Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 26, 2024

Tại sao Trung Quốc khó vượt Mỹ về kinh tế?


Pankaj Ghemawat & Thomas Hout: “Can China’s Companies Conquer the World?”

Mặc cho những khó khăn kinh tế gần đây của Trung Quốc, rất nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng nước này vẫn đang trên đà soán ngôi Mỹ và sẽ sớm trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Thật vậy, điều này đã trở thành một quan điểm chủ đạo – nếu không phải gần như là một niềm tin chung – ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Nhưng những nhân tố cấu thành ý kiến này thường bỏ qua một sự thật quan trọng: sức mạnh kinh tế gắn bó mật thiết với sức mạnh doanh nghiệp, một lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn còn bị Mỹ bỏ xa.

Để hiểu được làm thế nào mà điều đó có thể ảnh hưởng tới triển vọng tương lai của Trung Quốc, việc quan trọng đầu tiên cần phải làm là hiểu được những lý do vì sao rất nhiều người vẫn lạc quan về Trung Quốc – tức là cần xem lại những bằng chứng ủng hộ cho lập luận rằng Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong tương lai. Thoáng nhìn qua, những con số rất ấn tượng. GDP của Trung Quốc có vẻ sẽ vượt qua Mỹ, dù rằng ít nhất cũng phải tới năm 2028, tức là muộn hơn năm đến mười năm so với dự báo của các nhà phân tích trước khi cuộc giảm tốc hiện nay của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2014. Rốt cuộc, Trung Quốc cũng đã trở thành thị trường rộng lớn nhất cho hàng trăm sản phẩm, từ xe hơi, nhà máy điện cho đến tã lót. Chính phủ Trung Quốc là người nắm lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỷ USD. Và Trung Quốc cũng hơn hẳn Mỹ về kim ngạch thương mại. Trong số 180 quốc gia mà cả hai nước cùng giao thương, Trung Quốc là bạn hàng lớn hơn của 124 nước, bao gồm vài đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng của Mỹ. Cuối cùng, Trung Quốc đã có những bước tiến vững chắc nhằm đạt mục tiêu trở thành nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thiết bị, và tín dụng trong thế giới các nước đang phát triển. Phần lớn Châu Á, Châu Âu, và Châu Mỹ Latinh giờ đây đều phụ thuộc vào Trung Quốc về chính trị và kinh tế.

Từ khi giá cổ phiếu Trung Quốc sụt giảm vào mùa hè năm ngoái và đầu năm nay, các nhà đầu tư đã trở nên lo ngại về thị trường chứng khoán nước này. Nhưng thị trường này phần lớn lại không liên quan tới sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Từ năm 1990 đến 2013, trong khi GDP Trung Quốc tăng xấp xỉ 10% hằng năm, thị trường chứng khoán gần như đứng yên. Những dịch chuyển gần đây của nó không biểu hiện tình trạng sức khỏe nói chung của kinh tế Trung Quốc mà biểu hiện sự trì trệ lâu nay của nó. Trung Quốc có vẻ sẽ phục hồi ra khỏi những khó khăn kinh tế hiện thời như Mỹ đã làm được sau những lần chao đảo của thị trường chứng khoán và một cuộc khủng hoảng lớn trong nửa đầu thế kỷ 20.

Nhưng những số liệu tốt về kinh tế vĩ mô không nói lên tất cả, và sự phục hồi có thể xảy ra trong ngắn hạn của Trung Quốc sẽ ít có ý nghĩa trong dài hạn. Sự thật là thành công của Trung Quốc hiện nay không nhất thiết có nghĩa rằng nó sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Những thước đo như GDP, kim ngạch thương mại, và dự trữ tài chính đều phản ánh sức mạnh kinh tế. Nhưng chúng cũng không bao hàm toàn bộ nó, vì bên dưới những con số đó là những doanh nghiệp và những ngành công nghiệp thật sự tạo ra phát triển và của cải của thế giới thực. Và một cái nhìn kỹ lưỡng vào thành quả và triển vọng của các công ty Trung Quốc sẽ làm lộ ra những trở ngại mà quốc gia này vẫn đang phải đối mặt.

Ở cả Trung Quốc và Mỹ, khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng ba phần tư GDP. Nói rộng hơn, những công ty đa quốc gia và chuỗi cung ứng của chúng kiểm soát 80% xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu. Nói cách khác, sức mạnh kinh tế phụ thuộc nhiều vào sức mạnh doanh nghiệp.

Kinh tế Trung Quốc bùng nổ suốt ba thập niên qua nhờ vào những kết quả phi thường của những công ty sản xuất giá rẻ – những công ty đáng tin cậy, nhạy bén đã tạo ra những sản phẩm may mặc và gia dụng lấp đầy những gian hàng Walmart. Nhà nước Trung Quốc đã tạo điều kiện cho những công ty như vậy phát triển bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, thu hút đầu tư nước ngoài, và giữ giá trị đồng tiền Trung Quốc tương đối thấp. Nhưng để thành công, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn phải làm tốt hơn đối thủ ở những nước khác. Và họ đã làm được, biến Trung Quốc trở thành một thành viên quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Nếu có ngày Trung Quốc trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, những doanh nghiệp của nó sẽ phải học cách để vượt trội ở những khu vực cạnh tranh hơn rất nhiều như máy móc phục vụ sản xuất và công nghệ cao, tạo ra và tiếp thị được những sản phẩm tinh vi như các chất bán dẫn, thiết bị quang tuyến y tế, và máy bay. Những người tin rằng Trung Quốc sẽ áp đảo thường cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ thành công ở những ngành thế hệ thứ hai này như họ đã làm với những ngành thuộc thế hệ đầu kém phức tạp hơn nhiều, ví dụ như may mặc và điện gia dụng. Nhưng có rất nhiều lý do để hoài nghi về giả định đó.

Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trước đó dựa vào việc các doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu thuê ngoài nhân công và xoay quanh hàng trăm công ty tương tự, rất nhiều trong số đó thuộc sở hữu của người nước ngoài, xuất khẩu những sản phẩm công nghệ thấp. Trái ngược, để thành công trong lĩnh vực máy móc chế tạo (những thiết bị được sử dụng để sản xuất các hàng hóa khác) và công nghệ cao, các công ty phải phát triển được những khả năng độc nhất phù hợp với một nhóm nhỏ khách hàng, làm chủ một chuỗi công nghệ rộng lớn, thu nhận được những kiến thức khách hàng sâu rộng, và quản lý một chuỗi cung ứng toàn cầu. Và không giống với khu vực sản xuất giá rẻ, nơi mà các công ty Trung Quốc chủ yếu cạnh tranh với các công ty ở các nước đang phát triển, những ngành công nghệ cao và máy móc chế tạo đang bị thống trị bởi các tập đoàn đa quốc gia giàu có và khổng lồ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu.

Hơn nữa, một vài lợi thế Trung Quốc được hưởng suốt ba thập niên vừa qua, ví dụ như một lực lượng lao động khổng lồ, ít có ý nghĩa trong việc xác định một nước có thành công trong lĩnh vực máy móc chế tạo hay công nghệ cao hay không. Ví dụ, sản xuất máy bay phản lực và công cụ tìm kiếm trên Internet được hai công ty tương ứng là Boeing và Google dẫn đầu đều nằm trong một quốc gia lớn là Mỹ. Nhưng những công ty hàng đầu trong chế tạo chi tiết máy có độ chính xác cao (SKF) và chip nhớ bán dẫn (Samsung) lại đến từ những quốc gia tương ứng nhỏ hơn nhiều là Thụy Điển và Hàn Quốc. Cội nguồn thành công của các công ty này hầu hết nằm ở bên trong chúng hơn là những lợi thế mà những nước đó trao cho họ.

Tương lai sức mạnh kinh tế Trung Quốc ít phụ thuộc vào việc khi nào thì GDP của nó vượt Mỹ mà phụ thuộc nhiều hơn vào sự tiến bộ của các công ty Trung Quốc trong việc sản xuất và bán máy móc chế tạo và công nghệ cao. Các công ty đa quốc gia nước ngoài vẫn đang thống trị thị trường nội địa Trung Quốc trong lĩnh vực máy móc chế tạo cao cấp, và Trung Quốc vẫn phải dựa nhiều vào công nghệ phương Tây. Trong các lĩnh lực quan trọng nhất thế kỷ 21, các công ty Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi, điều này có lẽ sẽ khiến những người tự tin cho rằng thời đại kinh tế Trung Quốc thống trị không còn quá xa phải nghĩ lại.

Công nghệ thượng nguồn và hạ nguồn

Dù vẫn đang bám đuổi, Trung Quốc đã tiến khá xa trong việc chuyển dịch qua máy móc chế tạo và các sản phẩm công nghệ cao, hiện đã chiếm 25% xuất khẩu. Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện đang kiểm soát khoảng 50 đến 75% thị trường toàn cầu (gồm Trung Quốc) về container hàng hải, cần cẩu cảng, và các thiết bị phát điện chạy bằng than, và khoảng 15 đến 30% thị trường toàn cầu về các thiết bị viễn thông, tua bin gió trên bờ, và các hệ thống đường sắt cao tốc. Mặc cho tiền lương tăng và chi phí năng lượng gia tăng, các công ty Trung Quốc đã sử dụng năng lực của họ để đơn giản hóa quá trình sản xuất nhằm làm cho giá cả của họ thấp hơn từ 10 đến 30% so với các công ty Châu Âu trong ngành máy móc chế tạo, ngay cả từ trước sự mất giá gần đây của đồng nhân dân tệ.

Chiến lược “Một vành đai, một con đường” trị giá cả nghìn tỷ đô la của chính phủ Trung Quốc, tập trung vào việc bao phủ lục địa Á-Âu bởi mạng lưới đường bộ, đường sắt, thiết bị cảng do Trung Quốc xây, đã tạo thêm cho các nhà sản xuất Trung Quốc những lợi thế ở nước ngoài. Chính phủ cũng đã hỗ trợ cho những công ty địa phương bằng cách giới hạn số lượng máy móc chế tạo và dịch vụ mà các công ty phương Tây có thể bán tại Trung Quốc và bằng cách đòi hỏi họ phải chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc vẫn chưa trở thành một người chơi thật sự trong một thị trường với những sản phẩm đắt và phức tạp hơn, ví dụ như những tua bin gió ngoài khơi, lõi của các lò phản ứng hạt nhân, và máy bay phản lực cỡ lớn. Gần đây, người đứng đầu của một nhà sản xuất hàng không lớn của phương Tây có lưu ý chúng ta rằng thiết kế ngược (reverse engineering)[1] các bộ phận máy móc của một động cơ phản lực và tìm ra cách làm và bán chúng là một chuyện, nhưng phát triển kiến thức và kỹ năng để đảm bảo rằng những bộ phận này sẽ thật sự làm việc được lại là một chuyện khác.

Khả năng của người Trung Quốc thường được định hướng “hạ nguồn”: hấp thụ những công nghệ được nhập khẩu, đơn giản hóa khâu sản xuất, và sửa những thiết kế tiên tiến thành những sản phẩm bình thường hơn với giá rẻ hơn. Sự chắp vá và đổi mới lặt vặt như vậy đã mang lại lợi ích lớn cho những công ty dựa vào những công nghệ đã chín muồi, như container hàng hải và các thiết bị cầu cảng. Nhưng những công ty đa quốc gia phương Tây thường tập trung sức lực vào các công nghệ “thượng nguồn”: là xây dựng những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu chuyên môn của các khách hàng, thiết kế những sản phẩm năng suất cao có tích hợp công nghệ mới, và làm chủ kỹ năng phát triển phần mềm và cách điều hành hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu. Những phẩm chất đó đã cho phép các công ty phương Tây thống trị thị trường lò năng lượng hạt nhân, hệ thống công nghiệp tự động, và máy bay phản lực. Các công ty Trung Quốc đã chậm chân trong việc phát triển những kỹ năng thượng nguồn, phần nào giải thích tại sao thành công của họ trong các thị trường máy móc chế tạo và công nghệ cao không nhất quán và vì sao vẫn chưa thể chắc rằng họ có thể dịch chuyển từ phân khúc thấp lên phân khúc cao trong những ngành đó nhanh đến đâu.

Cạnh tranh từ các công ty phương Tây đã làm chậm tăng trưởng xuất khẩu thiết bị viễn thông của Trung Quốc từ 25% năm 2010 xuống còn 10% năm 2014. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 15% xuất khẩu toàn cầu trong lĩnh vực hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, một con số không đổi suốt năm năm qua. Tổng tăng trưởng xuất khẩu của nước này đã giảm từ 17% hàng năm trong giai đoạn 2004 tới 2011 xuống còn khoảng 5%  trong giai đoạn 2011 tới 2015, và tỉ trọng xuất khẩu máy móc chế tạo đã dừng lại ở mức 25%. Trung Quốc hiện không chuyển đổi từ xuất khẩu cấp thấp thế hệ một sang cấp cao thế hệ hai nhanh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi GDP đầu người của những nước này ngang với Trung Quốc, máy móc chế tạo chiếm hơn 25% kim ngạch xuất khẩu của họ, và hiệu suất của họ trong việc xuất khẩu máy móc chế tạo tiếp tục tăng chứ không bị chững lại như Trung Quốc.

Thêm vào việc tương đối thiếu các kỹ năng thượng nguồn, các công ty Trung Quốc cũng phải đối mặt với các thách thức đến từ việc điều hành các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty Trung Quốc thường giảm chi phí bằng cách học cách sản xuất những chi tiết quan trọng, như hệ thống thủy lực cho các công trình xây dựng hay kỹ thuật điện tử hàng không cho máy bay phản lực, để họ có thể tránh phải nhập khẩu chúng. Hầu hết các công ty phương Tây làm theo cách khác, sử dụng nhiều nguồn hàng cho những bộ phận đó: ví dụ như các nhà cung cấp từ khắp Châu Á và Châu Âu cung cấp linh kiện cho Apple iPhones và Boeing 787. Những kiểu tìm kiếm nguồn hàng tương phản với nhau thể hiện những cách nhìn khác biệt về việc làm cách nào để tạo nên quyền lực doanh nghiệp và cũng cho thấy mối ưu tư dài lâu về vấn đề tự cung tự cấp của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc mời chào những công ty tiên tiến vào Trung Quốc, học từ họ, và tìm cách thay thế họ, trong khi các công ty Châu Âu thích tìm kiếm những bộ phận tốt nhất có thể, không quan trọng chúng bắt nguồn từ đâu. Sự khác biệt này sẽ cho phép Trung Quốc phát triển một quy mô sản xuất rộng lớn hơn, nhưng những đối thủ nước ngoài sẽ có thể tận dụng được một nhóm các đối tác rộng lớn và cạnh tranh hơn.

 

Tác giả: Pankaj Ghemawat & Thomas Hout, “Can China’s Companies Conquer the World?”, Foreign Affairs, March/April 2016. – Dịch giả: Đặng Phước Thịnh @  Tổ chức Nghiên Cứu Quốc Tế

————–

[1] Tức vẽ ra bản thiết kế của sản phẩm dựa vào mổ xẻ một sản phẩm đã có sẵn, ngược lại với quy trình là thiết kế sản phẩm trước rồi mới chế tạo sau (NBT).

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh