Châu Á-Thái Bình Dương: Căng thẳng Pháp-Mỹ có lợi cho Trung Quốc?
Posted by Luu HoanPho, Sep 20, 2021, Comments Off
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham quan một tàu ngầm với thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Sydney, Úc, tháng 5/2018. BRENDAN ESPOSITO POOL/AFP/File.–
Với quan hệ Pháp – Mỹ đột nhiên căng thẳng trong vụ “khủng hoảng tàu ngầm”, các nhà phân tích cho rằng tình hình này, nếu kéo dài, có khả năng tác hại đến liên minh giữa Mỹ với Pháp nói riêng và với châu Âu nói chung.
Trước mắt, đây là một sự cố làm dấy lên mối hoài nghi về mặt trận thống nhất mà Washington đang cố thành lập nhằm chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, một mặt trận trong đó Châu Âu có thể đóng một vai trò không nhỏ.
Trả lời hãng tin Anh Reuters ngày 18/09/2021, ông Benjamin Haddad, giám đốc Trung Tâm Châu Âu, thuộc Hội Đồng Đại Tây Dương, đã không ngần ngại tự hỏi: “Vào thời điểm mà chính quyền Biden muốn tập hợp Châu Âu trong một mặt trận chung xuyên Đại Tây Dương để đẩy lùi sự quyết đoán của Trung Quốc, tại sao không kết nạp thành viên chủ chốt của Liên Âu?”.
Thành viên chủ chốt ở đây chính là nước Pháp, luôn được đánh giá là một trong hai đầu tầu chính thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu tiến lên, và là một trong số ít quốc gia Châu Âu có đủ thực lực để can dự vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, góp sức cho chính quyền Biden trong đối sách Trung Quốc của Mỹ.
Đối với nhiều chuyên gia, Trung Quốc đã vươn lên thành trọng tâm đối ngoại chính của chính quyền Biden, nhưng quan hệ lạnh nhạt với Paris có thể gây tác hại nghiêm trọng đến chiến lược rộng lớn này.
Trước mắt, thỏa thuận tàu ngầm ba bên Úc – Anh – Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ khi phải đối mặt với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng thiệt hại xuất phát từ sự tách rời của Pháp có thể lớn hơn mối lợi trước mắt đó.
Theo chuyên gia Pháp François Heisbourg, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, “Trung Quốc chắc hẳn đang phải cười nôn ruột”. Lý do là vì Bắc Kinh thấy “có hy vọng loại bỏ nguy cơ Châu Âu sát cánh bên cạnh Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”
Theo giới quan sát, mặc dù quan hệ Mỹ – Úc mạnh mẽ hơn sẽ khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại, nhưng Pháp, cường quốc quân sự hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu, vẫn có lập trường mạnh mẽ trong việc thúc đẩy một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc, trong khi các nước Liên Âu khác như Đức có vẻ chú ý hơn đến việc không làm xáo trộn quan hệ thương mại với Bắc Kinh .
Đối với chuyên gia Heisbourg, mối lợi lớn đối với Trung Quốc là khả năng “Châu Âu về cơ bản sẽ ở bên lề và không đóng vai trò tích cực ở Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung”. Theo chuyên gia này, trong tương lai, Pháp có thể thu hẹp trọng tâm chú ý để chỉ tập trung vào các lợi ích cụ thể của mình ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, thay vì nỗ lực đẩy lùi Trung Quốc trên bình diện rộng hơn.
Điều trớ trêu đối với những ai quan tâm đến việc đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc là một ngày sau khi thỏa thuận tàu ngầm Úc – Anh – Mỹ được loan báo, Liên Hiệp Châu Âu đã công bố chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và chống lại Trung Quốc. Nhưng theo ông Heisbourg, với việc Pháp bớt hăng hái, nỗ lực của châu Âu có nguy cơ chết yểu, hoặc nếu tồn tại thì cũng sẽ trở nên rời rạc hơn nữa.
Bên cạnh các suy đoán kể trên, một số nhà phân tích khác tin rằng nhu cầu bắt buộc để chống lại Bắc Kinh sẽ giúp các nước phương Tây thu hẹp bất đồng của mình.
Ông Greg Poling, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, đã ví von : “Mức độ lo lắng ngày càng tăng trên toàn cầu về Trung Quốc là thủy triều đang nâng tất cả các tàu thuyền trong vụ này. Tôi khá tin tưởng rằng sẽ có một vài tháng khó khăn ở phía trước, nhưng Paris sẽ vượt qua được, bởi vì các lợi ích chiến lược của Pháp buộc họ phải vượt qua”.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa