Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Vụ sát hại linh mục: Cảnh báo quốc tế về hậu quả của ‘kích động hận thù’ nhắm vào tôn giáo tại Việt Nam


Thánh lễ tiễn đưa Linh mục Trần Ngọc Thanh, do Giám mục Giáo phận Kon Tum chủ tế, diễn ra tại Nhà nguyện Plei Đôn, thuộc Giáo xứ Kon Rơbang, Giáo hạt Kon Tum, vào ngày 30/1/2022.–

Tổ chức BPSOS (Uỷ ban Cứu người Vượt biển) tại Hoa Kỳ vừa đưa ra cảnh báo quốc tế về tình trạng “kích động hận thù” nhắm vào vào các tôn giáo tại Việt Nam, đồng thời thành lập khẩn cấp toán công tác để theo dõi diễn tiến, viết báo cáo và vận động quốc tế lên tiếng về tình trạng này, vài ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát nhắm vào một linh mục Công giáo ở Kon Tum.

Trước đó, vào ngày 29/1, Linh mục Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, thuộc Dòng Đa Minh, đang phục vụ tại Giáo xứ Đăk Mốt, xã Saloong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, đã bị một người đàn ông xông vào chém nhiều nhát vào người trong lúc Lm. Thanh đang thực hiện nghi thức giải tội cho giáo dân. Do bị trúng hai vết chém chí mạng vào đầu, Lm. Trần Ngọc Thanh tuy đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng đã không qua khỏi. Ông qua đời vào tối cùng ngày.

Vụ án mạng đã gây ra sự phẫn uất và nhiều nghi vấn trong công luận về động cơ giết người của kẻ thủ ác, giữa bối cảnh có sự im lặng khó hiểu của toàn bộ truyền thông nhà nước suốt nhiều ngày trước vụ tấn công dã man nhắm vào một chức sắc tôn giáo.

Mãi đến ngày 3/2, tức 5 ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát, TTXVN mới đăng một bản tin ngắn với nội dung lấy từ thông báo của Công an Kon Tum về việc bắt giam, khởi tố vụ án “Giết người”, mặc dù nghi phạm đã bị bắt giữ ngay sau khi ra tay sát hại Lm. Thanh.

Hậu quả của kích động hận thù

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc BPSOS, tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên giúp đỡ, vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, cho rằng vụ sát hại Lm. Trần Ngọc Thanh là hậu quả của cả một quá trình “kích động hận thù” nhắm vào không chỉ các tu sĩ, giáo dân Công giáo, mà với hầu hết các tôn giáo đang hoạt động tại Việt Nam.

“Chúng tôi đã lên tiếng báo động về các hành vi bạo lực nhắm vào các linh mục, giáo dân Công giáo từ nhiều năm nay. Từ tháng 3/2018, chúng tôi đã có báo cáo về Hội Cờ Đỏ lúc ấy. Sau này, Hội Cờ Đỏ không còn có những hành vi bạo lực trực tiếp nữa, nhưng họ lại chuyển sang sử dụng phương tiện mạng xã hội để có những lời lẽ kêu gọi hận thù nhắm vào các linh mục cũng như giáo dân”, TS. Nguyễn Đình Thắng nói với VOA.

Người đứng đầu tổ chức BPSOS cho rằng quá trình kích động hận thù này đã gây ra những hậu quả khôn lường trong xã hội, mà vụ sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh là một trường hợp điển hình.

Theo ông, một trong những một hệ luỵ xã hội thảm khốc của quá trình “kích động hận thù” đó là những vụ thủ ác ngày càng tăng lên và người dân xem đó là chuyện “bình thường”. Đặc biệt, các tôn giáo khi bị các thông điệp kích động “bôi bẩn” và trở thành những tổ chức xấu xa trong mắt một số người dân, thì họ dễ dàng trở thành mục tiêu của các vụ công kích và tấn công bạo lực bởi những người dân bình thường nhưng tin vào các thông điệp truyền thông đến từ các trang mạng xã hội và truyền thông chính thức của nhà nước.

Sau nhiều năm làm việc với các tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau là nạn nhân của bạo lực, TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết các vụ tấn công đặc biệt hay xảy ra ở các khu vực cao nguyên, nơi có nhiều nhóm dân tộc thiểu số với nhiều hạn chế về ngôn ngữ, trình độ văn hoá, hạn chế về phương tiện và điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin và kiến thức đa chiều.

Trước khi xảy ra vụ sát hại Lm. Trần Ngọc Thanh, một linh mục khác thuộc giáo phận Kontum cũng đã bị đâm trọng thương. Chính quyền dù đã bắt giam hung thủ nhưng vụ việc cho đến nay coi như bị chìm xuồng vì “việc điều tra đã không đi đến đâu”, theo báo Công Giáo.

Giữa lúc công chúng tỏ ra hoài nghi về động cơ giết người của thủ phạm tên Nguyễn Văn Kiên, ban đầu được cho là một kẻ “tâm thần” và vốn là người xa lạ với Lm. Thanh, TS. Nguyễn Đình Thắng cho rằng những hành vi kích động hận thù là thủ phạm trước mắt cần phải loại bỏ.

Ông nói: “Rất có thể thủ phạm không phải là người làm việc cho chính quyền, nhưng nếu trong xã hội cứ tiếp tục để cho lan truyền những thông điệp hận thù thì chính những người bị tâm thần hoặc bất bình thường lại dễ bị kích động nhất”.

Bao che, dung dưỡng

Theo TS. Nguyễn Đình Thắng, những hành vi mang tính “kích động hận thù” nhắm vào các tôn giáo tại Việt Nam trong nhiều năm qua đã được nhận được sự bao che, dung dưỡng của chính quyền.

Ông nói: “Không phải chỉ là dung dưỡng, mà chúng tôi theo dõi những nội dung kích động bạo lực ở Việt Nam thì chúng tôi thấy rằng ngay cả nhà nước Việt Nam, trên những phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước, cũng có khá nhiều nội dung kích động bạo lực từ phía nhà nước, chứ không phải chỉ từ phía những người dân được sự dung dưỡng của nhà nước”.

“Ở xã hội Việt Nam, không những đã không ngăn chặn mà nhà nước còn đứng đằng sau bao che cho những người kích động hận thù trong xã hội đặc biệt nhắm vào các tôn giáo độc lập, tức là không chấp nhận tùng phục chính quyền”.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, người đứng đầu tổ chức BPSOS nói:

“Khi có những người lên tiếng chỉ trích chính quyền thì lập tức phía nhà nước sử dụng ngay những điều luật gọi là bảo vệ công dân, chống vu khống để phạt tiền, phạt hành chánh và có khi hăm doạ bỏ tù. Tuy nhiên, ngược lại, khi có những kẻ mà chúng tôi tình nghi là đằng sau có nhà nước như Hội Cờ Đỏ, các dư luận viên… họ tha hồ lên mạng xã hội để phỉ báng, công kích và kích động hận thù nhắm vào các tu sĩ cũng như các tín đồ của các tôn giáo khác nhau thì nhà nước không làm gì cả”.

TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết nhiều năm qua tổ chức của ông cũng đã hướng dẫn cho một số tín đồ Cao Đài sử dụng ngay chính các điều luật quy định về tội vu khống, phỉ báng của Việt Nam để nộp đơn lên toà án nhưng đơn của họ đã bị bác ngay lập tức mà không có lý do cụ thể nào được đưa ra cho việc bác đơn này.

“Theo luật pháp Việt Nam, nếu một cấp toà không xét xử thì phải giải thích rằng cái này không thuộc lĩnh vực thẩm quyền của chúng tôi, quý vị hãy đến cơ quan nhà nước nào hoặc toà cấp trên để được xét xử. Nhưng đằng này, chúng tôi đã có một hồ sơ lên đến tận Toà án Nhân dân Tối cao của Việt Nam, mà đến tận giờ này vẫn không được trả lời. Rõ ràng có một sự phân biệt đối xử. Một đằng người dân bị lên tiếng thì lập tức bị trừng phạt. Trong khi đó, những kẻ thủ ác, kêu gọi kích động bạo lực nhắm vào những công dân là đối tượng của nhà nước, tức là đang trong tầm ngắm của nhà nước, thì hoàn toàn vô can”, TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm.

TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết BPSOS đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp, thúc giục Việt Nam chấm dứt tình trạng kích động hận thù này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây sau khi Hội Cờ Đỏ giảm các hành vi tấn công trực tiếp nhắm vào các tôn giáo vào chuyển sang việc kích động qua mạng xã hội, vấn đề đã không còn được quốc tế chú ý đến nhiều vì lý do không có bằng chứng thuyết phục về “ảnh hưởng trực tiếp” của hoạt động này.

Vụ sát hại dã man Linh mục Trần Ngọc Thanh, theo lời TS. Nguyễn Đình Thắng, chính là một “minh chứng” cho thấy những thông điệp hận thù nhắm vào các tôn giáo đã gây tác động nặng nề trên những người thực hành tôn giáo tại Việt Nam.

“Thực ra không phải chỉ LM. Trần Ngọc Thanh, mà chúng tôi biết nhiều trường hợp khác, như người Tây Nguyên, Cao Đài chẳng hạn. Cách đây một vài tuần thôi cũng đã xảy ra các sự kiện bạo lực xảy ra cho những tín đồ Cao Đài ở Tây Ninh. Thành ra chúng tôi đang gom lại để làm một báo cáo báo động cho quốc tế rằng tình trạng kêu gọi kích động bạo lực tại Việt Nam là có thật, và nó có những ảnh hưởng thực tế trên những người đặc biệt là những người theo các tôn giáo không tuân phục sự kiểm soát của nhà nước”.

Giữa lúc vấn đề kích động hận thù đang trở thành mối quan tâm rất lớn của Liên Hiệp Quốc, các chính phủ và tổ chức quốc tế, TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết tổ chức của ông đã khẩn cấp thành lập toán công tác để theo dõi diễn tiến, viết báo cáo và vận động quốc tế lên tiếng nhằm chấp dứt tình trạng này tại Việt Nam.

Nguồn: Khánh An @ VOA Tiếng Việt

Tags: ,

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh