Hơn 2.000 người ký kiến nghị xin ân xá cho tử tù Đặng Văn Hiến
Posted by Luu HoanPho, Jul 16, 2018, Comments Off
Một kiến nghị xin ân xá cho tử tù Đặng Văn Hiến (hình trên) trên trang mạng Hopecom đã thu thập được hơn 2.000 chữ ký tính đến 12 giờ trưa ngày 16/7/2018. Mục tiêu được đặt ra là phải đạt được 5.000 chữ ký trước khi đơn được gửi đến lãnh đạo nhà nước.
Đơn kiến nghị được gửi đến Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Hôm 12/7 vừa qua, Tòa án Cấp cao thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên y án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án giết người, hủy hoại tài sản và che dấu tội phạm xảy ra tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông.
Theo đơn kiến nghị, mặc dù ông Đặng Văn Hiến phạm tội giết người nhưng ông thực ra chỉ là một nông dân hiền lành, chăm chỉ, hòa đồng với hàng xóm. Ông Hiến phải thực hiện hành vi phạm tội là do đã bị dồn nén gần như đến bước đường cùng, buộc phải chống trả hành vi vi phạm pháp luật của công ty Long Sơn để bảo vệ nguồn sống duy nhất của gia đình.
Công ty Long Sơn đã thuê người và phương tiện đến san ủi nhà cửa, vườn điều của gia đình ông Hiến ở xã Quảng Trực hôm 23/10/2016. Ông Hiến đã dùng súng tự vệ. Vụ nổ súng đã khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Sau vụ nổ súng, ông Hiến được khuyên ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng nhưng tòa sơ thẩm sau đó vẫn tuyên tán tử hình ông Đặng Văn Hiến.
Sau phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Đặng Văn Hiến, nhiều cá nhân và tổ chức đã ký những thỉnh nguyện thư và tuyên bố kêu gọi ân xá cho ông Hiến, và phản đối bản án.
Gần 30 cá nhân và hơn 100 tổ chức đã tham gia ký tên vào một tuyên bố về bản án tử hình ông Đặng Văn Hiến, phổ biến trên mạng hôm 13/7.
Tuyên bố viết ‘hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm dành cho ông Đặng Văn Hiến là sự phỉ báng công lý, được sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu chính trị của nhà cầm quyền vì tội danh giết người hoàn toàn không phù hợp với diễn biến của vụ án cũng như hành vi của các bị cáo’.
Theo tuyên bố, hội đồng xét xử đã không xem xét thấu đáo hành động tự vệc của các nông dân mất đất trước sự tấn công và cướp tài sản ngang ngược bất chấp pháp luật của công ty Long Sơn.
Ngoài ra việc ông Đặng Văn Hiến ra đầu thú, đáng nhẽ phải được coi là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Vì vậy, những người ký bản tuyên bố đề nghị nhà nước phải mở cuộc điều tra việc cưỡng chế đất của công ty Long Sơn, ai là người bao che cho những hành động này.
Hôm 15/7, truyền thông trong nước cho biết nhiều người dân tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, nơi gia đình các nông dân giữ đất sinh sống, đã ký đơn xin cứu xét gửi lên Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng chính phủ cho ông Đặng Văn Hiến. Người dân cho biết họ không đồng tình với bản án mà toà án danh cho ông Đặng Văn Hiến trong khi lại giảm án cho ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu – Phó Giám đốc và ông Phạm Công Thiện – quản lý công ty Long Sơn.
Nguồn: RFA