : « Chính vì ông tập trung trong tay mọi quyền hành và trực tiếp quyết định, chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn và khủng hoảng chưa từng thấy trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, ý thức hệ và văn hóa ».
Lá thư cũng đả kích chiến dịch chống tham nhũng và việc tôn sùng cá nhân ông Tập Cận Bình. Thư viết : « Ông đã từ bỏ truyền thống của Đảng, nhất là nguyên tắc lãnh đạo tập thể (…) Khi mở rộng quyền lực của các ủy ban đảng, ông đã làm suy yếu đi sự độc lập của mọi tổ chức chính phủ, kể cả của thủ tướng Lý Khắc Cường ».
Các tin trên từ RFI