Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Saturday, November 23, 2024

Ấn Độ-Thái Bình Dương: Mỹ thành lập liên minh chiến lược mới chống Trung Quốc


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd J. Austin ( thứ hai, bên trái), trong một chuyến thăm Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, ngày 30 tháng 4 năm 2021 tại căn cứ Trân Châu Cảng, Hickam phía tây Honolulu. (Ảnh minh họa) AP – Cindy Ellen Russell.–

Trung Quốc trong tầm ngắm của liên minh an ninh mới vừa được Hoa Kỳ, Úc và Anh Quốc thành lập hôm 15/09/2021. Trong cuộc họp qua cầu truyền hình, lãnh đạo ba bên thông báo liên minh AUKUS tăng cường an ninh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tránh trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc, tổng thống Biden nhấn mạnh thỏa thuận «lịch sử» này cho phép các bên «đối phó tốt hơn trước những mối đe dọa hiện tại và tương lai».

Theo hãng tin Anh Reuters, AUKUS cho phép Anh, Mỹ và Úc chia sẻ những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phòng thủ, quốc phòng, kể cả trong lĩnh vực công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân và chế tạo tên lửa. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng với thủ tướng Anh và Úc qua cầu truyền hình, tổng thống Mỹ, Joe Biden giải thích Washington sẽ cùng với Canberra và Luân Đôn «tăng cường khả năng của mỗi bên» về công nghệ quốc phòng. Theo lời một quan chức tại Washington, hiệp định AUKUS còn bao hàm cả các lĩnh vực «từ trí thông minh nhân tạo đến an ninh mạng».

Về phần thủ tướng Úc, ông Scott Morrison nhấn mạnh đây là đối tác giữa ba quốc gia tôn trọng những giá trị « tự do và luật pháp » góp phần bảo đảm an ninh khu vực trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng lời lẽ này trực tiếp nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên mục tiêu mà Canberra đang nhắm tới là là hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ đóng tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử. Sau quyết định hợp tác với Hoa Kỳ, Úc đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm quy ước với Pháp, trị giá gần 90 tỷ đô la Úc (60 tỷ đô la Mỹ).

Cũng trong cuộc họp qua cầu truyền hình hôm qua với hai lãnh đạo Anh và Mỹ, thủ tướng Úc thông báo mua tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Về phần thủ tướng Anh, Boris Johnson nhìn nhận AUKUS là một thỏa thuận «gắn kết ba quốc gia liên quan đến nhiều thế hệ». Kể từ sau thỏa thuận duy nhất ký với Anh Quốc năm 1958, Hoa Kỳ chưa ký thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân nào với nước khác.

Hợp tác về an ninh giữa Anh, Úc và Mỹ mặc nhiên đẩy Pháp ra ngoài khu vực. Thủ tướng Úc không đả động đến việc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Riêng Hoa Kỳ xoa dịu Paris với tuyên bố vẫn muốn « làm việc chặt chẽ» với Pháp, «đồng minh then chốt» của Washington trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Không chắc phủ tổng thống Pháp hài lòng với những lời lẽ khéo léo này của chủ nhân Nhà Trắng. Trên đài RFI sáng nay, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly đánh giá việc Úc hủy hợp đồng quân sự với Pháp là một quyết định «nghiêm trọng về phương diện địa chính trị và chính trị quốc tế». Qua việc này, Paris thấy rõ cách «cư xử của Mỹ với cách đồng minh».

Tuy nhiên mọi chú ý hướng về phía Bắc Kinh : Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sáng nay tuyên bố AUKUS « đe dọa ổn định và hòa bình của khu vực » đồng thời đẩy châu Á vào một cuộc «chạy đua vũ trang». Vẫn theo quan điểm của Bắc Kinh, việc ba nước Anh, Mỹ và Úc tăng cường khả năng phòng thủ, trang bị tàu ngầm nguyên tử là một động thái «vô trách nhiệm».

Nguồn: RFI/Thanh Hà

Tags: , ,

More Stories From Hoa Kỳ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh