Thông điệp ‘lò vẫn nóng’ hay một cơn bão mới?
Posted by Luu HoanPho, Jul 12, 2018, Comments Off
Nguyễn Phú Trọng muốn phát đi thông điệp gì và gửi đi những tín hiệu gì từ vụ kỷ luật hàng loạt quan chức vào tháng Sáu năm 2018 – một tháng sau khi Hội nghị trung ương 7 kết thúc mà đã chẳng ‘trảm’ được quan chức nào?
Trọng lại bị chỉ trích
Sau Hội nghị trung ương 7 mà đã chẳng thể ‘diệt ruồi’ lẫn đả hổ’, bầu không khí ‘chống tham nhũng’ bất thần lãng đãng đến khó tả, trái hẳn với sức nóng sôi sục từ ‘lò’ của Tổng bí thư Trọng cùng bản tụng ca lên tận mây xanh của giới quan chức cận thần dành cho ông ta vào cuối năm 2017 khi Trọng quyết liệt chỉ đạo bắt một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng.
Còn nhớ vào cận tết nguyên đán năm 2018 khi xuất hiện ‘chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng’, tức ‘chống tham nhũng phải có nhân văn’, đã có một luồng dư luận cho rằng về thực chất ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’ và tái tạo hình ảnh của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho cá nhân mình.
Chẳng bao lâu sau đó, đã có những biểu hiện cho thấy ông Trọng thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của ông, trong khi tương lai trở thành ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘lưu danh sử xanh’ của ông ta còn xa mới đạt tới.
Rất có thể, sự phản ứng của dư luận trên, mà đặc biệt là dư luận từ giới cách mạng lão thành trong đảng ngay sau Hội nghị trung ương 7, đã khiến Nguyễn Phú Trọng không thể ngủ ngon và tiếp tục mơ màng về danh hiệu ‘Người đốt lò vĩ đại’ của ông ta.
Vậy là một lần nữa kể từ quý hai năm 2017, vào tháng Sáu năm 2018 ông Trọng lại khởi động quy trình ‘diệt ruồi’, trước khi nhắm đến một ‘con hổ’ nào đó trong Bộ Chính trị đảng.
Lại kịch bản ‘diệt ruồi’
4 ‘con ruồi’ đầu tiên sau Hội nghị trung ương 7 là các cựu lãnh đạo doanh nghiệp con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an của ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương Nguyễn Phú Trọng ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam vào cuối tháng Sáu năm 2018.
PVN lại là ‘căn cứ địa cách mạng’ của cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Đinh La Thăng, một dấu ấn vô cùng đáng nhớ của ông Thăng khi từ nơi đó ông đã đi lên cái ghế Bộ trưởng Giao thông vận tải và sau đó còn lọt vào Bộ Chính trị của đảng cầm quyền, để chẳng bao lâu sau đó cũng kẻ chỉ đạo phá chùa Liên Trì này đã phải rơi vào vũng lầy của đảng bằng hai cái án với tổng cộng ba chục năm tù giam mà chỉ có thể thốt lên ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người’.
Hiển nhiên là sau khi ‘mần’ con cá lớn Đinh La Thăng và ‘thay máu’ tập đoàn mẹ PVN, Nguyễn Phú Trọng muốn ‘xẻ thịt’ những con cá con.
Ba ngày sau vụ khởi tố bắt giam 4 cựu lãnh đạo doanh nghiệp của PVN, đến lượt Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Vũ Thanh Hà – nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).
Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ đã tiêu tốn hơn 1.534 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thực hiện thanh tra (tháng 9/2016) vẫn dang dở, bế tắc. Đây là một trong số 12 dự án ‘ngàn tỷ trùm mền’ để lại từ thời bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng – kẻ bị dư luận xã hội xem là tội đồ của quá nhiều hậu quả ghê gớm phát sinh từ tham nhũng, đầu tư lãng phí, bảo kê cho các nhóm lợi ích xăng dầu và điện lực, nhập khẩu vô tội vạ nhiều mặt hàng từ Trung Quốc như một cách ‘nối giáo cho giặc’…
Cho tới nay, Vũ Huy Hoàng chỉ mới bị kỷ luật đảng và ‘cách tất cả các chức vụ thời trước, nhưng vẫn khá bình yên ngoài vòng lao lý.
Những ngày cuối tháng Sáu 2018, nội bộ đảng và báo giới nhà nước như tỉnh ngủ hẳn khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cá nhân liên quan vụ AVG như Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng, Cao Duy Hải, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Đồng thờ kỷ luật đảng hai nhân vật tướng lĩnh cao cấp trong Quân chủng phòng không – không quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam là Thượng tướng Phương Minh Hòa và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh.
Một cơn bão mới?
Vụ kỷ luật hai tướng Phương Minh Hòa và Nguyễn Văn Thanh là sự kiện ‘đốt lò’ thứ hai trong khu vực Bộ Quốc phòng, sau vụ Út trọc, trong chiến dịch ‘làm sạch quân đội’ của Nguyễn Phú Trọng – người mà từ tháng Sáu năm 2016 đến nay đã tuần tự và liên tiếp thực hiện chủ trương ‘chống tham nhũng’ từ bắt đầu từ công an rồi ‘đánh’ sang quân đội, không khác mấy quy trình ‘diệt hổ’ trong lực lượng vũ trang để bảo đảm ‘đảng chỉ huy súng’ một cách tuyệt đối của Tập Cận Bình ở Trung Quốc từ năm 2012 đến nay.
Nếu vụ kỷ luật hàng loạt quan chức sau Hội nghị trung ương 7 chắc chắn muốn phát đi thông điệp ‘lò vẫn nóng’, thì ý đồ và nước cờ tiếp theo của Nguyễn Phú Trọng trong việc thi hành kỷ luật hai viên tướng quân đội có lẽ không nằm ngoài kế hoạch sẽ ‘đốt’ tiếp tướng công an.
Một khi ‘củi nhà’ trong quân đội – khu vực mà Nguyễn Phú Trọng chính là bí thư quân ủy trung ương, còn bị tống vào ‘lò’ thì các loại tướng lĩnh tham nhũng ở Bộ Công an – một loại ‘củi rừng’ – càng chẳng có lý do gì để không bị thiêu đốt.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, đã có hai viên tướng công an bị khởi tố và tống giam là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an, và Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, từng một thời là cấp trên trực tiếp của Nguyễn Thanh Hóa.
Sau vụ kỷ luật hai tướng Phương Minh Hòa và Nguyễn Văn Thanh của quân đội, đang xuất hiện nhiều đồn đoán rằng sẽ có một viên tướng hàm thứ trưởng của Bộ Công an bị cho vào ‘lò’ vì liên đới trực tiếp trách nhiệm vụ Vũ ‘Nhôm’.
Theo ‘quy luật’ riêng có của ông Trọng kể từ tháng Sáu năm 2016 khi bắt đầu phát ra ‘việc cần làm ngay’, chiến dịch ‘diệt ruồi’ từ tháng Sáu năm 2018 sẽ gia tăng cường độ theo thời gian, có thể trong một giai đoạn khoảng 3 – 4 tháng, để sau đó đạt tới đỉnh điểm nhất thời bằng hàng loạt ‘ruồi’ bị cho ‘nhập kho’ và tạo tiền đề để tiến tới ‘mần’ một ‘con hổ’ nào đó.
‘Quy luật’ trên đã có thể được hình thành chân đứng của nó sau Hội nghị trung ương 5 và Hội nghị trung ương 6 cùng vào năm 2017.
Sau Hội nghị trung ương 6, ‘hổ’ Đinh La Thăng đã bị tống giam. Vậy sau Hội nghị trung ương 7 sẽ là ‘con hổ’ nào?
Song trùng với quy luật tự nhiên về tần suất xuất hiện bão và lốc xoáy từ Philippines tràn vào Biển Đông và các vùng duyên hải Việt Nam thường vào các nửa cuối năm, một cơn bão chính trị mới có thể đang quần tụ với tâm bão ngay tại Hà Nội trong thời gian nửa cuối năm 2018.
Những dấu hiệu không hề mờ nhạt của cơn bão trên lại hiện ra vào lúc cơn bão khủng hoảng Đức – Việt do vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đang xuất hiện những dấu hiệu có thể sẽ chấm dứt trong thời gian tới. Nếu đúng như thế, Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn bị quá nhiều áp lực và đe dọa nội bộ từ vụ Trịnh Xuân Thanh và do đó sẽ rảnh tay hơn để ‘hồi tố’ những đối thủ chính trị trong nội bộ đảng của ông ta khi nửa còn lại năm 2018 đang ập đến.
Nguồn: Phạm Chí Dũng @ VOA Tiếng Việt