Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, November 25, 2024

Trung Quốc vươn vòi hút công nghệ của châu Âu, Bruxelles tự vệ


Lợi dụng châu Âu lúng túng vì khủng hoảng tài chính và kinh tế, Bắc Kinh tăng tốc đầu tư vào Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles giật mình khi thấy tư bản của Trung Quốc đã tràn vào những lĩnh vực mang tính chiến lược trong chính sách phát triển công nghiệp của Liên Âu. Từ 2008 đến 2018, gần 320 tỷ đô vốn của Trung Quốc đổ vào Lục Địa Già.

Trong hơn một thập niên, nhờ túi tiền gần như vô hạn, các doanh nghiệp Trung Quốc liên tục cắm rễ vào châu Á, rồi châu Mỹ La Tinh trước khi tấn công vào hai thành trì kiên cố hơn là Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Riêng trên Lục Địa Già, những nước cờ của các doanh nhân Trung Quốc ít được biết tới, cho dù, dấu ấn của nền kinh tế thứ nhì trên thế giới đang gây nhiều lo ngại.

Trong một bài nghiên cứu rất chi tiết đăng trên trang mạng, ấn bản ngày 23/04/2018, hãng tin Bloomberg tổng kết như sau : Tại châu Âu, từ năm 2008 tới nay, 360 trên tổng số 678 thỏa thuận mở cửa cho vốn nước ngoài tham gia, xuất xứ từ Trung Quốc. Từ hãng chuyên sản xuất lốp xe Pirelli & C. SpA của Ý đến công ty cho thuê máy bay Avolon Holdings Ltd của Ai Len đã đổi chủ. Có ít nhất là bốn phi trường, sáu hải cảng của châu Âu, 13 đội bóng chuyên nghiệp trên Lục Địa Già nay đã thuộc về Trung Quốc. Thống kê của hãng tin Bloomberg chưa kể thương vụ 9 tỷ đô là mà tập đoàn xe hơi Geely Holdings vào tháng 2/2018 tung ra để trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn xe hơi Đức Daimler AG.

Trung Quốc « mua vào » những gì của châu Âu ?

Vẫn theo nghiên cứu của Bloomberg, trong một chục năm, tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu nhanh hơn là của Mỹ vào Lục Địa Già với đỉnh điểm là năm 2016, khi ChemChina thông báo chi ra hơn 46 tỷ đô la để mua lại Syngenta AG tập đoàn hóa chất và chuyên bán hạt giống của Thụy Sĩ.

Như vậy theo bảng tổng kết của Bloomberg, ngoài các cơ sở hạ tầng như là hải cảng hay phi trường, trong lĩnh vực công nghiệp, ngành hóa chất đứng đầu trong số các mục tiêu đã lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư Trung Quốc. Công nghệ tin học, viễn thông bị đẩy xuống xa phía sau trong bảng xếp hạng của Bloomberg. Dù vậy trong vỏn vẹn một thập niên, tư bản Trung Quốc đã đổ vào các lĩnh vực kinh tế được coi là then chốt của châu Âu từ địa ốc, đến các công ty chế tạo robot (như là Kula của Đức) để phục vụ cho guồng máy sản xuất công nghiệp, từ hãng xe hơi nổi tiếng của Thụy Điển, Volvo đến ngành năng lượng hạt nhân, điện lực, dầu khí …

« Ai » đứng đằng sau các thương vụ mua bán bạc tỷ đó ?

Theo nghiên cứu của Bloomberg, câu trả lời khá đơn giản : tất cả các dự án đều do các công ty Nhà nước Trung Quốc hay các quỹ đầu tư của Nhà nước Trung Quốc tiến hành. Công luận châu Âu bắt đầu phải quen với những cái tên như là CNOOC, CNPC trong lĩnh vực dầu khí ; Dalian Wanda trong ngành giải trí, các hệ thống khách sạn, du lịch ; Fosun trở nên quen thuộc hơn với dân Pháp khi mà tập đoàn này đã mua lại, hãng du lịch cao cấp Club Med… trong ngành xây dựng, thì HNA Group Co đã cắm dùi vào châu Âu. Một phần lớn các hoạt động giao thông vận tải trên biển chung quanh vùng Địa Trung Hải do tập đoàn Cosco của Trung Quốc điều hành sau khi đã mua lại được Piraeus, hải cảng lớn nhất của Hy Lạp.

Nghiên cứu của Bloomberg chốt lại : 8 trong số 10 dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu đều có bàn tay của Nhà nước Trung Quốc.

Trong bối cảnh tham vọng bắt rễ vào Lục Địa Già của các tập đoàn Trung Quốc tưởng chừng như vô hạn, và sự hiện diện của các cổ đông Trung Quốc trong những lĩnh vực mang tính chiến lược, như năng lượng, tài chính, giao thông … của châu Âu bắt đầu gây lo ngại.

Theo bộ Kinh Tế và Tài Chính Pháp, trong hai năm 2016 và 2017, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu tăng 77 % mà Liên Âu lại “không có phương tiên để bảo vệ những lĩnh vực kinh tế mang tính chiến lược”.

Cơ chế tự vệ ?

Họp báo tại Sofia, Bulgari hồi tháng 2/2018 bà Cécilia Malmström – Ủy viên châu Âu đặc trách về Thương Mại không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc nhưng cho biết là Bruxelles hy vọng từ nay đếu cuối năm đạt được một thỏa thuận về đầu tư từ các nền kinh tế ngoài liên hiệp.

“Chúng tôi đương nhiên hoan nghênh các dự án đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp Châu Âu. Các dự án này đem lại thịnh vượng cho các thành viên trong Liên Hiệp, nhưng chúng ta cũng cần cảnh giác trước một số các trường hợp đặc biệt, khi mà các chương đầu tư của nước ngoài có thể ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu. Do vậy Ủy ban đề nghị một khung hợp tác và đề trao đổi các thông tin giữa những thành viên liên quan đến các kế hoạch đầu tư của nước ngoài vào Liên Âu”.

Cuối tháng 2/2018 công luận Đức choáng váng khi hay tin một nhà tỷ phú Trung Quốc mua lại cổ phần của hãng xe vốn làm nên tên tuổi của nền công nghiệp Đức là Daimler, nổi tiếng với những chiếc xe Mercedes. Với thương vụ hơn 9 tỷ đôla, hãng xe Geely của Trung Quốc trở thành “cổ đông đa số” của Daimler. Bộ trưởng Kinh tế Đức xem vụ thâu tóm vốn của hãng xe Daimler là nhằm phục vụ “cho chính sách công nghiệp của một Nhà nước” và đó là điều “không thể chấp nhận được”. Nhưng rồi sau tuyên bố mạnh mẽ nói trên, thủ tướng Đức Angela Merkel đã trấn an đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Berlin rằng nước Đức “mở rộng cửa với tất cả mọi đối tác” và không có gì bất hợp lệ trong vụ hãng xe Geely mua lại gần 10 % cổ phần của Daimler.

Dù vậy, từ năm ngoái Đức đã cùng với hai thành viên quan trọng khác trong khối euro là Pháp và Ý đề nghị tương tự như của Mỹ, Úc, Bruxelles cũng phải có một hệ thống giám sắt chặt chẽ hơn các dự án đầu tư của nước ngoài vào Liên Hiệp Châu Âu. Lá chắn gồm những biện pháp nào và liệu có đủ sức thuyết phục được tất cả các thành viên trong đại gia đình châu Âu hay không ?

Một trong những hướng đang được các chuyên gia châu Âu hướng tới là mở rộng phạm vi các lĩnh vực được xếp trong danh sách thuộc về an ninh quốc gia. Các lĩnh vực đó bao gồm từ ngành hàng không đến y tế và cả các phương tiện truyền thông. Với biện pháp này, Bruxelles có thể ngăn chận một số các dự án đầu tư vào bất kỳ một thành viên nào trong Liên Hiệp. Các bên chủ xướng đề nghị mọi dự án mở cửa cho đầu tư nước ngoài nếu bị hơn 1/3 các nước trong khối chống đối, sẽ bị đình chỉ.

Tất cả vấn đề nằm ở chỗ thứ nhất đây mới chỉ là những đề nghị để các chuyên gia còn phải đào sâu thêm. Thứ hai là về thực chất hơn 50 % các dự án đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu tập trung tại 5 quốc gia. Đứng đầu là Anh Quốc mà nước Anh thì đang chuẩn bị rời Liên Hiệp Châu Âu trong chưa đầy một năm nữa. Một trở ngại không nhỏ khác đặt ra là chia rẽ trong nội bộ châu Âu. Nếu như Đức, Pháp, Ý muốn tăng cường các công cụ để tự vệ thì ngược lại, những nền kinh tế « vòng ngoài », như là Hy Lạp hay Bồ Đào Nha … tức những mắt xích yếu kém nhất trong khối euro lại xem vốn của Trung Quốc là một cơ hội để phát triển. Đó là chưa kể đến lập trường của nhiều đối tác tại Đông Âu, tuy không tham gia đồng euro nhưng là những thành viên thực thụ của Liên Hiệp Châu Âu mà số này đang có khuynh hướng trông thấy ở dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 của Bắc Kinh, một tương lai đầy hứa hẹn. Trước mắt từ Phần Lan đến Hy Lạp đều không mấy mặn mà với đề xuất của Bruxelles.

Từ năm 1975, Mỹ đã có hẳn một cơ quan giám sát các dự án đầu tư nước ngoài (Committee on Foreign Investment in the United States CFIUS) Chính quyền Trump đang có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của cơ quan này. Nhật Bản, Canada hay Úc đều có các cơ chế kiểm soát vốn đầu tư trực tiếp của ngoại quốc. Bản thân Ấn Độ và Trung Quốc cũng có những công cụ để bảo vệ các lĩnh vực kinh tế “nhậy cảm”. Liên Hiệp Châu Âu thì không. Hiện chỉ có 12 trong số 28 thành viên (trong đó có Anh, Pháp, Đức Ý và Tây Ban Nha) là có một cơ quan tương tự như CFIUS của Mỹ. Nói cách khách, tham vọng châu Âu có được một công cụ chung để bảo vệ từ công nghệ cao đến những dịch vụ trong ngành tài chính ngân hàng, ngành bảo hiệm, từ hệ thống cung cấp điện lực cho đến đất canh tác …. còn rất xa vời.

Nguồn: RFI/Thanh Hà

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh