Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 24, 2024

Kỷ niệm ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (25/12/1927-25/12/2016)


Ngày này, 25 tháng 12, tám mươi tám năm trước, năm 1927, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã quyết định thành lập một đảng cách mạng, lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhằm mục đích vận động toàn dân đánh đuổi thực dân Pháp, dành độc lập cho quốc gia và tự do cho dân tộc. Trong mục tiêu “Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do và Dân Sinh Hạnh Phúc“, chống Cộng Sản, một thế lực phản động, đã trở thành mục tiêu đấu tranh ưu tiên của VNQDĐ ngày nay.

Bối Cảnh Lịch Sử Đất Nước.

Vào hậu bán thế kỷ 19, thúc đẩy bởi động lực kinh tế, các đế quốc tây phương tranh nhau tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm không tìm thấy ở đất nước họ. Hậu quả, Á Châu và Phi Châu bị chia cắt và bị đô hộ. Tại Đông Nam Á, người Anh đặt nền kiểm soát lên các quốc gia Miến Điện và Mã Lai Á trong lúc Pháp áp dụng một chính sách hà khắc khi chiếm quyền cai trị Đông Dương. Sài gòn bị chiếm năm 1858 và bốn năm sau, Nam kỳ bị chiếm. Thập niên 1880, Pháp đặt nền bảo hộ lên Cao miên, Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào, và sau đó tổ chức các xứ bị chiếm này thành Liên Bang Đông Dương trừ Thái Lan được tự do như là một vùng trái độn do sự cạnh tranh Pháp Anh.

Chính sách cai trị hà khắc của Pháp đã khích động nhanh chóng lòng yêu nước của toàn dân. Ngay khi Pháp chiếm Sài gòn năm 1858, phong trào kháng chiến từ triều đình và nhân dân nổi dậy khắp nơi. Năm 1862, triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất vì mất 3 tỉnh miền đông Nam kỳ. Năm 1874, triều đình Huế lại ký hòa ước Giáp Tuất vì mất 3 tỉnh miền tây. Mặc dầu khắp nơi, từ quan chí dân, nổi dậy chống trả kịch liệt, Pháp vẫn xâm chiếm miền Bắc, triều đình Huế phải ký hòa ước Harmand 1883. Năm 1884, triều đình phải ký hòa ước Patenôtre chấp nhận sự bảo hộ của người Pháp khi họ đem quân uy hiếp kinh thành Huế.

Thành Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng
Nước mất, quốc thể sỉ nhục, nhân dân chịu cảnh nô lệ và bị bóc lột thật khốn khổ. Sau khi Phong Trào Cần Vương thất bại, một nhóm thanh niên trí thức tân học thuộc nhóm Nam Đồng Thư Xã thấm nhuần tư tưởng chính trị và cách mạng Tây Phương, ứng dụng các tư tưởng chính trị dân chủ, từ hiện đại đến cả hiện thời như John Locke, Jean Jacques Rousseau, v.v… làm lý thuyết chỉ đạo để hoạch định chính sách, đường lối cho tổ chức cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Việt Nam Quốc Dân Đảng, vì thế, đã đáp ứng được nguyện vọng đánh đuổi thực dân Pháp của toàn dân, xây dựng một nền móng dân chủ tiên tiến, và, tiếp tục đương đầu với hiểm họa cọng sản đã có giai đoạn hết sức quyết liệt.

Ngày 25 tháng 12 năm 1927, “Đại Hội Đại Biểu Lần Thứ Nhất & Ngày Thành Lập Đảng” đã được tổ chức tại làng Thể Giao thuộc thành phố Hà Nội. Ba mươi sáu đại biểu đại diện mười bốn tỉnh Bắc kỳ và Trung kỳ hiện diện. Hội nghị chọn tên Đảng, thảo luận các nguyên tắc tổ chức, xác định mục tiêu, và hoạch định chính sách, đường lối phục vụ quốc gia.

Bắt đầu từ 8 giờ đêm ngày 24 và chấm dứt hơn 5 giờ sáng ngày 25/12/ 1927, Đại Hội Đại Biểu Đầu Tiên đã đạt các thỏa hiệp giữa các Đại Biểu. Hội nghị đồng thuận:

Thành lập một Đảng Cách Mạng Dân Tộc, danh xưng Việt Nam Quốc Dân Đảng, viết tắt VNQDĐ, với những quy định sinh hoạt chặt chẽ về điều kiện gia nhập, nghĩa vụ hy sinh của đảng viên, với những ràng buộc trách nhiệm bằng lời tuyên thệ trung thành với lý tưởng của Đảng.
Xây dựng một đất nước Việt Nam theo thể chế cọng hòa, căn cứ trên ý thức hệ chính trị hiện đại cũng như đương thời, qua đó chính quyền thừa nhận quyền tối thượng của quốc dân, tôn trọng tuyệt đối các quyền tự do cá nhân và quyền theo đuổi hạnh phúc của con người.
Hoạch định chính sách và đường lối hoạt động của Đảng.

Kế Hoạch Đối Nội

Giai đoạn I: Kết nạp đảng viên, phát triển tuyên truyền và tổ chức quần chúng, chuẩn bị lực lượng quân sự.

Giai đoạn II: Chiếm chính quyền bằng vũ lực, tổ chức các cơ cấu dân cử cùng phổ biến nếp sống dân chủ nhưng Đảng vẫn giữ chính quyền, tổ chức toàn quốc đầu phiếu để thiết lập hiến pháp nhằm trao trả chính quyền cho nhân dân.

Kế Hoạch Đối Ngoại

Giúp các quốc gia lân bang Ai Lao và Cao Miên trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước họ.

Bầu cơ chế lãnh đạo Đảng. Sau khi Nguyễn Thái Học nhận danh hiệu, “Đệ Nhất Chi Bộ” theo đề nghị của Hội Nghị dành cho chi bộ “Nam Đồng Thư Xã,” các yếu nhân sau đây được bầu vào Tổng Bộ Lâm Thời:
Chủ Tịch: Nguyễn Thái Học
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Thế Nghiệp
Ủy Ban Tổ Chức: Phó Đức Chính, Lê Văn Phúc
Ủy Ban Tuyên Truyền: Nhượng Tống
Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch
Ủy Ban Tài Chánh: Đặng Đình Điển, Đoàn Mạnh Chế
Ủy Ban Giám Sát: Nguyễn Hữu Đạt, Hoàng Trác
Ủy Ban Trinh Sát: Trương Dân Bảo, Phạm Tiềm
Ủy Ban Ám Sát: Hoàng Văn Tùng
Ủy Ban Binh Vụ: Chưa có người đảm nhiệm.

VNQDĐ Với Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy

Từ đấy, lịch sử Việt Nam Quốc Dân Đảng gắn liền với vận mệnh của đất nước; hoạt động của VNQDĐ đáp ứng được nguyện vọng và ý chí của toàn dân. Ngày 10 tháng 2 năm 1930, Tổng Bộ Chiến Tranh VNQDĐ đã phát động cuộc Tổng Khởi Nghĩa tấn công thực dân Pháp. Khí thế cách mạng quân lừng lẫy khắp các mặt trận từ Yên Báy qua Hưng Hóa, Lâm Thao, Sơn Tây, Đáp Cầu, Phả Lại, Kiến An, Phủ Dực, Vĩnh Bảo, đến Hà Nội.

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã chiến thắng tại một số mặt trận quan trọng. Nhưng, sau đó bị đẩy lui, một phần vì quyết định tấn công thúc đẩy bởi tình hình phát triển Đảng đang ở vào một tình thế cấp bách, phần khác do cọng sản rải truyền đơn tố cáo cuộc tấn công làm cho thực dân để tâm phòng thủ. Mặc dầu không nắm được hết chính quyền, nhưng khí thế hào hùng của cuộc Tổng Khởi Nghĩa làm thực dân và tay sai lo sợ, tạo được sự quan tâm đối với những thành phần tiến bộ người Pháp, đặc biệt lôi cuốn được sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trên tinh thần Tổng Khởi Nghĩa, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã vận động được sự đoàn kết đáng kể của đại khối dân tộc, thực hiện thành công sự kết hợp phản ảnh được ý thức tiến bộ dân chủ cùng ý chí đấu tranh của các tầng lớp nông dân, lao động của một số thành phần trước đây trong phong trào ái quốc như Văn Thân, Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục.

Nhận xét về thành quả của cuộc Tổng Khởi Nghĩa, vốn “chỉ phát động trong vòng hai năm sau khi thành lập Đảng, ở một tình thế mà quyền lực thực dân toàn thịnh, và trong lúc các lãnh đạo Đảng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu hoạt động tại đào vì bị án khuyết tịch,” Hoàng Văn Đào, tác giả “Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954,” ca ngợi,

Đây là một thành quả phi thường; một thành quả khó tìm thấy trong quá khứ và không thể tìm thấy trong các cuộc cách mạng tương lai của thế giới…Cái bí quyết thành công ấy không gì khác hơn là “hành động liên tục và đoàn kết chặt chẽ.” Tuy nhiên, các hành động này bắt nguồn từ những tư tưởng quang minh chính đại, vô vị lợi, cao cả do những người đảm lược, luôn giữ lương tâm và hành động mình không chút bợn nhơ danh lợi mà chỉ biết phụng sự lý tưởng cách mạng với sáng suốt, nhiệt thành, dũng cảm, và vô điều kiện.

Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy là một hiến dâng máu xương giành độc lập cho Tổ Quốc và tự do cho dân tộc. Cuộc tấn công Yên Báy bằng võ lực làm phấn chấn tinh thần yêu nước của toàn dân, thúc đẩy nhiều phong trào yêu nước tiến tới nhiều giai đoạn đấu tranh chống Pháp quyết liệt hơn. Đặc biệt “ ý chí thành nhân,” một ý thức văn hóa chính trị khởi phát từ ý thức thành nhân của anh hùng Nguyễn Thái Học được tôn vinh, không những đương thời mà còn suốt cả chiều dài lịch sử Việt Nam Quốc Dân Đảng vì lẽ,

Ý Chí Thành Nhân” trân trọng hoàn thành nhân cách của con người bằng trách nhiệm của mình với đồng chí, đồng bào, trung thành với chí hướng cách mạng cứu nước giúp dân, thách thức với mọi khó khăn nguy hiểm, hiến thân mình chọn cái chết anh dũng để trả nợ núi sông khi đại sự không thành.

Việt Nam Quốc Dân Đảng, với chủ trương đánh đuổi thực dân, ngày 10 tháng 2 năm 1930, đã góp thêm một trang sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc.

VNQDĐ Đối Đầu Với Cọng Sản Tay Sai Đệ Tam Quốc Tế

Trong khi các nhà lãnh đạo VNQDĐ nỗ lực để vượt mọi khó khăn nhằm điều quân tấn công các đồn địch trong ngày Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy thì cán bộ Đông Dương Cọng Sản Đảng lại phản bội, rãi truyền đơn tố cáo kế hoạch tấn công của VNQDĐ với Pháp. Chứng cớ hiển nhiên làm Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học bàng hoàng. Giảo hoạt của cọng sản vượt mức luân thường đạo lý khiến cho bất cứ ai, nhất là những người được rèn luyện trong mẫu mực truyền thống đạo đức dân tộc, khó tin ngay những hành vi không thể tin tưởng được ấy lại đã xẩy ra.

Trong những giờ phút nghiêm trọng ấy, cán bộ Đông Dương Cọng Sản Đảng rải truyền đơn khắp nơi tố giác VNQDĐ sắp tấn công Bắc Kỳ; cô Giang cầm tờ truyền đơn trao cho Nguyễn Thái Học xem. Nguyễn Thái Học đập bàn, thét to: “Tôi không tin! Có thể nào anh em Cọng Sản lại hành động như thế được!”

Mặc dầu vậy, trên quan điểm “Tổ Quốc Trên Tất Cả,” Việt Nam Quốc Dân Đảng và các đảng phái quốc gia khác, suốt trong giai đoạn chống Pháp, nhất là giai đoạn 1945, vẫn sẵn sàng hợp tác với cọng sản Việt Minh để cùng toàn dân giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân. Thế nhưng, cọng sản, vốn bản chất lật lọng, luôn luôn xử dụng hết thủ đoạn này đến âm mưu khác nhằm tiêu diệt những người cách mạng quốc gia.

Năm 1939, Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Năm 1940, quân đội Nhật đổ bộ Đông Dương. VNQDĐ ráo riết hoạt động cùng với các đảng phái quốc gia, kể cả Mặt Trận Việt Minh. VNQDĐ cũng như ĐVQDĐ đều có lập chiến khu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, và Thanh Hóa trong lúc ĐDCSĐ cầm đầu bởi HCM, ẩn mình trong VNĐLĐMH lập chiến khu ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, và Đông Triều.

Tại quốc nội, VNQDĐ phải đương đầu với cả hai thế lực Pháp và Nhật. Trong tình thế đặc biệt ấy, các đồng chí hoạt động công khai có tiếng tăm dùng chiến thuật ra công khai “Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng” để che chở cơ sở Đảng. Để thực hiện kế hoạch, Tân VNQDĐ liên hiệp với ĐVQDĐ và ĐVQXĐ thành lập “Đại Việt Quốc Gia Liên Minh.”

Ngày 9 tháng 3, 1945, Nhật đảo chánh Pháp thành công. Tổng Tư Lệnh quân đội Nhật, đại diện chính phủ Đông Kinh tuyên bố, “long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam và cùng nhau lập khối thịnh vương chung Đông Nam Á.” Ngày 17 tháng 4, Bảo Đại trao quyền Trần Trọng Kim lập nội các. Ngày 6 tháng 8, 1945, Hoa kỳ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và ngày 9 tháng 8, 1945, xuống Nagasaki. Trong thời kỳ chao đảo chính trị này, Việt Minh tạo nhiều áp lực chính trị lên nội các lưu nhiệm Trần Trọng Kim.

Khi hay tin đại diện của tướng De Gaule thương lượng với Tổng Tư Lệnh Nhật để số quân đội Pháp đào tẩu trước đây đổ bộ lên Hải Phòng và nhận định rằng Việt Minh sẽ nhân cơ hội này cướp chính quyền, đại diện VNQDĐ, đồng chí Lê Khang, trong phiên họp “Liên Minh Quốc Dân Đảng” đã phân tích vạch trần bản chất phản bội của Việt Minh Cọng Sản,

Cọng Sản sẵn sàng đi đôi với tất cả thế lực, bất chấp thực dân Pháp hay quân phiệt Tàu, miễn sao tiêu diệt được những người cách mạng dân tộc chúng ta; nếu nay để cho cọng sản nắm được chính quyền, họ sẽ tuyên truyền công bố với dân chúng rằng chúng ta là những kẻ phản động, phản quốc, Việt gian.

Đồng thời, đại diện VNQDĐ, viện dẫn nhiều chứng cứ được công bố trong cương lĩnh 1848 của Đảng Cọng Sản như “chủ trương đấu tranh giai cấp,” “thực hiện đấu tố,” “loại bỏ gia đình,” “chủ trương vô tổ quốc,” và “hủy diệt tất cả tôn giáo cùng tất cả đạo lý” mà Cọng sản sẽ áp đặt lên nhân dân để thuyết phục hội nghị chấp thuận ngay việc nắm chính quyền để tránh họa cọng sản vì lẽ, “ Khi cọng sản nắm vững tình hình,” Lê Khang nhận định, “Các anh sẽ không còn đất đứng; họ sẽ tạo nên một giai cấp thống trị quan liêu mới, hưởng mọi đặc ân, loại trừ các đảng phái quốc gia, và đưa dân tộc chúng ta lệ thuộc vào hàng ngủ Đệ Tam Quốc Tế.” Tuy nhiên, đề nghị này không được hội nghị chấp nhận, Lê Khang cùng một số đồng chí quyết định đoạt chính quyền Vĩnh Yên làm địa bàn hoạt động.

Ngày 16-8-1945, Thủ Tướng Trần Trọng Kim họp đại hội đại biểu toàn quốc tại Hà nội để thảo kế hoạch chống xâm lăng. Nhưng chỉ vài ngày sau, ngày 19-8-1945, Việt Minh, với một số cán bộ trang bị vũ khí, biến cuộc biểu tình của nhân dân tại Nhà Hát Lớn Hà Nội thành cuộc tuần hành thị uy chiếm Khâm Sai phủ.

Ngày 20 tháng 8 năm 1945, Việt minh tiến chiếm một số tỉnh và thành lập các Ủy Ban Nhân Dân địa phương thay thế các cơ chế của chính phủ Nam Triều. Hầu hết mọi nơi Bảo An Binh không kháng cự, riêng tại một số tỉnh như Hà Giang, Hà Đông, Vĩnh Yên, Việt Minh phải đương đầu với lực lượng võ trang Việt Nam Quốc Dân Đảng vốn chủ trương chiếm và giành chính quyền, chiếm chính quyền từ tình trạng vô chính phủ và giành chính quyền đã lọt vào tay Việt Minh. Một trong những đụng độ quyết liệt nhưng đưa đến thắng lợi cho Việt Nam Quốc Dân Đảng là đã chiếm được chính quyền Vĩnh Yên đúng như kế hoạch.

Nhận định rằng Việt Minh sẽ tăng cường nhiều cuộc tấn công, Việt Nam Quốc Dân Đảng mở rộng địa bàn hoạt động tiếp tục võ trang, củng cố và phát triển chiến khu để đương đầu với cả thực dân lẫn cọng sản. Sau trận Vĩnh Yên, nhiều cuộc đụng độ võ trang giữa Việt Minh và Việt Quốc đã diễn ra trên tất cả chiến khu, từ Đệ Nhất đến Đệ Thất Chiến Khu của VNQDĐ.

Ngày 22 tháng 8, năm 1945, VNQDĐ quyết định dứt khoát đối đầu với Việt Minh Cọng Sản và đã thắng trận đầu tiên tại Vĩnh Yên. Trận chiến thắng này có một ý nghĩa đặc biệt. Nó củng cố ý chí cho cuộc chiến Quốc Cọng 30 năm, 1945-1975, mà qua đó những người quốc gia biểu trưng như những kẻ quyết tâm tìm tự do dân chủ cho toàn dân và hỗ trợ các chính phủ Việt Nam thực hiện đường lối đồng minh với Hoa Kỳ và các quốc gia thế giới tự do.

Tháng 3 năm 1947, Harry S Truman, Tổng Thống Hoa Kỳ phục vụ trong những năm quan trọng từ 1945-1953, lúc mà các chiến thuật của người Hoa kỳ trong Chiến Tranh Lạnh hình thành vững vàng, đã gởi đến Quốc Hội biểu quyết và được chấp thuận “chính sách ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cọng sản” bằng cách hỗ trợ tài chánh và kinh tế cho các quốc gia bị đe dọa bởi những hoạt động khủng bố của cọng sản. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia được quan tâm đầu tiên.

Vài nhận định sau đây chỉ ra những sai lầm, vô tình hay hữu ý, với dụng ý mỉa mai và xuyên tạc rằng cuộc chiến 1954- 1975 là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn…Thật sự, cuộc chiến 1954-1975 tự bản chất là cuộc chiến tranh ý thức hệ chính trị, qua đó những người quốc gia, khởi xướng bởi Việt Nam Quốc Dân Đảng, với sự đồng thuận và hợp tác của các đảng phái và toàn dân qua nhiều giai đoạn lịch sử, đã đối đầu với chủ nghĩa cọng sản, dù Hoa Kỳ có hỗ trợ hay không, dù thắng hay bại, các chính quyền quốc gia vẫn chiến đấu bởi vì họ đã ý thức và đã từng chiến đấu chống cọng sản, rõ nét nhất vào năm 1945.

Việt Nam Quốc Dân Đảng được thành lập nhằm đánh đuổi thực dân Pháp; kế hoạch không thành công trọn vẹn, nhưng “ý hướng mới trong đấu tranh được kết hợp đa dạng trong các mặt trận khác vẫn là một chiến lược hiệu quả để đối phó với mọi biến thái xảo quyệt của kẻ thù.” Mặc dầu vậy, Cọng Sản Việt nam, khởi sự bởi tổ chức “Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” cầm đầu bởi Hồ Chí Minh, tìm cách triệt hạ các tổ chức cách mạng quốc gia để tiếp tay thực hiện âm mưu xích hóa thế giới của Đệ Tam Quốc Tế.

Tóm lại, thấu triệt được các mối nguy mà cọng sản sẽ áp đặt lên dân tộc, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đấu tranh và kháng cự quyết liệt với cọng sản, nhưng không đem lại được quyền lãnh đạo đất nước cho nhân dân. Trong lúc đó, để đạt mục tiêu chiếm chính quyền, cọng sản không từ nan bất cứ phương tiện bạo lực man rợ nào, nhất là khủng bố, giết người, và hậu quả, tai ương đến cho dân tộc hôm nay như chúng ta đã từng thấy.

Nhận Định Về Nguy Cơ Của Đất Nước.

Ngày 19-8-1945, Cọng Sản Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim mà ba ngày trước đó cùng các đại diện quốc dân đã hoàn thành kế hoạch chống xâm lăng. Sau khi cầm quyền tại miền bắc năm 1954, Cọng sản dâng đất bán biển để đổi những khoản viện trợ khổng lồ mà Hồ Chí Minh nhận từ Trung Cọng để đánh chiếm miền Nam. Gần đây, nhiều hệ thống truyền thông thế giới loan tải rằng tổ chức truyền thông bất vụ lợi Wikileads đã công bố một số trong hơn 250 ngàn điện thư của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tiết lộ chính quyền Cọng Sản Việt Nam đã tự nguyện làm một bộ phận kiểu Mông Cổ và Tây Tạng mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm và sáp nhập trước đây, và lãnh đạo CS đích thân cầu khẩn Trung Quốc xin tự trị! Nếu nguồn tin được xác nhận, hành động của đảng Cọng sản Việt Nam đủ để cấu thành trọng tội phản quốc, bán nước.

Trong tình trạng như thế, hiểm họa nô lệ lâu dài của dân tộc và sự tồn tại của đất nước thể hiện rõ nét. Thứ nhất, chính quyền độc tài toàn trị Cọng Sản Việt Nam, không chỉ càng ngày càng tăng cường đàn áp nhân dân đòi thực hiện dân chủ, mà tệ hại hơn, đàn áp thô bạo các phong trào phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ cũng như gây nhiều thiệt hại tài sản và sinh mạng nhân dân trong lãnh hải quốc gia, và thách thức các cảnh báo của cơ quan nhân quyền quốc tế về các hành động vi phạm của họ.

Thứ hai, quyền lực ưu thế của thế giới, Hoa Kỳ, có tiềm năng điều hòa mâu thuẫn và đụng độ giữa các quốc gia, lại đang ở vào một tình trạng tế nhị! Sai lầm trong đường lối giải quyết chiến tranh Việt Nam 1975 tạo cho cọng sản Việt Nam hãnh tiến, tôn sùng đến sợ hãi Trung Quốc phải xin làm một bộ phận của nước này. Thiếu hướng dẫn trong chính sách cố gắng hòa nhập Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới tạo thuận lợi cho Trung Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng đến lớn mạnh khó ngăn cản được, nay nếu Hoa Kỳ cố làm chậm lại hay ngăn cản, sẽ phát sinh hậu quả ngược lại. Hoa Kỳ hiện có những mối lợi tại Đông Á Châu đang đạt đến: (1) Bảo quản sự tấn công hạt nhân hủy diệt đã hứa hẹn hỗ tương giữa Mỹ-Trung (2) ổn định sự giải bỏ vũ khí hạt nhân và cuối cùng thống nhất bán đảo Hàn Quốc, (3) ổn định Eo Biển Đài Loan và một giải pháp hòa bình cho chính sách Đài Loan, (4) bảo vệ liên minh Mỹ-Nhật và duy trì tình trạng một Nhật Bản không hạt nhân, và (5) giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh hải của Trung Quốc với các láng giềng của quốc gia này và bảo vệ tự do di chuyển thương mại trong vùng biển nam Trung Quốc…Nhưng, một cuộc khảo sát về lợi ích và các mục đích của Hoa Kỳ trong vùng cho thấy rằng Hoa Kỳ có những “thỏa thuận trên nhiều mục đích căn bản,” và do đó hợp tác, với Trung Quốc; vì vậy, trông cậy vào sự “hào hiệp của Hoa Kỳ” hay “vô tư của Hoa Kỳ” cho vấn đề “VN khỏi lọt vào tay Trung Cọng” có thể cũng chỉ là một mơ tưởng, ngay cả khi Cọng Sản Việt Nam đứng hẳn về phía Hoa Kỳ, vì lẽ, Hoa Kỳ thỏa thuận với Trung Quốc thống nhất Hàn Quốc dưới lãnh đạo của Nam Hàn nhưng không quan tâm rằng tiến trình bang giao lâu dài, theo lý thuyết liên hệ quốc tế, làm cho Hàn Quốc càng ngày càng thân thiện và rơi vào ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Điều này không những quá nguy hiểm cho quân đội Hoa Kỳ đóng ở bán đảo Hàn Quốc mà còn duy trì Việt Nam an toàn trong vai trò nô lệ Trung Quốc (nếu chúng ta không muốn nói Hoa Kỳ đổi chác với Trung Quốc, mà một trong các phẩm vật tình cờ là VN, vì vài cái lợi trước mắt mà không quan tâm cái hại không lường được.)

Thứ ba, vấn đề đất nước hiện nay, một phần trách nhiệm không phải không do các tổ chức của người quốc gia, cả cách mạng và chính trị, quá khứ cũng như hiện tại, vì lẽ các tổ chức này có thể chưa hoàn toàn thấu triệt ý đồ xích hóa thế giới của chủ nghĩa cọng sản nên đoàn kết thiếu chặt chẽ, ngay cả người “đồng minh” cũng vậy, vì cái lợi nhất thời, họ không mấy quan tâm đến cái họa có thể đến ở tương lai. Sau khi thua cuộc chiến nhiều năm, Hoa Kỳ không những “không cứng rắn với quân cướp đang giãy chết trên vùng đất trước kia thuộc ‘Đế Quốc Tội Ác’” mà còn “hà hơi tiếp sức” bang giao, kể cả cùng một số tổ chức chính trị hoạt đầu và Việt gian vong bản, thừa nhận vai trò cọng sản Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc để chính quyền độc tài toàn trị này vin thế đàn áp ác liệt hơn các phong trào thực thi dân chủ của toàn dân và thẳng tay trù dập tôn giáo.

VNQDĐ Kiên Định Lập Trường

Tóm lại, Việt Nam Quốc Dân Đảng, với tám mươi tám năm phục vụ dân tộc, đã hy sinh to lớn cho công cuộc chống thực dân và, mặc dầu thiệt hại bởi Cọng sản khủng bố, giam cầm, thủ tiêu, bôi nhọ thanh danh, VNQDĐ vẫn tồn tại sáng ngời với lý tưởng Chủ Nghĩa Dân Tộc. Ngày 25-12-1927, Đại Hội Đại Biểu VNQDĐ khẳng định các nguyên tắc chỉ đạo công cuộc cách mạng với các phương châm chính trị: “chủ quyền tối thượng của quốc gia” “national sovereignty” – đất nước Việt Nam độc lập từ bất cứ quyền lực cao hơn nào – và “quyền tối thượng của nhân dân” “popular sovereignty” – trong đó nguồn quyền lực tối hậu của quốc gia là nhân dân. Đảng Cọng Sản Việt Nam, trái lại, để củng cố nguyền lực, dâng đất nước và cam tâm làm nô lệ Trung Quốc; vì vậy, CSVN và xâm lược Trung Quốc không thể tồn tại dưới ý chí của nhân dân và trào lưu dân chủ của nhân loại.

Lịch sử dân tộc chứng minh rằng nhân dân đóng một vai trò quyết định trong công cuộc cứu nguy đất nước mỗi khi bị ngoại xâm. Với quyết tâm hỗ trợ của toàn dân, áo vải Quang Trung chiến thắng xâm lược Mãn Thanh năm 1789, Lê Lợi thắng xâm lược Nhà Minh năm 1427, và Ngô Quyền thắng xâm lược Nam Hán năm 938… Do đó, ý chí và tài nguyên toàn dân chống độc tài toàn trị bán nước và chống xâm lược để bảo vệ độc lập quốc gia là những nguồn lực quyết định thắng thế không thể cưỡng được cho sự trường tồn của dân tộc. Và, VNQDĐ khẳng định: cùng toàn dân bảo vệ độc lập quốc gia và hạnh phúc của dân tộc là chủ trương không thay đổi từ ngày thành lập.

Trân trọng kính kính chúc quý đọc giả một mùa Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới an khang và thịnh vượng.

Ban biên tập  VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG tại HẢI NGOẠI

More Stories From Tin Nong

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh