Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Giới thiệu 33 nhà văn, nhà thơ hải ngoại của Nguyễn Vy Khanh


Cầm một tác phẩm được in trên giấy, dù chưa đọc đã là một thú vị. Nếu tác phẩm ấy được tác giả ký tặng, niềm vui càng tăng thêm gấp bội. Trong lạc thú này, có cả sự hãnh diện. Tôi thật may, thường nhận được những tặng phẩm sách từ bạn bè, và cả những người chưa được quen biết. Có thể nói, chừng năm bảy trăm đầu sách tôi lưu giữ, có đến 90% có chữ ký của người sáng tác, biên soạn. Nhưng mức độ nhận tặng, gần đây, đã trở nên khiêm nhường một cách thê thảm. Sách được in ít hơn là một lý do. Nguyên nhân khác, ảnh hưởng tích cực hơn, là cước phí gởi tặng quá cao. Người có sách vẫn thơm lòng cùng bạn bè, Nhưng số tiền bỏ ra để sách đến tay người nhận là một trở ngại thiết thực.

Nguyễn Vy Khanh, một nhà phê bình, nhận định văn học thành danh, luôn cho những công trình của mình được tồn tại qua chữ nổi trên giấy, đậm đà màu mực đen sang trọng nghiêm túc. Cuốn sách nào của anh cũng non non năm trăm trang. Ký lô tăng theo độ dày và nâng cao cước phí chuyển gởi. Tôi sẽ chưa sớm có hai công trình mới nhất của anh, 33 Nhà Văn Nhà Thơ Hải Ngoại (436 trang) và Văn Học Miền Nam 1954-1975 (1534 trang chia làm hai cuốn), nếu không thực hiện chuyến trở lại Toronto vào tháng 7 vừa qua.

33 NHÀ VĂN NHÀ THƠ HẢI NGOẠI

Một tác phẩm tập họp những nhận định, đánh giá về mặt văn học, của 33 người đã viết, in ấn, phát hành, trong thời gian sống ngoài tổ quốc.

Về nhà văn, Nguyễn Vy Khanh đề cập đến 19 người: Hoàng Chính, Hoàng Khởi Phong, Hồ Minh Dũng, Lâm Chương, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Trung Hối, Nguyễn Văn Sâm, Nhật Tiến, Phùng Nguyễn, Song Thao, Thảo Trường, Trần Hoài Thư, Võ Kỳ Điền, Xuân Vũ, Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn Tấn Hưng, Phùng Nhân.

Mười bốn tác giả đầu, tùy theo cảm nhận, đánh giá riêng, anh thòng ngay sau bút danh mỗi người một tiểu đề, đại khái như “Lâm Chương, Về truyện dị thường, nhân đọc Đoạn Đường Hốt Tất Liệt”, hoặc Phùng Nguyễn, “Tính Tự Truyện Ở Phùng Nguyễn” vv…

Năm tác giả tiếp theo đều là những cây bút miền Nam, anh cho một tiểu đề chung “Nỗi Nhớ Qua Năm Tác Giả”.

Với thơ, trong khá nhiều cây bút thành danh trước và sau 1975, có mặt khắp thế giới, Nguyễn Vy Khanh chọn để đọc và giới thiệu: Cao Đông Khánh, Du Tử Lê, Hà Nguyên Du, Hoàng Lộc, Hoàng Xuân Sơn, Luân Hoán, Nguyên Nhi, Nguyên Sa, Nguyễn Nam An, Quan Dương, Sương Mai, Thái Tú Hạp, Tô Thùy Yên, Trần Trung Đạo.

Và cũng như bên văn, mỗi nhà thơ có một tiểu đề gọn nhẹ, thường trưng dụng tên tác phẩm liên hệ.

Chắc bạn đọc sẽ có thắc mắc về đội ngũ Văn Thơ người Việt Hải Ngoại do Nguyễn Vy Khanh chọn, bởi nhìn ra ngay sự thiếu sót. Bên văn chúng ta không gặp những Trần Doãn Nho, Khánh Trường, Võ Phiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hoàng Du Thụy, Trần Long Hồ, Trịnh Y Thư, Mai Kim Ngọc, Hồ Đình Nghiêm, Tam Thanh, Lữ Quỳnh, Trang Châu vv… Bên thơ, chúng ta không ngộ những Trân Sa, Trần Mộng Tú, Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Thanh Bình, Ngu Yên, Khế Iêm, Đỗ KH, Hạ Quốc Huy, Đỗ Qúy Toàn, Triều Hoa Đại…

Thiếu sót này, chúng ta được giải đáp ngay trong lời “Dẫn Nhập” trước khi đi vào nội dung bởi chính Nguyễn Vy Khanh:

“Trước ngưỡng cửa hưu trí cho cuộc đời chuyên nghiệp, chúng tôi đã tới lúc tổng kết và cập nhật những biên khảo và nghiên cứu từ gần hai thập niên qua, một đa mang nghề tay trái nghiên cứu lịch sử và nhân văn liên hệ đến Việt Nam vì chúng tôi vẫn tâm niệm, trong khả năng khiêm tốn và khả thể, nếu đã có cơ may nghiên cứu hay đi tìm Sự Thật và Cái Đẹp thì cũng có bổn phận ghi lại cho các thế hệ sau, với hy vọng rằng chỉ có thống nhất nhân tâm và địa lý khi nào những khúc mắc và vấn nạn lịch sử đã đượcnhìn nhận và giải tỏa…”

“Việc tổng kết này đưa đến tuyển tập đầu mang tựa 33 NHÀ VĂN NHÀ THƠ HẢI NGOẠI. Nhà văn nhà thơ ở hải ngoại khó có con số chính xác, tùy tiêu chuẩn và quan điểm văn nghệ, nhưng qua hơn 33 năm con số lên đến nhiều trăm. Phần chúng tôi chỉ nói đến một số tương đối rất nhỏ, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, về tác giả, tác phẩm, về một thể loại hay đề tài…”

Nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh cho biết thêm:

“chúng tôi cũng từng có dịp nhận định về một số nhà văn thơ hải ngoại khác, qua đề tài và nghiên cứu, những bài viết này đã và sẽ xuất hiện trong các tuyển tập tổng quan.

Ngoài ra một tuyển tập khác về Nhà Văn Miền Nam 1954-1975 sẽ gồm những bài viết về các nhà văn thơ Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Võ Hồng, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ,Toàn Phong, Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Trần Dzạ Lữ vv…

Sau cùng chúng tôi tôi hy vọng các tập tổng quan về Văn Học Miền Nam Lục Tỉnh 1862-75, Văn Học Miền Nam 1954-75 và Văn Học Hải Ngoại 1975-2005 sẽ có dịp ra mắt độc giả qua phương tiện in ấn…”

Một điều, tôi xin thưa ngay: bài viết này chỉ có mục đích giới thiệu, kiểu chào hàng sách mới, không có tính cách nhận định, nên tôi chọn việc trích đăng nhiều nhiều của chính tác giả là trung trực và thiết thực nhất. Mong thông cảm.

Nhận xét chung chung của riêng tôi:

Nguyễn Vy Khanh đọc nhiều, đọc kỹ về mỗi tác giả, và anh viết thật đầy đủ theo từng chặng sinh hoạt của người được viết. Dẫn chứng tiêu biểu:

Về Lâm Chương, với tiểu đề “Về Những Truyện Dị Thường, nhân đọc Đoạn Đường Hốt Tất Liệt của Lâm Chương”

Nguyễn Vy Khanh thực hiện:

1.đề cập đến tính cách loại truyện này, giới thiệu nguyên nhân phát sinh, chia loại, mục đích, nhận định khả năng tác dụng, đánh giá… Trước khi đi vào tác phẩm của người được giới thiệu, Nguyễn Vy Khanh nhận xét chung:

“Có thể nói có một hiện tượng truyện dị thường trong Văn học Việt Nam đương đại. Truyện dị thường trở thành phương tiện viết chuyện hôm nay, cho phép tác giả nhìn vào cuộc sống trước mắt, kể cả những bất thưòng phi lý. Qua chúng, tác giả tỏ thái độ với thời cuộc, với hôm nay, với quyền bính và kẻ thù…”

2. Đi vào từng truyện tiêu biểu của Lâm Chương, cụ thể truyện Lên Rừng Thăm Bạn, truyện Người Khách, truyện Xóm Ven Rừng, truyện Một Vùng Hung Bạo, truyện Mây Bay Qua, truyện Chỉ Còn Một Ngày Nơi Trở Lại, truyện Vật Đổi Sao Dời… Ở mỗi truyện Nguyễn Vy Khanh đều nêu rõ những gì Lâm Chương đã nhận xét, đã mô tả, đã gởi gắm. Dụng ý của người viết văn được nhà phê bình nhắc lại, đánh bóng, làm nổi bậc hơn từng khía cạnh. Kèm theo đó là những nhận định gần như đồng cảm của một người đọc, sau khi thấu hiểu và tâm đắc. Đọc Nguyễn Vy Khanh mới thấy hết tài hoa của Lâm Chương khi khai thác đề tài chiến tranh mà anh trực tiếp tham dự.

Không là một truyện dài, nhưng những truyện ngắn của Lâm Chương là những mảnh ghép sống động của một xã hội sống trong bom đạn. Cá nhân tôi nếu chọn tác phẩm xuất sắc về chiến tranh, tôi sẽ chọn những đứa con tinh thần của Lâm Chương hơn ai khác. Bởi ở anh sự chận thật luôn là mấu chốt của chuyện kể. Không cường điệu, nhất là không bị công tác tuyên truyền ám ảnh, không lố bịch nêu lên những chi tiết vốn được chính trị hóa bóp méo. Phần Nguyễn Vy Khanh nhận định Lâm Chương rất thực:

“Đọc truyện của Lâm Chương không thể ngừng ở câu chuyện hay khúc ký ức đó. Người đọc phải hiểu cái tiềm ẩn sau những sự việc, hành động dù bình thường đến thế nào, hoặc cái nguyên nhân hoặc hậu quả không thể tả. Khi người đọc như bị bỏ rơi vì chuyện lơ lửng thì biết đâu đó là cái Vô ngôn, cái thông điệp, cái nhắn nhủ. Người đọc Đoạn Đường Hốt Tất Liệt bình thường sẽ thương cảm thân phận con người, người Việt Nam một thời, nhưng nếu tâm cảm sâu xa sẽ nhận ra cái tâm của tác giả, ông nói với mọi người mà như đồng thời ông tìm tri kỷ ! Những truyện khác của Lâm Chương đăng trên các tạp chí gần đây như Gió Ngược, Những Ngày Mắc Cạn, Cận Kề Biên Giới Tử Sinh… cho thấy ông càng đi sâu vào ngõ kiếm tìm này, xét con người vì con người thay vì phân biệt nhị nguyên, bạn và địch”

Về Thi Ca, Nguyễn Vy Khanh không sáng tác, nhưng nhận định luôn nghiêm chỉnh, rất sáng mắt. Điều này cho thấy anh rất có lòng khi đọc thơ. Đọc thơ không phải ai cũng có lòng. Đa số đều đọc chơi chơi theo cách vui mắt. Thơ trên tạp chí không thiếu người cho là món ăn khai vị, có cũng được, không chả sao, ngồi chờ món chính lạt mồm, hờ hững nếm chơi. Nguyễn Vy Khanh không qua đường với thơ, hay ít ra anh không “lấy có” cho đủ bộ môn. Anh đọc và hiểu tận tình, đủ để nêu lên từng cái riêng của người làm thơ, trong số anh chọn.

Với Cao Đông Khánh là tâm sự, là trăn trở đúng với hoàn cảnh của tác giả Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn. Tiếng nói tiếng kể của những người lênh đênh vượt biển cả được gói trong thơ. Nguyễn Vy Khanh nhìn rõ ra điều này rồi mách bảo tinh tế với những người sẽ đọc khác.

Với Du Tử Lê, một người thành danh rực rỡ, đang bước qua những suy tư và thực hiện làm mới trò chơi chữ nghĩa của mình. Nguyễn Vy Khanh đặc biệt giới thiệu việc “cách tân thơ” của Du Tử Lê.

Với Thái Tú Hạp, một nhà thơ lành, không kinh kệ nhưng vẫn nghe lóm chuông mỏ từ thời xa xưa bên sân chùa ở Hội An, hoăc trong căn nhà người tình anh cưới làm vợ sau đó. Thơ của Thái Tú Hạp sau khi ra hải ngoại nghiêng hẳn về hương sen. Nguyễn Vy Khanh nhạy bén giới thiệu thiền tính trong thơ Thái Tú Hạp một cách hấp dẫn.

Với Nguyên Sa, cũng như nhiều người khác, Nguyễn Vy Khanh đề cập đến tình yêu của người thi sĩ rất mực thước, mô phạm này. Không rượu trà, không bay bướm nhiều nhưng cái tình của Nguyên Sa thật sự óng ánh trong từng nhịp đập tim ông. Nguyễn Vy Khanh vừa giới thiệu thơ vừa dẫn chứng diễn tiến từng giai đoạn sống của thi sĩ kéo theo dòng thơ như thế nào. Nguyễn Vy Khanh cho rằng: ” Thơ tình yêu của Nguyên Sa là một thứ tình yêu thuần chất, trữ tình thường nhật, hiện sinh…” Tôi tuyệt vời lý thú với các chữ “trữ tình thường nhật:” nhưng không mặn mà lắm với hai chữ “hiện sinh”.

Với Hoàng Lộc, Quan Dương, Nguyễn Nam An… Nguyễn Vy Khanh đều gõ đúng chỗ tài hoa riêng của mỗi người. Quí vị này là thi sĩ, giản dị vậy thôi.

Giới thiệu một tác phẩm mới như thế này có lẽ đã đủ.

Riêng với bộ Văn Học Miền Nam 1954-1975, tôi xin hẹn sẽ có ngày được hân hạnh mách cùng bạn đọc, những công khó của một người yêu quí văn hóa Việt Nam, Nguyễn Vy Khanh.

Nghề tay phải nuôi sống, giữ hạnh phúc gia đình. Nghề tay trái bảo toàn, làm thăng hoa trái tim của người thành đạt tay phải. Nguyễn Vy Khanh gần như hoàn toàn. Gặp bạn không nhiều, nhưng hiểu và tin tưởng cái ghế ngồi phê bình nhận định của bạn rất vững chải. Mừng và chia vui.

Tác giả: Luân Hoán

ghi thêm: Trước đây, trên FB tôi lỡ chơi dại bày trò Tình Sách, viết về 1 tác phẩm của 1 tác giả tặng mình. Bài viết hạn chế, đa phần nghèo chất thơ, nhưng đã đi quá xa đành đi tiếp. Theo tự qui định mỗi tác giả chỉ có 12 câu, dù đầu sách có tác giả cho đến hàng chục cuốn. Khi nhận 2 bộ sách đồ sộ của Nguyễn Vy Khanh, tôi quên trước đây anh đã cho những tác phẩm khác, và cũng đã thơ thẩn rồi, nên viết tiếp ít câu cho 33 NVNTHN, đang viết nửa chừng, nhớ trực ra, đành bỏ (cũng may, thơ dở quá) ghi lại dưới đây như một kỷ niệm:

“ba ba nhà văn nhà thơ
hải ngoại” hãnh diện lọt vào mắt xanh
nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh
như thêm lần nữa thành danh ngon lành

biên khảo: vừa viết loanh quanh
vừa đào xới tận ngọn ngành tâm tư
của người đem những cái tôi
trộn vào góc cạnh mọi người bày chơi

đọc bình là tiếp nguồn hơi
sau khi đồng điệu

More Stories From Văn Nghệ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh