Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, May 19, 2024

Biển Đông: Tàu sân bay Mỹ tuần tra vào lúc Bắc Kinh loan báo tập trận


Trung Quốc loan báo sẽ tập trận trong hai ngày hôm nay và ngày mai, 06 và 07/08/2019, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam đòi chủ quyền. Cho đến nay, chưa có thêm thông tin gì cụ thể về các hoạt động tập trận của Trung Quốc, nhưng một hàng không mẫu hạm Mỹ đã có mặt tại Biển Đông để thực hiện tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.

Theo báo Nhật Japan Times, tầu sân bay Hoa Kỳ USS Ronald Reagan đã có mặt tại Biển Đông từ ngày hôm qua, và đang trong cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải như lệ thường. Bộ Quốc Phòng Mỹ đưa lên mạng nhiều bức ảnh cho thấy các hoạt động của con tàu. Tàu USS Ronald Reagan, neo đậu tại căn cứ Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, thường xuyên tiến hành tuần tra ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Hoa Kỳ và Nhật Bản không đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, nhưng có lập trường kiên quyết bảo vệ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « rộng mở và tự do ». Washington thường xuyên lên án các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại vùng biển này, sử dụng căn cứ quân sự trên các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa đe dọa an ninh khu vực cũng như tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới.

Hôm qua, Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc chỉ ra hai thông báo cấm tàu thuyền qua lại tại một địa điểm gần quần đảo Hoàng Sa, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Hiện tại chưa biết tập trận của Trung Quốc đã bắt đầu hay chưa. Trong Sách trắng về Quốc phòng công bố hồi tháng trước, lần đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh đến việc quân đội « sẵn sàng chiến đầu và diễn tập trong các điều kiện tác chiến thật » để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra tại vùng Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.

Biểu tình phản đối trước cửa sứ quán Trung Quốc

Hôm nay, một nhóm khoảng 10 người biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Những người biểu tình mang áo mang biểu tượng « No-U » (biểu tượng chống lại yêu sách đường lưỡi bò hay hình chữ U của Trung Quốc tại Biển Đông). Những người biểu tình lên án việc tàu Trung Quốc quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, gần quần đảo Trường Sa. Nhóm biểu tình ngay lập tức bị công an giải tán.

Trả lời phỏng vấn Reuters, một người biểu tình cho biết anh «thực sự hy vọng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế, do các hành vi gây hấn và đường lưỡi bò bất hợp pháp».

Bắc Kinh cảnh cáo Mỹ về ý muốn triển khai tên lửa ở Châu Á

Trung Quốc vào hôm nay, 06/08/2019, đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ về việc triển khai tên lửa ở Châu Á – Thái Bình Dương và kêu gọi các quốc gia trong vùng nên « cẩn thận ».

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết về phản ứng của Trung Quốc :

“Không thể khoanh tay đứng nhìn. Trung Quốc bắt buộc phải có biện pháp nếu Hoa Kỳ triển khai tên lửa trong vùng ». Ông Phó Thông (Fu Cong), tổng cục trưởng Cục Kiểm Soát Vũ Khí thuộc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã khẳng định như trên.

Bắc Kinh không nêu chi tiết về biện pháp đáp trả, nhưng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã chỉ ra trên bản đồ những nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, có những căn cứ khả dĩ cho phép Mỹ triển khai hỏa tiễn.

Trung Quốc đã phản ứng như trên trong lúc tân lãnh đạo lầu Năm Góc, Mark Esper, đang công du Châu Á, hôm thứ Bảy 03/08 vừa qua, đã cho biết là là Mỹ rất nôn nóng muốn triển khai vũ khí quy ước mới ở Châu Á.

Biện pháp đáp trả của Trung Quốc có thể là kinh tế … Việc đặt giàn hỏa tiễn THAAD ở Hàn Quốc năm 2017, đã khiến Bắc Kinh giận dữ và một số tập đoàn Hàn Quốc hoạt động ở Trung Quốc đến nay vẫn chịu hậu quả.

Trung Quốc cũng có thể nhanh chóng triển khai hỏa tiễn tầm trung của mình, đã được đặt ở các đảo nhân tạo ở Biển Đông và nhắm trực tiếp vào các hàng không mẫu hạm Mỹ đi qua vùng này.”

Ngoại trưởng Mỹ thăm đảo quốc Micronesia để cản bước Bắc Kinh

Trong một chuyến thăm được đánh giá là lịch sử, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào hôm nay 05/08/2019, đã đến Pohnpei, hòn đảo chính của Liên Bang Micronesia. Mục tiêu là để thể hiện sự quan tâm mới của Washington đối với các đồng minh Thái Bình Dương, kể cả nước nhỏ nhất, trong bối cảnh Mỹ đang có ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, đây là lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ công du tiểu quốc xa xôi này, vốn không quen chào đón những nhân vật quan trọng trên thế giới. Trong chuyến thăm chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, ngoại trưởng Mỹ tranh thủ tiếp xúc với giới lãnh đạo của Liên Bang Micronesia, cũng như lãnh đạo hai đảo quốc tí hon khác ở miền Nam Thái Bình Dương là Palau và Quần đảo Marshall.

Động thái của ngoại trưởng được đặc biệt chú ý trong bối cảnh các lãnh đạo trên đã được tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón tại Nhà Trắng cách nay gần ba tháng.

Một quan chức Mỹ cao cấp xin giấu tên xác nhận rằng khu vực mà ngoại trưởng Mỹ ghé thăm là một vùng « chiến lược », và gần đây, các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ với các lãnh đạo trong vùng đã diễn ra ở một cấp độ « rõ ràng là cao ».

Theo chuyên gia Elizabeth Economy thuộc trung tâm tham vấn Mỹ Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations): «Trong năm vừa qua, Hoa Kỳ đã chủ động tìm cách củng cố vị thế của mình trong khu vực các quần đảo Thái Bình Dương, nơi được coi là có ví trí chiến lược».

Chuyến thăm của ông Mike Pompeo nằm trong khuôn khổ chính sách mới của Mỹ về một « Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở » mà mục tiêu đã được chính ngoại trưởng Mỹ xác định ở Bangkok và Sydney trong những ngày gần đây là nhằm chống lại một nước Trung Quốc đang ngày càng bành trướng.

Cho đến gần đây, Mỹ đã thấy được tầm quan trọng của các quốc gia đồng minh nhỏ bé này, khi họ thuộc số quốc gia hiếm hoi tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã ủng hộ Washington sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã vung tiền mua chuộc các đảo quốc vùng Thái Bình Dương, và theo bà Economy, « Hoa Kỳ đã hiểu rằng lập trường ủng hộ Mỹ của các nước vùng Quần Đảo Thái Bình Dương không thể là bất di bất dịch ».

Úc xác nhận không cho Mỹ đặt tên lửa trên lãnh thổ

Sau cuộc hội đàm với các quan chức Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Sydney, chính phủ Úc hôm nay, 05/08/2019 cho biết là họ không còn nghĩ đến việc cho Mỹ đặt tên lửa trên lãnh thổ của mình.

Theo thủ tướng Úc Scott Morrison, vấn đề đó đã « không được Mỹ yêu cầu, dự liệu hay đề xuất với phía Úc ».

Về phần mình, bà Linda Reynold, bộ trưởng Quốc Phòng Úc đã tiết lộ rằng bà đã nêu vấn đề trong cuộc gặp với tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper, và đã được trả lời rằng Mỹ không có yêu cầu.

Chính ông Esper đã lưu ý trước khi đến Sydney hôm thứ Bảy 03/08 rằng Washington muốn nhanh chóng triển khai ở châu Á các tên lửa tầm trung mới sau khi không còn bị Hiệp Uớc INF ràng buộc. Nhưng theo các chuyên gia, các tên lửa mới này có khả năng được triển khai tại các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.

Việc Mỹ không đề nghị gì với Úc đã giải tỏa một áp lực trên chính quyền Canberra, vì bất kỳ yêu cầu chính thức nào từ Mỹ cũng sẽ đặt Úc trông tình thế tế nhị, vì Mỹ là đồng minh lâu năm, nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn.

Nguồn: RFI

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh