10 tháng Sáu, ngày ‘Toàn quốc xuống đường’
Posted by Luu HoanPho, Jun 12, 2018, Comments Off
Vì sao cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu năm 2018 phản đối ‘luật bán nước’ (một cách gọi của nhân dân đối với Dự Luật Đặc khu) và ‘đả đảo Trung Quốc’ bị chính quyền và công an bóp nghẹt tại Hà Nội, nhưng lại như thác gầm đến hàng trăm ngàn người xuống đường ở Sài Gòn?
Những dấu hỏi lớn
Vì sao dòng thác ấy vẫn cuồn cuộn gầm thét dữ dội bất chấp trước đó đã không có một tổ chức xã hội dân sự độc lập hay những nhà hoạt động trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước đứng ra kêu gọi biểu tình, trong khi phần lớn giới này vẫn bị công an canh chặn ở nhà trước và trong ngày 10 tháng Sáu như mỗi khi có biểu tình?
Vì sao dòng thác biểu tình vẫn xuất hiện và cuồn cuộn lan ra đến phân nửa quốc gia sau khi ‘đảng và nhà nước ta’ đã phải khẩn cấp tìm cách ‘tháo ngòi nổ’ biểu tình bằng cách phát ra một bản thông báo hoản Dự Luật Đặc khu vào lúc 3 giờ sáng?
Vì sao khác hẳn với thông lệ trước đây của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và kỷ niệm các sự kiện dân tộc, nhân quyền chỉ diễn ra vào buổi sáng và thậm chí chỉ kéo dài trong vỏn vẹn một vài tiếng đồng hồ hoặc vài chục phút, cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu lại kéo dài đến cả buổi chiều và buổi tối cùng ngày ở Sài Gòn, thậm chí còn lan sang cả ngày hôm sau, đặc biệt chuyển sang một trọng điểm mới là Công ty Pouyuen cũng ở Sài Gòn?
Vì sao khác khá nhiều với hình ảnh hệt điên dại xồ vào người dân biểu tình để ‘cắn xé’, hành hung theo lối côn đồ và bắt bớ diện rộng người biểu tình trong nhiều cuộc biểu tình trước đây, lực lượng Công an TP.HCM lại có vẻ ‘buông’ cho dân Sài Gòn đi biểu tình thoải mái vào ngày 10 tháng Sáu, ít ra cũng trong nguyên buổi sáng?
Và còn nhiều dấu hỏi ‘vì sao’ nữa…
‘Luật bán nước’
Sau khi dư âm tưng bừng và dư vị quá khó tả của ngày 10 tháng Sáu tạm lắng, trong dư luận xã hội và nhất là giới đấu tranh dân chủ nhân quyền đã dấy lên những cuộc trao đổi và tranh luận về nguồn cơn nào đã thúc đẩy và kích phát sự kiện 10 tháng Sáu.
‘Luật bán nước’ là nguồn cơn chính yếu nhất – theo tuyệt đại đa số ý kiến.
Dù đã được âm thầm chuẩn bị trong nội bộ đảng cầm quyền từ vài năm trước, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như đặt sự đã rồi. Còn trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu. Và càng tuyệt dối không có bất kỳ ý tưởng nào của chính quyền về ‘trưng cần dân ý’ đối với dự luật gắn liền với cơ thể chủ quyền lãnh thổ này.
Ngay sau khi ‘luật bán nước’ được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Mạng xã hội lập tức biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính – Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này; Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng; và cả Nguyễn Phú Trọng – một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi!’ thì lại tuyệt đối mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ Dự Luật Đặc khu.
Người dân có đầy đủ lý do để phẫn nộ và căm phẫn.
Sau rất nhiều lần, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó: không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’, trong khi hoàn toàn không thèm ngó ngàng gì đến cảnh nạn hàng ngàn người dân ở ‘Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ đã bị chính quyền TP.HCM biến thành dân oan, phải tha phương cầu thực và cả những cái chết tự treo cổ do quá phẫn uất khi bị cưỡng chế đẩy đuổi khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất.
Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.
‘Suy giảm niềm tin’ vẫn còn là cách mô tả quá tô hồng. Trong thực tế, dân đã mất sạch niềm tin vào chế độ trong rất nhiều vụ việc mà chính quyền chỉ hứa hẹn nhưng không hề làm, hoặc thậm chí làm ngược lại.
Vụ Dự Luật Đặc khu cũng tương tự. Bất chấp đề nghị của Chính phủ về hoãn dự luật này, rất nhiều người dân đã không tin, không còn tin một chút nào, và họ vẫn giữ ý định xuống đường để hy vọng bằng những bước chân rầm rập và cánh tay giương cao biểu ngữ phản đối, ‘luật bán nước’ sẽ bị hủy bỏ và do vậy nước sẽ không bị bán.
Đói quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ Luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Phan Rí Cửa ở tình Bình Thuận là một minh chứng điển hình
Kẻ nào khiến dân Bình Thuận phải nổi dậy?
Không có nhiều bằng chứng cho thấy người dân thành phố Phan Thiết và Phan Rí Cửa khi đi biểu tình vào ngày Mười tháng Sáu có mối quan tâm đặc biệt đến những khuất tất chính trị và nhân quyền của hai Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Mà trên hết, họ đi biểu tình vì nhu cầu môi sinh và môi trường mà đã bị Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phá hủy với sự bao che trắng trợn của chính quyền tỉnh Bình Thuận.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) thi công từ tháng 8/2010, với 15% là vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn lại là vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và ODA của Chính phủ Trung Quốc.
Rất rõ ràng, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có nguồn gốc từ Trung Quốc, kèm thêm những dấu hiệu không còn quá mơ hồ của một đám quan chức ‘Việt gian’.
Vào tháng Tư năm 2015, hàng ngàn người dân đã đổ ra quốc lộ 1A đoạn chạy qua Bình Thuận, gây ách tắc giao thông Bắc – Nam kéo dài hàng chục km. Hành động này được xem là bất đắc dĩ để thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội và buộc chính quyền Bình Thuận phải giải quyết vô số đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân về nạn xả thải ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, trong đó có mối nghi ngờ rất lớn vào động cơ ăn chia giữa một số quan chức cao cấp của tỉnh Bình Thuận với phía Trung Quốc…, nhưng không hề được giải quyết thỏa đáng.
Song thay vì lo cho dân, đối thoại với dân và tìm cách hạn chế ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nếu không muốn nói là phải đóng cửa nhà máy này, chính quyền và công an Bình Thuận đã đàn áp thô bạo người dân, khởi tố và truy tố dẫn đến bỏ tù một số người dân vô tội.
Nỗi phẫn uất của người dân Phan Rí Cửa nói riêng và Bình Thuận nói chung đã dâng cao kể từ vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, mau chóng hình thành tâm lý đối đầu và đối kháng với chính quyền vào bất cứ tình huống va chạm hay xung đột nào giữa công an, quan chức chính quyền với dân.
Cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu đã thêm giọt nước tràn ly, sau khi ly đã tràn ở Bình Thuận trong những năm qua. Khi một số người biểu tình bị công an bắt bớ theo thói quen thẳng tay đàn áp và đánh đập dã man người dân, đoàn người biểu tình đã lập tức phản ứng. Họ kéo đến trụ sở Ủy ban nhân và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận để đòi người. Nhưng thay vì tiếp dân và đối thoại, những quan chức lãnh đạo tỉnh lại trốn biệt trong khi bắt lực lượng công an và cảnh sát cơ động ra dàn trận để chống lại đoàn biểu tình. Bạo động và bạo loạn đã phát sinh từ bầu không khí tức nước vỡ bờ và thù địch như thế. Không quá khó hiểu là sau khi đã phá tung được hàng rào cảnh sát cơ động, đoàn biểu tình đã chiếm lĩnh trụ sở chính quyền Bình Thuận và một số thanh thiếu niên ‘quá khích’ đã đập phá trụ sở, đốt xe công an… như một hành động trút giận và trả đũa vì công an bắt người biểu tình.
Hành động tháo chạy của lực lượng ‘còn đảng còn mình’ trước đoàn biểu tình phẫn nộ của dân cho thấy không chỉ là sự bất xứng về tương quan số đông, mà còn là xuất phát từ tâm trạng công an sợ bị người dân trả thù.
Một sự thật đơn giản mà bất kỳ ai cũng hiểu và nằm lòng là công an ‘còn đảng còn mình’ có thể bắt bớ hàng trăm người hoạt động nhân quyền, nhưng không thể nào tống giam hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người dân – những người luôn trong tâm thế nước tràn ly, ngày càng sẵn sàng thay thế những nhà hoạt động nhân quyền đã bị chính quyền tống giam.
Ngày ‘Toàn quốc xuống đường’
Ngày Mười tháng Sáu đã bất thần trở thành một trong những ngày lịch sử nhất trong lịch sử thời hậu chiến: lần đầu tiên kể từ ngày ‘thống nhất đất nước’ Ba Mươi tháng Tư năm 1975, một cuộc tổng biểu tình phản đối Luật Đặc khu đã bùng nổ trên suốt chiều dài của mảnh đất ‘lệ rơi hình chữ S’.
Nếu các cuộc biểu tình phản đối Hải Dương 981 vào năm 2014, phản đối chặt hạ cây xanh vào năm 2015, phản đối Luật Bảo hiểm xã hội cùng vào năm 2015, và phản đối Formosa vào năm 2016 vẫn nhắm tới đối tượng phản đối là Trung Quốc hay những chính sách của chính quyền, thì cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 không thể khác hơn là lần đầu tiên kể từ năm 1975 đã thể hiện một hành động phản kháng trực tiếp đối với nhà cầm quyền.
Sau cuộc tổng biểu tình trên và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ – áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Thế nhưng, số lượng người biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người tại Sài Gòn và diễn ra trên hơn 50% tỉnh thành ở Việt Nam chắc chắn đã vượt hoàn toàn khỏi hình dung và sự thao túng của mọi tính toán và mưu toan – nếu quả thực có bàn tay ‘đạo diễn’ biểu tình.
Lòng dân đã bức bối và căm phẫn đến tột độ một chế độ ăn tàn phá hại, bóc lột dân chúng thậm tệ và đẩy cả dân tộc vào cảnh tuyệt vọng. Chỉ cần có cơ hội là tung chân xuống đường.
Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Rất nhiều quan chức công an từ cao xuống thấp đang cảm nhận ngày càng rõ về hồi chuông báo tử đối với chế độ đang vang rền những tiếng quyết định, báo trước thời khắc quyết định trong không bao lâu nữa.
Nguồn: Blogger Phạm Chí Dũng @ VOA Tiếng Việt