Vương quốc Anh hoạch định luật mới để đối phó gián điệp ngoại quốc
Posted by Luu HoanPho, May 17, 2021, Comments Off
Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến thăm trụ sở của MI5 tại Thames House ở London ngày 25/2/2020. (Ảnh: Victoria Jones-WPA Pool/Getty Images)
Chính phủ Anh Quốc sẽ kiện toàn luật chống gián điệp “cổ xưa” của họ trước sự lo ngại ngày càng tăng về mối đe dọa an ninh của các gián điệp ngoại quốc đang hoạt động ở vương quốc Anh.
Bài diễn văn của Nữ hoàng bao gồm cam kết về Dự luật về Nguy Cơ chống Chính phủ (Counter-State Threats Bill) sẽ yêu cầu các phái bộ ngoại bang phải ghi danh như cách làm của Hoa Kỳ.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, những người đại diện cho các chính phủ, quan chức, hoặc đảng phái chính trị ngoại bang phải kê khai với Bộ Tư pháp và nộp báo cáo về hoạt động của họ.
Các bộ trưởng tin rằng kế hoạch này sẽ giúp kiềm chế hoạt động của các gián điệp ngoại quốc và những can thiệp của ngoại bang vào Vương quốc Anh.
Hành động này diễn ra trước những lo ngại sâu rộng về hoạt động của gián điệp Nga trong vụ tấn công cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia của ông bằng chất độc thần kinh ở Salisbury năm 2018.
Một báo cáo năm ngoái (2020) của Ủy ban An ninh và Tình báo của Quốc hội (ISC) cáo buộc các bộ trưởng đã “không để mắt đến” các hoạt động của Điện Kremlin.
Đồng thời đã có mối lo ngại về việc các đặc vụ Trung Quốc đang đánh cắp tài sản trí tuệ như các nghiên cứu có giá trị tại các trường đại học của Vương quốc Anh.
Tổng giám đốc MI5 khi đó, ông Andrew Parker, cho biết việc yêu cầu kê khai là phái bộ ngoại bang sẽ cung cấp phương tiện pháp lý cho các lực lượng an ninh để truy lùng các phái bộ hoạt động mà không khai báo, ngay cả khi họ chưa phạm bất cứ tội nào.
Đồng thời, chính phủ sẽ cải cách lại các Đạo luật Bí mật Chính thức (Official Secrets Acts)—có từ năm 1911 và đã không theo kịp các mối đe dọa hiện đại—cũng như thẩm định xem các luật về tội phản quốc có cần cập nhật hay không.
Dự luật về (An ninh) Viễn thông sẽ trao cho các bộ trưởng quyền hạn mới để áp đặt các giới hạn đối với sự tham gia của các nhà cung cấp có “nguy cơ cao” trong mạng lưới viễn thông của Vương quốc Anh.
Dự luật này tuân theo một cam kết của chính phủ về việc loại tất cả thiết bị do đại công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc cung cấp ra khỏi mạng 5G vào cuối năm 2027.
Ban đầu, các bộ trưởng đề nghị cho phép công ty Huawei đóng một vai trò hạn chế, nhưng đã rút lại [đề nghị này] khi đối mặt với sự phản đối của Hoa Kỳ và một số nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ về các tác động an ninh.
Đạo luật sẽ áp đặt một nghĩa vụ pháp lý mới lên các công ty công nghệ để cải thiện tính bảo mật của hệ thống mạng với mức phạt lên đến 10% doanh thu hoặc 100,000£ một ngày nếu không đạt được các tiêu chuẩn bắt buộc.
Trong các biện pháp khác, chính phủ hứa hẹn sẽ đưa ra luật để cấm các cơ quan công quyền áp dụng các chiến dịch tẩy chay, thoái vốn, hoặc trừng phạt chống lại ngoại quốc.
Các bộ trưởng nói họ lo ngại rằng những chiến dịch như vậy nhắm vào Israel có thể “hợp pháp hóa chủ nghĩa bài Do Thái.”
Bài diễn văn cam kết chính phủ sẽ theo đuổi các chính sách được đề ra trong Đánh giá Tổng hợp về chính sách đối ngoại và quốc phòng—bao gồm thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu và chính sách “nghiêng” về khu vực Ấn Độ Dương—Thái Bình Dương.
Chính phủ cho biết họ sẽ khôi phục khoản chi tiêu viện trợ quốc tế—bị cắt giảm do “tác động địa chấn” của đại dịch coronavirus—về mức trước cuộc khủng hoảng là 0.7% thu nhập quốc gia “khi tình hình tài khóa cho phép.”
Nguồn: Gavin Cordon của hãng thông tấn PA
Lý Bình@ePochTimes biên dịch