Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Thơ, Nhạc và “Người Tình” của Nguyễn Đình Toàn


Nguyễn Đình Toàn, một tiếng nói mà cách đây 40 năm, từng được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “người tình không chân dung” của thính giả Việt Nam. Đó là một nhạc sĩ, một nhà thơ, một nhà văn, và là một người đã mang đến cho người nghe thời ấy một cách nghe nhạc hoàn toàn mới lạ trên đài phát thanh Sài Gòn mỗi tối Thứ Năm với chương trình “Nhạc chủ đề”.

      Thơ, Nhạc và “Người Tình” của Nguyễn Đình Toàn

“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người, bao giờ cũng được bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau. Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ, anh còn nghe vang tiếng em, trong tất cả tiếng động ngù ngờ nhất, của cái ngày sung sướng đó, tiếng gió mây thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố. Ngần ấy những tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh, một thưở thanh bình nào,bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm vang lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa trở về, gió cuốn từng cơn nhớ, anh bỗng nhận ra, anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố.”

Chắc hẳn quí vị thính giả, ai đã lớn lên trong những ngày tháng cũ, đã hít thở mùi vị của khói lửa chiến tranh, tâm hồn được sưởi ấm bằng nền văn học nghệ thuật miền Nam, thì có lẽ đang có cái cảm giác bồi hồi khi nghe lại tiếng nói trầm ấm này, tiếng nói như chỉ đang thủ thỉ cho một người.

Những ngày tháng đó, cứ mỗi tối thứ Năm, trên đài phát thanh Sài Gòn, tiếng nói của chàng Nguyễn Đình Toàn lại vang lên, ru thính giác người nghe vào những ca khúc trữ tình bằng lời nói ngọt ngào, tình tứ về những cuộc tình được ươm mầm, sinh ra, lớn lên, rồi… chết, chết trong bất tử, trên chính mảnh đất quê hương. Mỗi một ca khúc đều được ông đưa đến người nghe bằng lời giới thiệu truyền cảm, tình tứ và nhẹ như tơ. Người ta sẽ tìm thấy trong mỗi lời giới thiệu ấy là một bài thơ, do chính chàng viết lên và đưa họ đi vào ca khúc chủ đề.

“…Tình chúng ta bắt đầu như mùa thu trở lại. Khi những chùm hoa thạch thảo ngát hương trên lối đi quen. Mùa thu bắt đầu trên dòng sông bát ngát. Mùa thu nhuộm vàng những cánh rừng. Mùa thu phơi áo mơ phai, chiều võ vàng với xác hoa trên hình bướm…”

Từ chương trình “Nhạc chủ đề” cùng lời giới thiệu như thơ của Nguyễn Đình Toàn, các ca khúc tiền chiến cùng những tiếng hát ngày đó đã ru ấm giấc ngủ cho biết bao trái tim người nghe trong thời loạn ly.

Lúc đó, giới yêu văn học biết đến Nguyễn Đình Toàn vừa là một nhà văn với tác phẩm nổi tiếng “Áo mơ phai”, một tác phẩm đoạt Giải thưởng văn chương. Giới yêu thơ thời 60 thì say mê nhân vật Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong bài thơ ‘Khúc ca Phạm Thái”, một bài thơ phổ thành kịch thơ, nằm trong tập thơ “Mật đắng” mà sau này, vì một lý do riêng, ông đã đốt hết. Người yêu nhạc thì sẽ yêu cái tên Nguyễn Đình Toàn vì những bản tình ca nặng lòng với quê hương

“Mai tôi đi, tôi đi vào sương đêm

Sương rất độc, tẩm vào người nỗi chết

Quê hương ta sống chia giòng vĩnh biệt

Chảy về đâu những nước mắt đưa tin…”(Mai tôi đi)

Đi, nhưng đi đâu? Tình, là tình nào?

Đi vào sương đêm; đi về nơi sẽ đến; đi vì máu đã chảy ngoài tim.

Chàng, người nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn, khi phải tách lìa ra khỏi quê hương mình, mang theo nỗi sợ hãi khôn cùng vì đối diện với sương đêm, nỗi chết, hay sợ hãi phải dứt bỏ một cái gì rất thiêng liêng?

“Cả hai. Khi sống với cảm giác ấy, tôi có cảm tưởng như mình đứng không vững nữa, tức là mình chênh vênh trên 1 cái gì đó. Từ đó trở đi chắc là mình đứng không vững nữa, mà quả thật là như vậy.”

Trong giây phút ngột ngạt và bấn loạn nhất, phải lựa chọn giữa đi và ở, ông từng nói với bằng hữu của mình rằng “người nghệ sĩ là cuốn rốn của quê hương. Nếu tách lìa nhau thì người nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ nữa.” 40 năm trôi qua, nghệ nghệ sĩ ấy vẫn chưa nguôi ngoai, vẫn gọi mình là người tạm trú trên quê người.

“Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy. Như cái cây mà bị bứng ra khỏi đất của nó đó, thì mang sang trồng sang chỗ nào khác thì nó cũng có thể sống được, nhưng hoa trái của nó sẽ không còn mang cái vị của nó nữa. thành ra, khi người ta ước mơ người ta đi thì có nghĩa là cái đất nó đã chua rồi. Chỉ có đi thì may ra còn nuôi được, chứ tình cảm trong đó thì đã chết hết.”

Đi, để giữ mãi người tình ấy trong sâu thẳm một góc cuộc đời mình. Ông đi, để nhớ mãi những đêm hè, quán nhạc. Ông đi, để còn có thể gọi tên người tình của mình, người tình mà ông gọi là Sài Gòn.

“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như giòng sông nước quẩn quanh buồn
như người đi cách mặt xa lòng
ta hỏi thầm em có nhớ không

Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao
trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
nay còn gì đâu…” (Sài Gòn niềm nhớ không tên)

“Tôi gọi là đất đã chua cành đã chết rồi, không có cây nào mọc được nữa rồi. chỉ có một giống nào đó cấy với nhau thì nó mới mọc được. Tôi không viết văn nữa cũng là vì vậy.”

“Nó giống như người không có chỗ trú thân. Tách rời ra khỏi quê hương, từ bỏ quê hương thật của mình thì chỗ khác không thể nào thay thế được đâu.”

“Rồi mai đây em có quay về nơi cũ

Mang trong tim mình những ước mơ đã nhoà xưa

Làm sao khi tóc tat hay màu lòng ta vẫn

Tìm lại được bao hình bóng đã phai mờ

Đêm có mây sầu đưa

Trăng giấu đi tuổi thơ

Ven con sông dài

Quê ta thiu ngủ

Đêm nào đó ta đứng trông xa ngọn đèn lu

Thắp trong sương mù dáng ai ngồi co ro

Như quê hương mình thu nhỏ

Để người viễn xứ mang cho vừa…” (Quê hương thu nhỏ)

Người ta nhìn thấy đâu đó trong khắp các lời ca của ông là hiện thân của người tình và quê hương. Hai cuộc tình ấy hoà lẫn, hiện diện dung hoà trong một cuộc tình lớn. Tình yêu nở hoa khi có em, có anh, có mái trường xưa nhiều kỷ niệm, có con đường rợp hàng cây phượng vĩ. Nhưng rồi, bên cạnh hàng cây ấy giờ có thêm hai hàng nước mắt khóc rưng rưng, khi tình yêu đó, giờ xa nhau như đời xa cõi chết.

“Em còn yêu anh còn yêu anh
Cây còn xanh còn tươi đầy kỉ niệm
Mái trường xưa mỗi mùa phượng đến
Ve còn kêu vang, ve còn kêu vang

Đường ta đi vẫn 2 hàng lá biếc
Có 2 hàng nước mắt khóc rưng rưng
Nơi em về nghe lạnh bốn mùa đông
Cho hồn anh đủ bốn mùa rét mướt
Ta đã xa nhau như đời xa cõi chết
Có bao giờ ta thấy lại nhau không…” (Em còn yêu anh)

“Tình yêu giữa hai người đàn ông và đàn bà, hay con trai và con gái với nhau, thu nhỏ là tình yêu, nhưng phóng lớn lên nó là tình hoài hương đó.”

Có phải tình yêu quê hương luôn lớn hơn, vĩ đại hơn tình yêu đôi lứa? Không! Nguyễn Đình Toàn không nói thế. Dù ông mang những hình ảnh đơn sơ nhất trên quê hương mình gửi vào tình yêu. Dù ông nghe được cả trong tình yêu mình là tiếng mưa, tiếng sương rơi trên mặt hồ, những âm thanh quê hương mà chỉ có thể nhắm mắt lại và nghe bằng tâm và trí. Thì ông và tình yêu của mình cũng trở nên bơ vơ khi đất nước không còn nữa.

“Tôi không thấy tôi tách rời ra khỏi cái đó được. Khi yêu là sống từng phút, mà cái phút ấy phải có chỗ trụ là đất nước. Khi mất đất nước thì tình yêu ấy bơ vơ lắm.”

“Mưa ơi mưa, mưa từ vực sâu…
Hay mưa rơi từ đỉnh trời đau
Mưa có mong người sau, thương yêu nhau bền lâu,
Thì kiếp này còn gì nữa đâu…” (Mưa khuya)

Ông nhìn tình yêu trong cõi đời này như một phép hoán vị. Có đau khổ, thì mới có hạnh phúc. Trong nhạc của ông, tình yêu là đồng nghĩa với đau khổ. Nếu không có đau khổ thì sẽ không biết thế nào là hạnh phúc.

“Ôi son trên môi còn in dấu người

Và tóc như dáo chia tình đôi

Đêm hay gương soi nỗi buồn xa ấy

Yêu người đã bỏ đời vui…”(Dạ khúc)

Đến với âm nhạc của Nguyễn Đình Toàn, hình như ai cũng nhìn thấy một hình ảnh thân quen nào đó đã đi thoáng qua đời mình. Có thể đó là tình yêu đầu tiên, mà cũng có thể là cuối cùng. Nhưng với riêng ông, tình yêu chính là quê hương.

Trích RFA (c)

More Stories From Văn Nghệ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh