Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Giới tranh đấu: Luật Magnitsky của Úc có thể khiến các quan chức Việt Nam ‘chùn bước’


Quốc kỳ tại tòa Quốc hội Australia.–

Tiếp bước Hoa Kỳ, Canada, Anh và EU, quốc hội Australia vừa chỉnh sửa bộ luật trừng phạt vi phạm nhân quyền theo phong cách Magnitsky với các biện pháp trừng phạt tài chính và nhập cảnh có mục tiêu, điều mà đa số các nhà hoạt động tin rằng sẽ khiến các quan chức Việt Nam “chùn bước” trước “gọng kìm” các chế tài nhân quyền và tham nhũng.

Hồi đầu tháng 12, Quốc hội Australia đã thông qua một dự luật sửa đổi có nội dung tương tự như Luật Magnitsky của Mỹ, mở đường cho chính phủ nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức có hành vi tấn công mạng, vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne nhận định rằng luật mới là một cải cách quan trọng, cho phép Australia xác định, bảo vệ và thể hiện các giá trị của mình, ngăn chặn Australia trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ phạm tội.

Trong quá trình thực thi luật này, chính phủ Australia sẽ xem xét ban hành các điều khoản trừng phạt cụ thể cho từng nhóm các hành vi vi phạm, trong đó bao gồm cả các hành vi được coi là vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.

Với việc chính phủ Australia gần đây lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, luật sư gốc Việt Janice Le ở Sydney nhận định rằng luật mới này sẽ “có ảnh hưởng lớn” đến giới lãnh đạo Hà Nội.

“Sẽ có áp lực đối với họ vì vậy họ thực sự không thể bỏ qua. Mục đích của đạo luật này hay phong trào áp dụng luật Magnitsky nói chung là để ngăn chặn những người vi phạm hành động đó và bắt họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình vì Việt Nam là một quốc gia cộng sản và có rất nhiều quan chức né tránh những gì họ đã làm.

“Vì vậy, luật này gửi đi tiếng nói rằng họ không thể né tránh được. Họ có thể né được ở đất nước của họ, nhưng họ không thể thoát ở đất nước của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cho phép họ, những người vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng, nhập cảnh vào đất nước của chúng tôi hay sử dụng nền dân chủ cũng như hệ thống tài chính an toàn của chúng tôi để cất giấu tài sản và hưởng lợi từ hệ thống của chúng tôi”.

Cũng từ Australia, ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong, một nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, nêu nhận định:

“Đây là một sự mong chờ gần hai năm vừa qua khi Quốc hội Úc, khởi đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne đề nghị cứu xét thông qua đạo luật theo kiểu Magnitsky này để trừng phạt những người vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng, những người biển thủ, tham nhũng nghiêm trọng. Lần này, Úc khác với các quốc gia khác trước đây, là bao gồm cả các hành động liên quan đến an ninh mạng, hacker”.

“Đối với phong trào đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, đây là một tin đáng mừng, và tôi nghĩ rằng đây sẽ là nỗi lo sợ cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam,” ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong cho biết thêm.

Dân biểu Mỹ kêu gọi trừng phạt 8 công an Hà Tĩnh theo luật Magnistky toàn cầu
Ông Paul Huy Nguyễn, cựu Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở New South Wales, nói với VOA:
“Việt Nam và Trung Quốc là nơi có khá nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền có hành vi vi phạm như vậy. Gần đây chính phủ Úc thông qua đạo luật tương tự như đạo luật Magnitsky để chế tài các quan chức đó.

“Đây là hướng suy nghĩ chung về sự bành trướng của các cá nhân đã vi phạm, nhất là vi phạm về nhân quyền, dung túng những hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng. Đây là đường lối mà chính phủ Úc đang áp dụng và sẽ thực thi đạo luật này một cách đa.”

Với cùng nhận định như ông Thanh Phong, ông Paul Huy Nguyễn cho biết:

“Chắc chắn những quan chức đó phải chùn bước. Vì khi chưa có đạo luật này thì họ đã dùng số tiền tham nhũng đưa qua các nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc… đầu tư vào bất động sản, kỹ nghệ, nông trại…hầu như họ rải tiền ra khắp nơi.

“Trung Quốc đã làm điều đó trong suốt thập niên qua. Khi có đạo luật này thì những thành viên nào đã vi phạm, chẳng hạn một cán bộ cao cấp, ủy viên trung ương đảng cộng sản, dùng bàn tay sắc của họ để giết chết bao nhiêu người ở Duy Ngô Nhĩ, thì khi họ đến Hoa Kỳ, Canada hay Úc để đầu tư như vậy và khi biện pháp này được áp dụng thì các cá nhân đó phải lo sợ.”

Từ Khánh Hòa, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nêu quan điểm rằng việc các nước phương tây áp dụng luật Magnitsky nhằm vào các cá nhân và thực thể cụ thể sẽ có tác dụng và ảnh hưởng tốt hơn so với các biện pháp chế tài như cấm vận hay bao vây kinh tế trước đây.

Ông Tạo nói với VOA:

“Từ khi Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky tôi thấy rất hay – đánh đúng mục tiêu. Và vừa rồi Úc phê chuẩn thêm luật này lại là một bước tiến nữa của nhân loại văn minh để chống lại độc tài hắc ám.”

Tuy nhiên, ông Võ Văn Tạo cho rằng các quan chức Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều từ đạo luật này: “Các quan chức Việt Nam trước các tình thế đó họ không có bị tác động mấy vì họ không có tầm để nhìn xa, họ thiển cận, chỉ biết ngày nay chứ không biết tới ngày mai.”

Một lý do khác, theo ông Tạo, là vị thế địa chính trị của Việt Nam và quyền lợi kinh tế của nước phương Tây mà vấn đề vi phạm nhân quyền Việt Nam chưa được các nước đề cao.

‘Dự luật Magnitsky sẽ giúp cải thiện nhân quyền Việt Nam’

Nhìn chung theo các nhà hoạt động, mặc dù bộ luật này của Úc ra đời sau luật Magnitsky của Hoa Kỳ gần một thập kỷ, nhưng biện pháp này của Canberra là rất quan trọng trong nỗ lực chống lại các chế độ độc tài, chuyên quyền, tham nhũng, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, hành vi độc hại trên mạng internet.

Ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong nói:

“Quan chức cộng sản Việt Nam phải nhìn lại các hành động của mình, qua đó phải thay đổi cách hành xử, đàn áp chính những người dân của họ” ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong nói.

Vào cuối tháng 10/2021, có đến 10 tổ chức nhân quyền quốc tế, gồm Phóng viên Không Biên giới (RSF), Article 19, Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ, thúc giục Liên minh châu Âu, Quốc hội Mỹ, Anh và Canada áp dụng các chế tài chống lại Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, mà họ cho là đã “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nhiều năm qua.”
Ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện cho tổ chức Việt Tân tại Australia, nói:

“Chúng tôi đều cảm thấy bất bình với việc bắt bớ đàn áp rất nhiều những người đấu tranh ôn hòa ở trong nước. Trường hợp của Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương là những trường hợp mà cả thế giới đã rất nhiều lần lên tiếng.

“Đó là trách nhiệm của ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, người đưa ra nhiều chỉ thị bắt bớ, giam cầm; và ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, người chịu trách nhiệm về việc đưa ra các bản án rất bất công.

“Qua luật Magnitsky này thì tôi không nghĩ rằng họ [chính phủ Úc] sẽ tha cho những người này và họ sẽ phải chịu trách nhiệm,” ông Phong nói.

Bộ Công an và Toà án Nhân dân Tối cao không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về vấn đề này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn phản bác các chỉ trích về hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay luôn khẳng định sự “tôn trọng quyền con người, luôn mở rộng các quyền tự do, dân chủ và được các quốc gia trên thế giới đánh giá cao”, và cho rằng việc các cá nhân, tổ chức kêu phía nước ngoài thực thi Luật Magnitsky để áp đặt vào Việt Nam là hành động “vừa đá bóng, vừa thổi còi.”

Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam viết: “Muốn cho quyền cơ bản của con người được nâng lên, điều cốt lõi là phải có sự tôn trọng về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh lịch sử, giá trị văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia chứ không phải là việc áp đặt, đưa ra các chế tài ràng buộc như quan điểm áp dụng luật Magnitsky đối với Việt Nam”.

Người Việt tại Canada vận động dự luật Magnitsky

Vào năm 2012, Hoa Kỳ áp dụng luật Magnitsky đối với quan chức Nga, và đến 2016 thì ban hành Đạo luật Magnitsky Toàn cầu. Canada thông qua luật này vào năm 2017. Sau khi 27 quốc gia của Liên minh Châu Âu (EU) thông qua phiên bản Châu Âu của Đạo luật Magnitsky vào tháng 12/2020, họ đã trừng phạt 4 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và một tổ chức, áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với những cá nhân và tổ chức này.

Ngày 10/12/2021, nhân ngày Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Hoa Kỳ công bố một loạt danh sách các giới chức, tổ chức thuộc 8 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Miến Điện, bị trừng phạt do các xâm phạm nhân quyền theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu. Anh và Canada tham gia cùng Hoa Kỳ trong việc trừng phạt này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố ngay sau khi Quốc hội Australia thông qua luật theo phong cách Magnitsky vào ngày 2/12: “Cùng với các đồng minh và đối tác khác, Hoa Kỳ và Australia sẽ tìm cách thúc đẩy các giá trị dân chủ được chia sẻ của chúng ta bằng các công cụ tương tự và tiếp tục kêu gọi các đối tác quốc tế áp dụng các cơ cấu trừng phạt có thể giải quyết những thách thức này đối với các lý tưởng dân chủ.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói thêm: “Những kẻ vi phạm nhân quyền, những kẻ tham nhũng và độc ác, tội phạm xuyên quốc gia và những kẻ tìm cách phổ biến [vũ khí hủy diệt hàng loạt], bất kể chúng được đặt ở đâu, sẽ không có quyền tiếp cận hệ thống tài chính của chúng tôi.”

Trước đó, tại Thượng viện Úc, Ngoại trưởng Marise Payne mô tả đạo luật này là một “cải cách quan trọng” cho phép Úc “xác định, bảo vệ và thể hiện” các giá trị của mình. Bà nói: “Cải cách này sẽ cho phép Úc thực hiện hành động kịp thời – bao gồm cả với các đối tác cùng chí hướng… để đối phó với các tình huống được cộng đồng quốc tế quan tâm.”

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Tags:

More Stories From Hoa Kỳ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh