Philippines: Phải chăng Duterte đang nhường Biển Đông cho Trung Quốc?
Posted by Luu HoanPho, Aug 22, 2017, Comments Off
Vào hôm nay, 22/8/2017, dân biểu đối lập Philippines Gary Alejano lại lên tiếng báo động : Trung Quốc đã cho cắm cờ trên một cồn cát gần đảo Loại Ta (Kota Island) do Philippines kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Đối với dân biểu này, đây là một dấu hiệu cho thấy âm mưu lấn chiếm của Bắc Kinh.
Chính dân biểu này là người trong những ngày gần đây đã liên tiếp cảnh báo chính quyền Manila về sự kiện Bắc Kinh đang cho tàu đến bám trụ tại khu vực bãi Sandy Cay, gần đảo Thị Tứ trong tay Philippines, xua đuổi ngư dân Philippines, có thể là với âm mưu chiếm cứ luôn khu vực này. Thế nhưng, những lời báo động của ông Alejano và một số nhân vật khác đều bị chính quyền bỏ ngoài tai, làm dấy lên mối lo ngại là để được Trung Quốc giúp đỡ về mặt kinh tế, tổng thống Duterte sẵn sàng nhượng bộ Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông.
Việc Trung Quốc dồn tàu đến khu vực sát đảo Thị Tứ là một thực tế, đã được xác minh qua ảnh vệ tinh Mỹ với những cứ liệu gần như trùng khớp với các thông tin được dân biểu Alejano tiết lộ từ ngày 15/08/2017. Mới đây, cơ quan Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI của Mỹ đã công bố một loạt ảnh vệ tinh chụp ngày 13/8 cho thấy nhiều tàu Trung Quốc trong khu vực, bao gồm ít nhất « 9 tàu cá Trung Quốc và hai tàu không rõ là của Hải Quân hay Hải Cảnh Trung Quốc ». Ảnh còn cho thấy một chiếc thuyền đánh cá Philippine neo đậu ở một bãi cát gần đó.
Trước những tuyên bố của chính quyền Duterte được cho là xem nhẹ tầm mức nghiêm trọng của sự vụ, hôm qua 21/08, đến lượt một nhân vật có uy tín tại Philippines lên tiếng. Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines Antonio Carpio, đã tỏ ý lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc « xâm lược » khu vực cồn cát Sandy Cay gần đảo Thị Tứ dưới quyền kiểm soát của Philippines.
Tuyên bố này của thẩm phán Carpio đã lập tức bị ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano phản bác. Trả lời báo chí vào hôm nay, ông Cayetano không ngần ngại cho rằng vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã dựa trên những cứ liệu « sai lạc » để đi đến một nhận định như trên. Nhận định của thẩm phán Carpio cũng bị đích thân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bác bỏ, vào hôm qua, cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực chẳng có gì đáng ngại.
Trung thành với kiểu cách nói năng thô bạo, ông Duterte tuyên bố: « Tại sao tôi lại phải bảo vệ một bãi cát và hy sinh người Philippines chỉ vì một cồn cát ? ». Theo ông Duterte, tàu Trung Quốc có mặt ở đó để « tuần tra », vì Trung Quốc và Philippines là « bạn bè ». Ông còn xác định rằng ông đã gọi cho đại sứ Trung Quốc và được bảo đảm rằng Bắc Kinh « sẽ không xây dựng gì ở đó ».
Đối với tạp chí Nhật Bản The Diplomat, tuyên bố của tổng thống Philippines về vụ tàu Trung Quốc ở Sandy Cay đã khiến giới quan sát hết sức hoài nghi. Nếu giữa hai chính quyền Philippines và Trung Quốc đã có bàn bạc, thảo luận về vấn đề này, tại sao vào đầu tuần trước, khi bị dân biểu Alejano chất vấn, cả bộ Ngoại Giao lẫn bộ Quốc Phòng Philippines đều không có lời giải thích rõ ràng ?
Ngoài ra, phải chăng là tổng thống Duterte đã ra lệnh cho lực lượng hải quân Philippine rời khỏi khu vực để cho phép tàu Hải Quân và Hải Cảnh Trung Quốc tiến vào khu vực gần đảo Thị Tứ ? Sau cùng, tổng thống Duterte giải thích ra sao về các thông tin theo đó tàu đánh cá Philippines bị phía Trung Quốc cấm vào các vùng biển liên can nếu thực sự là Bắc Kinh chỉ tuần tra thân hữu mà thôi ?
Đối với The Diplomat, Trung Quốc rất có thể là đang thực sự nhòm ngó Sandy Cay do các lợi ích pháp lý mà họ thu được nếu chiếm đóng được đảo này trong thực tế. Do vậy, thái độ của chính quyền Duterte giảm thiểu mức độ hệ trọng của những gì Trung Quốc đang làm ở khu vực Sandy Cay làm dấy lên câu hỏi là phải chăng chính quyền Philippines đang vì lợi ích kinh tế mà nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí còn tiếp tay cho Bắc Kinh trong toan tính khống chế trọn Biển Đông?
Nguồn: REUTERS, RFI/Trọng Nghĩa