Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Saturday, November 23, 2024

Án chung thân cho cựu đại biểu ‘chạy’ vào quốc hội


Cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, người từng khai chi 1,5 triệu đôla để chạy vào cơ quan lập pháp của Việt Nam, vừa bị tòa án Hà Nội tuyên án tù chung thân vì về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo truyền thông trong nước.

Báo Tiền Phong đưa tin, sau 2 tuần xét xử và nghị án, Tòa án thành phố Hà Nội hôm 16/10 đã tuyên án tù chung thân đối cựu Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất – Housing Group, trong khi 9 đồng phạm khác chỉ bị tuyên án từ 36 tháng tù treo đến 6 năm tù giam.

Tại tòa, bà Nga khẳng định không lừa đảo khách hàng, trong khi các luật sư bào chữa của Nga cho rằng không đủ căn cứ kết tội bà Nga phạm tội lừa đảo, và vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng, cần trả hồ sơ điều tra lại.

Ngoài án tù, Bà Châu Thị Thu Nga phải bồi thường hơn 54 tỷ đồng. Hội đồng xét xử được báo VietnamNet dẫn lời nói rằng bà Nga và công ty Housing Group phải liên đới bồi thường cho 501 người bị hại số tiền chiếm đoạt hơn 242 tỷ đồng, trong đó công ty Housing Group do bà Nga làm chủ tịch phải bồi thường hơn 187 tỷ đồng.

Trong một phiên xét xử, bà Nga, cựu đại biểu Quốc hội khóa 13, nói rằng bà trả 1,5 triệu đôla (khoảng 30 tỷ đồng) để “chạy” cho một chiếc ghế trong Quốc hội.

Bà Nga hai lần xin được khai báo về khoản tiền này trước tòa hôm 5/10, nhưng không được chủ tọa cho phép vì “không nằm trong phạm vi vụ án”, theo báo chí trong nước.

Ông Nguyễn Đình Hà, một ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại Hà Nội cho VOA biết phản ứng của ông về việc “chạy ghế” này: “Thông tin về việc bà Châu Thị Thu Nga khai nhận “chạy vào Quốc hội” hết 1,5 triệu đôla đã có từ trước khi phiên xử sở thâm đối với bà diễn ra. Tôi cũng đã từng nghe người nọ, người kia nói về những trường hợp “chạy ghế” khác, không chỉ ở quốc hội, mà trong hệ thống các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của nhà nước nói chung. Nhưng đây là lần đầu có một sự khai nhận cụ thể, mong muốn công bố sự thật về chuyện hối lộ, nhận hối lộ để có ghế đại biểu quốc hội.”

Là một một ứng viên đại biểu quốc hội độc lập của kỳ bầu cử quốc hội khóa 14, ông Hà đánh giá việc “chạy ghế” này thể hiện “một sự bất minh, bất công đáng phải làm rõ, loại bỏ và nghiêm trị người phạm pháp, để cho những kỳ bầu cử sau được minh bạch, công bằng và thực sự dân chủ hơn.”

Ông Hà nói thêm rằng những khiếm khuyết trong hệ thống bầu cử cũng cần phải được sửa đổi, nhằm bảo đảm quyền của công dân về ứng cử, cũng như giúp loại bỏ những ứng viên như bà Nga, và nhiều đại biểu bị bãi miễn tư cách trong thời gian qua.

Ông Hà nói hiện mọi lời khai của bà Nga về chuyện “chạy ghế” đều bị bưng bít, giới truyền thông đưa tin về phiên tòa không thể nghe thấy lời khai liên quan đến chữ “chạy”, bất kể là chạy ghế đại biểu quốc hội hay “chạy dự án”. Do vậy, ông không thể đưa ra nhận định chính xác về việc bà Nga “chạy” như thế nào.

Tuy nhiên, ông nhận định rằng trên thực tế mọi cuộc bầu cử tại Việt Nam, các ứng viên trúng cử đều là những người nằm trong “cơ cấu, thành phần”, “đã được Đảng Cộng sản và Mặt Trận Tổ quốc các cấp trước đó sắp đặt, nên vai trò lá phiếu của cử tri dường như có vai trò không đúng mức.” Do vậy, ông Hà phỏng đoán rằng bà Nga “chạy” để được nằm trong danh sách được “cơ cấu, thành phần” trong Quốc hội.

Khi được hỏi vụ này có tác động như thế nào đối với uy tín của quốc hội Việt Nam, ông Hà nói: “Vụ việc bà Nga khai nhận “chạy vào Quốc hội” bộc lộ một hiện tượng, một lỗ hổng to lớn trong hệ thống bầu cử tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến tính chính danh của Quốc hội đương nhiệm.”

Ông Hà đặt nghi vấn: “Còn bao nhiêu vị đại biểu có ghế là do “chạy” nữa?”. Sự việc này cũng đặt một dấu hỏi lớn về tính dân chủ, quyền lực thực tế của người dân trong mỗi kỳ bầu cử, chưa nói đến là sự vận hành của toàn bộ cơ chế vận hành nền chính trị tại Việt Nam.”

“Niềm tin của người dân vào Quốc hội, uy tín của Quốc hội với cử tri sau hàng loạt kỳ vọng, rồi thất vọng như chậm ban hành Luật về Hội, Luật Biểu tình; thông qua Điều 19.3 trong Bộ luật hình sự sửa đổi…, nay lại bị hạ thêm một bậc nghiêm trọng nữa, liên quan đến tính chính danh.”

Bà Nga trở thành đại biểu quốc hội khóa 13 năm 2011, nhưng bị miễn nhiệm vị trí này năm 2015 sau vụ bê bối “bán nhà ảo” trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh