Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Phiên tòa ở Ba Lan bắt đầu xét xử vụ án hoạt động gián điệp Trung Quốc liên quan tới Huawei


Một tấm biển quảng cáo nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei trên một tòa nhà chung cư ở Warsaw, Ba Lan, vào ngày 11/10/2019. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

WARSAW – Một phiên tòa xét xử hoạt động gián điệp liên quan đến một cựu nhân viên mật vụ Ba Lan và một cựu nhân viên Huawei bắt đầu hôm thứ Ba (01/06) tại một tòa án Warsaw khi một số quốc gia Âu Châu cân nhắc việc có nên loại trừ thiết bị của tập đoàn Trung Quốc này khỏi mạng viễn thông 5G của họ hay không.

Ba Lan đã bắt giữ hai người này vào tháng 01/2019 vì nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc, một hành động làm tăng cường cuộc tranh luận quốc tế về những nguy cơ bảo mật tiềm ẩn khi sử dụng thiết bị Huawei trong các mạng truyền thông.

Huawei đã nhiều lần phủ nhận việc thiết bị của họ có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh, nhưng Hoa Kỳ đã gây sức ép lên các nước để cấm sử dụng thiết bị này. Ở Âu Châu, cho đến nay mới chỉ có Anh Quốc và Thụy Điển làm được như vậy.

Các công tố viên Ba Lan cáo buộc rằng ông Vương Duy Cảnh (Wang Weijing), 39 tuổi, sử dụng vỏ bọc là giám đốc Huawei, đã dành hơn bảy năm làm gián điệp cho Trung Quốc cố gắng tăng cường khả năng của công ty này trong việc gây ảnh hưởng đến chính phủ Ba Lan và “cho phép công ty này… quản lý nhà nước… cơ sở hạ tầng công nghệ,” tài liệu của tòa án cho thấy.

Hôm thứ Ba, tòa án này đã khép lại vụ án trước công chúng sau khi có yêu cầu từ bên khởi tố. Công tố viên Anna Karlinska nói với tòa rằng điều này là cần thiết để bảo vệ những phương pháp được sử dụng trong các hoạt động phản gián của Ba Lan.

Ông Vương, người đã bị giam sau khi bị bắt giữ, cũng bị buộc tội chiêu mộ một cựu nhân viên mật vụ Ba Lan người mà, theo các công tố viên cho biết, đã thông tin cho ông Vương về những cách gây ảnh hưởng đến các mạng lưới sóng vô tuyến của các dịch vụ cứu hộ và an ninh công cộng của quốc gia này.

Bị cáo người Ba Lan, ông Piotr D., đã được tại ngoại khi nộp tiền bảo lãnh sau sáu tháng và từng làm việc nhiều năm ở các cấp cao nhất của chính phủ, bị cáo buộc “tự đưa ra đề nghị làm một nguồn cung cấp thông tin” liên quan đến hành chính công.

Cả hai người này đều phủ nhận bất kỳ hành động phạm pháp nào.

Các công tố viên nói rằng chuyên gia an ninh mạng này, người đã yêu cầu không tiết lộ họ của mình theo các quy tắc bảo mật, đã thông báo cho ông Vương về một hệ thống giám sát nhằm đề phòng những kẻ xâm nhập truy cập thông tin mật được gửi qua các mạng truyền thông cáp quang do trường Đại học quân sự Warsaw tạo ra.

Ông Bartlomiej Jankowski, luật sư của ông Vương, nói rằng các công tố viên không có bằng chứng về bất kỳ hoạt động gián điệp nào của thân chủ của ông.

Ông nói với Reuters: “Không có bằng chứng về bất cứ điều gì bất hợp pháp.”

Huawei, công ty đã sa thải ông Vương sau khi ông này bị bắt nhưng đã hỗ trợ tài chính cho các chi phí pháp lý của ông này, nói với Reuters trong một tuyên bố hồi tháng trước rằng các hoạt động của họ “tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất về tính minh bạch và tuân thủ luật pháp và quy định.”

Ông Jankowski nói với Reuters rằng trong những ngày tới ông dự định sẽ đệ đơn kiện Ba Lan lên Tòa án Nhân quyền Âu Châu.

Mối bang giao với Hoa Kỳ

Chính phủ của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ca ngợi Ba Lan về các vụ bắt giữ, với việc cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã nói vào năm 2019 rằng những vụ bắt giữ đó đã thể hiện cam kết của Warsaw trong việc bảo đảm lĩnh vực viễn thông “không bị xâm phạm theo cách đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta.”

Vào thời điểm đó, Warsaw đang tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ba Lan, do lo lắng trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Nga.

Năm ngoái (2020), chính phủ của Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã đề xuất dự thảo luật mà có thể dẫn đến việc loại trừ trên thực tế Huawei ra khỏi hoạt động xây dựng các mạng 5G, nhưng đề xuất đó vẫn chưa được quốc hội thảo luận.

Các nhà khai thác di động Âu Châu từ lâu đã do dự khởi động đầu tư vào mạng 5G, vốn có thể hỗ trợ các nhà xưởng thông minh và ô tô tự lái, vì thiếu sự minh bạch chính trị về việc liệu họ có phải đồng tình với các yêu cầu của Hoa Kỳ nhằm loại trừ nhà cung cấp thiết bị hàng đầu Huawei và các nhà cung cấp Trung Quốc khác không.

Huawei nói rằng việc loại bỏ 5G của họ sẽ đồng nghĩa với khoản thiệt hại gần 44 tỷ PLN (12 tỷ USD) cho nền kinh tế Ba Lan và việc khai triển 5G bị trì hoãn trong vài năm.

Công ty này đã thách thức lệnh cấm của Thụy Điển đối với thiết bị của họ trong các mạng 5G, tình huống này đang chờ phán quyết từ một tòa án địa phương.

Chính phủ Rumani cũng đã thông qua một dự luật có hiệu lực cấm Trung Quốc và Huawei tham gia vào việc phát triển mạng 5G của nước này vào hồi tháng Tư, nhưng dự luật này vẫn cần sự chấp thuận của thượng viện, vốn được coi là một cơ quan bù nhìn.

Nguồn: Alicja Ptak và Justyna Pawlak @ Reuters
Nguyễn Lê @ePochTimes biên dịch

Tags: , ,

More Stories From Trung Cộng

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh