Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 24, 2024

Dân oan phải chăng không tranh đấu cho nhân quyền?


1- Ba nhân tố thống trị con người của chế độ Cộng sản

Ông Milovan Djilas (1911-1995), từng là phó tổng thống Nam Tư bên cạnh Tito, sau đó phản tỉnh rồi bị bỏ tù, có viết một cuốn sách tố cáo Cộng sản rất sâu sắc và nổi tiếng mang tên “Giai cấp mới” (bản dịch tiếng Việt đăng trên Talawas 2005). Trong tác phẩm ấy, có những đoạn đáng nhớ như sau: “Chủ nghĩa CS là chủ nghĩa toàn trị với ba nhân tố thống trị con người quyền lực, sở hữu và tư tưởng cả ba đều là độc quyền sở hữu của một đảng chính trị duy nhất hay như tôi đã trình bày và gọi ở trên là “Giai cấp mới”, còn trong tình hình cụ thể hiện nay thì là độc quyền của nhóm chóp bu của đảng đó hay giai cấp đó. Không có chế độ toàn trị nào trong quá khứ và cả hiện nay, ngoài chế độ CS, có được cùng một lúc cả ba tác nhân thống trị đối với con người như vậy”. (Ch. Bản chất, đoạn 2). “Tước bỏ quyền của những người CS đối với sở hữu cũng có nghĩa là thủ tiêu họ như một giai cấp. Đấu tranh để buộc họ cho những lực lượng xã hội khác tham giai quản lí tài sản (giống như các nhà tư sản bị các cuộc đình công và quốc hội buộc phải cho công nhân tham gia vào việc phân chia lợi nhuận) cũng có nghĩa là tước bỏ của họ độc quyền đối với tài sản, độc quyền tư tưởng và độc chiếm chính quyền. Đấy sẽ là khởi đầu của dân chủ và tự do dưới chế độ CS”. (Ch. Giai cấp mới, đoạn 3).

Ở đây chỉ xin nói đến nhân tố thống trị con người thứ hai của CS: “độc quyền sở hữu tài sản”, tức chỉ mình làm chủ mọi tài nguyên đất đai của quốc gia. Tại VN, điều này đã bắt đầu từ cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc thập niên 50 của thế kỷ trước. Nay ai cũng biết cuộc cải cách này không phải là đem lại công bằng xã hội, càng không phải “thực hiện ước mơ nghìn đời của nông dân: có ruộng cho người cày”. Vì sau khi một số bần cố nông và bần nông được chia ruộng, thì năm 1957-1958, đảng CS đã lùa họ vào hợp tác xã để tập thể hoá nông nghiệp, nghĩa là họ hết làm chủ ruộng đất của mình. Đến khi sửa đổi Hiến pháp năm 1980, bằng điều khoản 19+20, Đảng quốc hữu hoá toàn bộ ruộng đất trong cả nước dưới mỹ từ lừa đảo: “thuộc sở hữu toàn dân… do nhà nước thống nhất quản lý”! Đến khi có Luật Đất đai (1993), điều đầu tiên vẫn chính là: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Hiến pháp 2013, đ. 53 còn trắng trợn hơn nữa: “Đất đai, tài nguyên… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều này dễ hiểu. Muốn độc quyền cai trị đất nước dài lâu, thì ngoài việc độc quyền định hướng tư tưởng nhân dân qua việc phải nắm cho được các phương tiện truyền thông, các trường học lớn nhỏ, các tổ chức văn hóa và tinh thần… đảng còn phải độc quyền sở hữu tài nguyên đất nước, một là để làm giàu cho mình, cụ thể cho nhóm chóp bu trong đảng, hai là để trả lương cho các lực lượng bảo vệ chế độ, ba là để nắm bao tử của đại đa số nhân dân, vốn làm nông nghiệp. Thành ra phải nói vấn đề ruộng đất ở VN (như ở các nước CS khác) không đơn thuần là vấn đề kinh tế mà chủ yếu là vấn đề chính trị, vì ruộng đất không chỉ là điều kiện để phát triển quốc gia mà còn là và nhất là phương tiện để đảng duy trì quyền lực của mình.

Từ khi bộ sậu lãnh đạo Ba Đình buộc phải đổi mới kẻo phải chết chùm cả nước, chấp nhận kinh tế thị trường, cho ngoại quốc vào đầu tư từ năm 1985, vấn đề đất đai lại nổi lên với những bi kịch mới. Chủ trương quy hoạch đô thị, phát triển khu kỹ nghệ, kiếm đất cho các công ty nước ngoài thuê mướn để xây dựng nhà máy… đã động đến hàng triệu con người lâu nay sống trên mảnh đất mà dù chỉ được sử dụng chứ không được sở hữu, họ vẫn tạm yên lành. Nghĩa là họ buộc phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đã thừa hưởng từ cha ông, đã lấy đó làm kế sinh nhai, đã bao năm gắn bó máu thịt, để nhường chỗ cho những chủ nhân mới với những công trình mới.

2- Tranh chấp về đất đai hay tranh đấu vì đất đai?

Vấn đề là họ phải rời bỏ nhà đất không phải vì có những kẻ mưu sâu thế mạnh trong xã hội đến lừa đảo, ức hiếp, hay là vì có thỏa ước trực tiếp “thuận mua vừa bán” với những người cần đất. Tuyệt đại đa số các trường hợp rời bỏ nhà đất tại VN hôm nay chính là bị cưỡng bức bởi nhà cầm quyền. Thay vì được tự do thương thuyết rồi bằng lòng giá cả với những công ty xí nghiệp bản địa hay ngoại quốc cần đất (như thường thấy ở hầu hết mọi nơi trên toàn thế giới), thì hàng vạn, và có thể tới hàng triệu thị dân lẫn nông dân VN đã bị nhà cầm quyền trước tiên dùng biện pháp hành chính với lệnh “thu hồi đất” (dựa trên nguyên tắc bất công phi lý là đối với đất đai, người dân chỉ có quyền sử dụng), kèm theo mức bồi thường do chính nhà nước ấn định. Trong đa phần trường hợp, mức bồi thường này -nếu bằng tiền- thì không tương xứng, chẳng đủ để mua nhà mới, tậu đất mới, học nghề nghiệp mới và có vốn làm ăn mới. Có trường hợp chỉ bằng 1-2% thực giá, hết sức khốn nạn và trắng trợn! Nếu bằng đất thì lắm khi phải di dời tới những nơi không thể sống và làm ăn như cũ được. Ví dụ trường hợp mấy trăm gia đình thuộc giáo xứ Đông Yên, Hà Tĩnh, vốn nằm cạnh Vũng Áng và làm nghề biển nhưng nay phải dời lên Đèo Ngang với muôn ngàn khốn đốn.

Nếu người dân không đồng thuận mức đền bù hoặc chỉ muốn định cư tại chỗ (trường hợp tập thể như giáo dân Cồn Dầu Đà Nẵng, cư dân bán đảo Thủ Thiêm, nông dân Hưng Yên… trường hợp cá thể như gia đình Nguyễn Trung Can+Mai Thị Kim Hương+Nguyễn Mai Trung Tuấn hoặc chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh…) thì a lê hấp, nhà cầm quyền sai lực lượng hùng hậu gồm công an, dân phòng, đầu gấu tới cưỡng chế bằng bạo lực. Có khi sau đó còn bỏ tù và san bằng nhà cửa. Một ví dụ điển hình là trường hợp bà Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội. Từ cuối năm 2007, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tây cũ (nay là quận Hà Đông, Tp Hà Nội) đã ra hàng loạt quyết định thu hồi đất mà không tổ chức cho dân được họp bàn, được đào tạo nghề nghiệp mới; các quy trình thủ tục thu hồi lại mắc nhiều sai phạm, khiến hàng nghìn người lâm cảnh thất nghiệp. Khi đó bà Cấn Thị Thêu đã đứng lên phản đối việc làm trái luật ấy, nhất là việc bồi thường quá rẻ mạt. Đền bù cho dân với giá 201.600 đồng/1m2, Trung tâm quỹ đất của quận Hà Đông sau đó rao bán trên mạng với giá khởi điểm là 31.500.000 đồng/1m2, gấp 150 lần giá đền bù. Tiếp đến bà tập hợp những ai cùng cảnh ngộ để đấu tranh đòi quyền lợi. Nhưng nhà cầm quyền vẫn sử dụng bạo lực để cưỡng chiếm đất.

Ngày 28-11-2012 hàng chục tên đầu gấu xã hội đen kéo đến nhà bà đe dọa giết cả gia đình. Ngày 25-4-2014, nhà cầm quyền đã sai hàng nghìn công an bộ đội, côn đồ đầu gấu về đàn áp và tước đoạt đất đai của nông dân Dương Nội. Bà Thêu lúc ấy đang ghi hình mọi diễn biến thì đã bị đánh bất tỉnh và sau đó bị đưa về trại giam. Ngày 19-09 rồi 25-11-2014, qua hai cấp tòa, bà đã bị tuyên án 15 tháng tù với tội danh “chống người thi hành công vụ”. Mới đây, cũng qua hai cấp tòa (20-09 và 30-11-2016) bà lại bị kết án 20 tháng tù vì đã tiếp tục tranh đấu đất đai.

Thành ra phải nói ở VN, tranh chấp về đất đai (giữa cá nhân với cá nhân, với tập thể, hay thậm chí với một cơ quan nhà nước) cũng có như mọi nơi trên hoàn cầu, nhưng rất ít so với việc nhà cầm quyền tước đoạt từ nhà đến vườn, từ ruộng đến sạp chợ của người dân để quan chức chia chác cho nhau hay bán lại giá cao ngất trời cho các công ty xí nghiệp ngoại quốc hoặc bản địa, khiến người dân phải tranh đấu, một cuộc tranh đấu vì đất đai, mà lại tranh đấu trong vô vọng, làm nên hiện tượng và tầng lớp DÂN OAN chưa từng có trong lịch sử Dân tộc. Và có thể nói đây là vấn đề nhân quyền lớn nhất tại VN hiện nay.

3- Dân oan phải chăng không tranh đấu cho nhân quyền?

Tuy nhiên có người nói Dân oan chỉ đấu tranh cho lợi riêng, hay cùng lắm là cho dân sinh chứ không phải cho nhân quyền, và càng không phải cho nhân quyền của toàn thể dân Việt!?! Trước hết, xin lưu ý rằng các Tuyên ngôn và Công ước Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã xác định con người có 26 nhân quyền cơ bản: 8 quyền về thân thể, 6 quyền về an cư, 8 quyền về lạc nghiệp, 4 quyền về tự do dân chủ. Để an cư, để lạc nghiệp, chẳng cần phải có một ngôi nhà để ở, để sinh hoạt, để làm ăn buôn bán? một mảnh đất để cày bừa, trồng tỉa, để nuôi gia súc và đào ao cá (như phần lớn dân Việt vốn làm nghề nông) sao? Nay bị nhà cầm quyền ngang nhiên tước đoạt những thứ quan yếu đó cách bất công và bằng bạo lực, các nạn nhân đứng lên đòi lại, đó chẳng phải là vì nhân quyền sao? Tuyên ngôn Nhân quyền còn nói rõ con người có quyền sở hữu tài sản.

Đồng ý là các dân oan đòi nhà đất trước hết bị thúc đẩy bởi sự bất công giáng xuống cho bản thân và gia đình họ (đa phần các nhà đối kháng VN hiện đứng lên đòi tự do, dân chủ cũng chẳng đi từ kinh nghiệm bị đàn áp của mình sao?). Nhưng khi đấu tranh cho chính mình như thế thì xã hội cũng được hưởng lợi từ những thành quả mà cuộc đấu tranh của họ mang lại. Đó là hai mối liên hệ có tính tương hỗ, gắn liền với nhau. Ngoài ra, như đã nói trên, vấn đề đất đai tại VN bao trùm tất cả mọi người Việt (vì ai cũng chỉ có quyền sử dụng mảnh đất trên đó mình đang sinh sống hay đang sản xuất). Dân oan khi tranh đấu đòi lại đất chính là đánh vào nguyên tắc mang tính chất và hậu quả chính trị: “Nhà nước sở hữu đất đai” hết sức vô lý và phi pháp, khiến mọi người ý thức rằng đó là một nguyên tắc không thể chấp nhận. Còn nguyên tắc đó thì đảng CS đúng là đảng cướp sản, cướp tài sản và cướp tâm trí để kéo dài việc cướp quyền lực như Milovan Djilas từng phân tích về 3 nhân tố thống trị của chế độ. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng từ vài năm qua, lực lượng dân oan cũng đã lên tiếng trước các bất công xã hội khác và vì những loại nạn nhân khác, chứ không chỉ ôm đơn kêu gào vô vọng như chục năm trước đây. Nào là dân oan bị đánh, bị bắt, bị bỏ tù theo điều 258. Nào là dân oan tham gia kêu gào công lý cho tử tù bị án oan. Nào là dân oan hợp lực đấu tranh bảo vệ môi trường, lên tiếng bênh vực các nhà dân chủ, tham gia các phiên tòa xử những người đối kháng. Họ cũng ngày càng tiến bộ về khả năng viết, nói, trình bày, lập luận, giao tiếp, kết hợp trong đấu tranh. Và phải nhớ là rất nhiều dân oan đã bị đánh đập tàn bạo, bị giam nhốt bất công và bị kết án nặng nề.

Giải Nhân quyền VN trao cho hai thủ lĩnh dân oan là bà Cấn Thị Thêu và bà Trần Ngọc Anh năm nay là lời công nhận phong trào dân oan đấu tranh đòi đất chính là đòi nhân quyền, và qua nhiều hành động khác, họ là một lực lượng đấu tranh nhân quyền rất đáng khâm phục và rất đáng được hỗ trợ.

Nguồn: Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 256 (01-12-2016)

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh