Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Ấn – Nhật liên kết để «đối đầu» Trung Quốc


Quan hệ hợp tác Ấn Độ – Nhật Bản không ngừng phát triển từ khi ông Narendra Modi đắc cử thủ tướng Ấn Độ cách đây 3 năm với một mục tiêu : chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, không chỉ ở châu Á, mà cả ở châu Phi.

Le Figaro nhắc lại : dự án đường sắt cao tốc Ấn Độ được xây dựng với 81% nguồn vốn vay Nhật Bản với lãi suất 0,1% trong vòng 50 năm là một biểu tượng cho sự đối chọi của liên minh Ấn Độ – Nhật Bản trước dự án « Một vành đai, một con đường » mà Trung Quốc triển khai từ năm 2013 nhằm thiết lập con đường tơ lụa mới nối miền Đông Trung Quốc, lục địa Á-Âu và châu Phi qua ngả Pakistan, với số tiền đầu tư của Bắc Kinh lên tới 900 tỉ đô la.

Hiện Tokyo và New Delhi đang hợp tác xây dựng dự án Hành lang tăng trưởng Á-Phi/Asia Africa Growth Corridor (AAGC). Báo Le Figaro cho biết, tất nhiên dự án « Hành lang tăng trưởng Á-Phi » chưa được triển khai như dự án « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc, nhưng 3 trung tâm nghiên cứu của Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã ra được bản báo cáo đầu tiên hồi tháng 05/2017 để kêu gọi « thiết lập một hành lang về thể chế và công nghiệp giữa châu Á và châu Phi ». Một trong những mục tiêu đề ra là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở các cảng biển để khuyến khích giao thương hàng hải giữa hai châu lục. Nhưng thực ra, đây là điều mà Trung Quốc đã làm được.

Báo Le Figaro dẫn lời một chuyên gia kinh tế châu Á cho biết hiện nay, Ấn Độ và Nhật Bản đang tìm cách kết nối các dự án mà hai nước đã triển khai ở châu Phi trong những năm gần đây. Tính tới năm 2016, New Delhi đã cho 44 nước châu Phi vay 8 tỉ đô la. Tại thượng đỉnh Ấn Độ – châu Phi năm 2015, New Delhi đề xuất đầu tư thêm 10 tỉ đô la vào các dự án từ nay tới năm 2020. Còn Nhật Bản đã hứa 30 tỉ đô la để phát triển châu Phi giai đoạn 2013-2017.

Đối với New Delhi, hợp tác với Tokyo đặc biệt cần thiết, nhất là khi Ấn Độ không thể một mình đối chọi với chính sách « ngoại giao tờ séc » mà Trung Quốc đang áp dụng, chẳng hạn ngày 25/07, Trung Quốc đã đầu tư 960 triệu euro vào Sri Lanka để mua cảng biển Hambantota. Eo hẹp về tài chính, chính phủ Modi đã mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản để phục hồi kinh tế và tạo thêm việc làm. Chỉ trong vòng ba năm, đầu tư của Nhật vào Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi, từ 2 tỉ lên 4,7 tỉ đô la.

Thủ tướng Ấn Độ Modi và đồng nhiệm Nhật Bản Abe cũng đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quân sự, đặc biệt là hải quân, trong bối cảnh hải quân Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh chóng. Hai bên cũng ký một nghị định thư về phát triển hạ tầng giao thông ở miền Đông Bắc Ấn Độ, nơi có bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc đòi chủ quyền, một vùng đất có diện tích rộng bằng cả nước Áo.

Dưới sức ép quốc tế, Bắc Triều Tiên sẽ càng nguy hiểm

Trong những ngày này, một trong những hồ sơ nóng bỏng trên các báo Pháp là cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Báo Le Monde giới thiệu bài phân tích của chuyên gia Théo Clément, cho rằng « dưới sức ép quốc tế, Bắc Triều Tiên trở nên nguy hiểm » và các biện pháp trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng mà Hội Đồng Bảo An mới thông qua hôm 11/09 sẽ chỉ tạo ra « một vòng luẩn quẩn khiêu khích – trừng phạt ».

Chuyên gia Théo Clément nhận định, giống như 7 nghị quyết trừng phạt trước đây, nghị quyết lần này nhằm hạn chế thu nhập của Bình Nhưỡng để ngăn cản Bắc Triều Tiên cung cấp tài chính cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo và cũng giống như các nghị quyết trước, chắc chắn nghị quyết lần thứ tám của Liên Hiệp Quốc sẽ không đạt được hiệu quả như quốc tế mong muốn.

Chúng ta từng nghĩ rằng hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ dồn Bắc Triều Tiên tới chân tường, buộc Bình Nhưỡng phải quay lại bàn đàm phán để lập lại hòa bình, nhưng cũng rất có thể nghị quyết ngày 11/09 sẽ gây phản ứng ngược : chế độ Kim Jong Un sẽ coi các đòn trừng phạt trên của quốc tế là sự can thiệp và âm mưu nhằm bóp nghẹt kinh tế Bắc Triều Tiên, và Bình Nhưỡng sẽ tôn vinh, ngợi ca chương trình phát triển hạt nhân là một phương tiện để đối phó với các thế lực thù địch từ bên ngoài.

Các biện pháp trừng phạt mới đặc biệt sẽ không hiệu quả, bởi vì từ tháng 04/2017, Bắc Triều Tiên dường như đã lường trước mọi chuyện và tích trữ sẵn nhiên liệu. Hơn nữa, các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Bắc Triều Tiên đa phần lại dán nhãn « made in China ». Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, cho dù không hiệu quả, nhưng các đòn trừng phạt của Hội Đồng Bảo An vẫn là một thông điệp cho Bắc Triều Tiên, cũng như một lời cảnh báo cho các quốc gia khác.

Chuyên gia Théo Clément đánh giá là rất khó để công chúng hiểu rằng nếu tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng, tình hình trong khu vực cũng sẽ không được cải thiện mấy. Trong khi đó, Bắc Kinh và Matxcơva đều ý thức được rằng trước các biện pháp trừng phạt kinh tế, Bình Nhưỡng sẽ bất ổn và có thể sẽ gây nguy hiểm cho khu vực và cả cho chính đất nước Bắc Triều Tiên. Và như vậy, mặc dù các thành viên Hội Đồng Bảo An đều đồng lòng, nhưng rất có thể nghị quyết trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc đưa ra lần này cũng chỉ tác động rất ít tới hoạt động giao thương ở biên giới Bắc Triều Tiên.

Vậy là, trong một chừng mực nhất định, có thể nói Bắc Triều tiên đã thành công : kinh tế Bắc Triều Tiên phát triển, các kỹ sư quân đội Bắc Triều Tiên đã khiến giới quan sát ngạc nhiên về khả năng làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Việc lựa chọn giải pháp quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên chưa bao giờ có nhiều nguy cơ và bất trắc như hiện nay.

Kim Jong Un sẽ không bao giờ « cúi đầu » trước thế lực thù địch Mỹ. Lãnh đạo Kim sẽ tăng sức ép an ninh lên toàn khu vực. Vậy là, chẳng những không hiệu quả, nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng còn có nguy cơ phản tác dụng, thậm chí là nguy hiểm. Tình trạng này có nguy cơ sẽ gây xung đột quân sự, cuối cùng sẽ buộc giới lãnh đạo phải hiểu rằng giải pháp tốt nhất để giảm căng thẳng trước hết phải là để cho Bình Nhưỡng được yên ổn với hệ thống chính trị hiện có, đảm bảo an ninh, kinh tế và ngoại giao cho Bắc Triều Tiên, trước khi yêu cầu chế độ Kim Jong Un giải trừ vũ hạt nhân khi có điều kiện thuận lợi hơn.

Miến Điện : Hận thù lan rộng khắp đất nước

Một chủ đề thời sự nóng khác trên báo Pháp là cuộc khủng hoảng Rohingya tại Miến Điện. Trong mục Thế Giới, báo Libération giới thiệu một bài phóng sự có tiêu đề « Miến Điện, hận thù trên khắp cả nước ».

Qua điện thoại, anh Fisel, một giáo viên trẻ người Hồi Giáo thiểu số Rohingya, bang Rakhine, kể cho báo Libération nghe câu chuyện ở làng Myo Thu Gyi. Làng của anh đã bị quân đội Miến Điện đốt phá. Câu chuyện anh kể khớp với những thông tin mà báo chí và các nhà hoạt động nhân quyền được nghe từ người tị nạn Rohingya tại Bangladesh.

Theo Fisel, ngày 27/08, khoảng 100 binh lính quân đội đã đến làng mang theo súng ống, xăng và bật lửa. Họ nã súng khắp nơi. Sau khi dân chúng bỏ chạy, quân đội đã châm lửa đốt từng ngôi nhà. Kể từ đó, lần lượt từng ngôi làng bị đốt phá. Trong số 100 làng, chỉ còn lại vài ngôi làng chưa bị thiêu rụi. Cư dân các làng đều tìm cách chạy sang Bangladesh.

Anh Fisel cho biết trước đây, người Hồi Giáo Rohingya cùng học tập và lao động với người theo đạo Phật. Nhưng đến năm 2012, chính chính phủ đã chia rẽ hai cộng đồng. Chính quyền tuyên truyền, kêu gọi người theo đạo Phật không nói chuyện với người Rohingya, không mua sắm trong cửa hàng của người Rohingya, coi người Rohingya là khủng bố. Thậm chí, người theo đạo Phật không được tới nơi người Rohingya sống, và người Rohingya không được đi tới các nơi khác.

Các con đường bị chặn, đồn bốt, quân đội, cảnh sát xuất hiện khắp nơi. Rakhine trở thành « nhà tù ngoài trời » cho người Rohingya. Đối với họ, sang nước láng giềng Bangladesh còn dễ hơn đi sang các thành phố lân cận của Miến Điện. Nhưng muốn vượt sông sang Bangladesh, mỗi người Rohingya phải trả cho lái thuyền số tiền tương đương 60 euro, một khoản tiền rất lớn đối với người Rohingya.

Anh Fisel nghĩ rằng thông điệp của chính phủ dành cho người Rohingya là : « Các người hãy đi đi, ở đây không có chỗ cho các người, đây không phải đất nước của các người ! »

Thời đại « chiến tranh mạng »

Trong lĩnh vực công nghệ, Le Monde đề cập tới « thời đại chiến tranh mạng ». Chỉ bằng các thao tác trên bàn phím máy tính, một đơn vị nước ngoài có thể vô hiệu hệ thống y tế công của Paris và vùng phụ cận, ngắt điện của Paris, gây nhiễu hoạt động của các cơ quan dự báo thời tiết, làm thay đổi nội dung thư điện tử của tổng thống, tấn công hệ thống thông tin liên lạc của quân đội và cảnh sát … Không ai bị thiệt mạng ngay lập tức, không có cảnh « đầu rơi, máu chảy », không có tòa nhà nào bị phá hủy, nhưng đó chính là chiến tranh, một cuộc chiến tranh mạng.

Không gian mạng là nơi diễn ra nhiều hoạt động trong cuộc sống con người, nhưng lại là nơi tiềm ẩn nhiều xung đột. Các loại « vũ khí mạng » ngày càng tinh vi. Nhiều chuyên gia dự báo một vụ tấn công mạng vào một nhà nước có thể sẽ khiến chính quyền nước đó đáp trả bằng một cuộc chiến tranh thông thường.

Vụ đánh cắp thư điện tử của đảng Dân Chủ Mỹ hồi năm 2016 đã làm quan hệ Washington-Matxcơva thêm căng thẳng. Trong cuộc khủng hoảng Trung Đông, để tẩy chay Qatar, tin tặc thâm nhập vào hệ thống máy tính của hãng tin Qatar và cắt xén, xuyên tạc nội dung các phát biểu của quốc vương Tamin ben Hamad Al-Thani.

Vẫn để phục vụ mục đích địa chính trị, các bức ảnh giả mạo về các vụ tàn sát người Ấn Độ theo đạo Hồi (trên thực tế là ảnh của các nạn nhân trong vụ động đất ở Tibet) lan tràn trên mạng internet đã khiến quan hệ Ấn Độ – Pakistan thêm nặng nề.

Một mặt trận khác còn khốc liệt hơn, đó là các cuộc tấn công nhắm vào hạ tầng cơ sở, các doanh nghiệp, nhà máy điện mà Estonia, Georgia, Ukraina đã từng là nạn nhân. Đó là chưa kể một số nước cũng bị tấn công tin tặc nhưng không cho biết thông tin.

Năm 2015, nhóm chyên gia chính phủ của Liên Hiệp Quốc về an ninh mạng cho biết số các vụ tấn công tin tặc nhắm vào các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của các quốc giá đã tăng mạnh. Và các chuyên gia bình luận là các tổn thất mà một vụ tấn công mạng gây ra nặng nề không kém gì một cuộc chiến tranh thông thường. Chính vì thế, theo Le Monde, quân đội các nước lớn trên thế giới đều có các đơn vị « chiến tranh mạng ».

Quốc tế đã nỗ lực để có các công ước về vũ khí thông thường, vũ khí hóa học, sinh học và vũ khí nguyên tử nhưng lại chưa xây dựng được các quy định, luật lệ về không gian mạng, vũ khí mạng. Và đó là vấn đề cần sớm khắc phục.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều chủ đề, từ an toàn thực phẩm tới đầu tư, quân sự ….

Nhật báo Libération chạy tựa « Glyphosate, kẻ thù của bữa ăn sáng » : dấu vết thuốc diệt cỏ, có nguy cơ gây ung thư cho con người, được tìm thấy trong các loại ngũ cốc, trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị ra quyết định liệu có cho phép sử dụng thuốc diệt cỏ glyphosate nữa hay không.

Libération dành ba trang bài cho hồ sơ về thuốc diệt cỏ glyphosate và cuộc chiến giữa châu Âu và tập đoàn xuyên quốc gia Monsanto.

Nhật báo công giáo La Croix chạy tít « Afghanistan, cuộc chiến không hồi kết », còn Le Figaro quan tâm với cuộc chiến chống khủng bố tại nước Pháp : « Khủng bố, chính phủ bố trí lại lực lượng quân sự ». Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos khẳng định « Liên Hiệp Châu Âu sẽ giám sát đầu tư Trung Quốc».

Nguồn: REUTERS, RFI/Thùy Dương

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh