Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, May 19, 2024

Bầu cử Đài Loan : Thất bại thấy trước của quyền lực mềm Trung Quốc


Trong bài « Đài Loan bỏ phiếu chống lại Tập Cận Bình », tác giả Pierre Haski trên L’Obs nhận xét, lần thứ hai chỉ trong vài tuần lễ, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ bị thua trong cuộc bầu cử dân chủ. Tất nhiên là không phải tại Hoa lục, nơi không thể có bầu cử một cách dân chủ.

Nền dân chủ Đài Loan không hề muốn tự sát với « nhất quốc, lưỡng chế »

Tháng trước, những người trẻ đấu tranh cho dân chủ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông, giáng một đòn nặng nề cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn ngỡ rằng « đa số thầm lặng » sẽ xuất hiện sau sáu tháng xung đột ngày càng bạo lực. Ngày 11/01/2020, chính tại Đài Loan mà Bắc Kinh một lần nữa có thể sẽ gánh thêm một thất bại mới.

Đài Loan, hòn đảo chỉ có 23 triệu dân đối đầu với người khổng lồ 1,4 tỉ dân, nền kinh tế thứ nhì thế giới. Vào thời chiến tranh lạnh, cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều độc tài, một bên là Cộng sản, một bên thân Mỹ. Nhưng từ thập niên 90, Đài Loan đã thành công đáng nể trong việc chuyển đổi thành chế độ dân chủ, và nay trở thành một trong những xã hội tự do nhất châu Á.

Đài Loan, đứng nhất hay nhì châu lục, tùy theo năm, trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới (RSF) ; nước châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhiều xu hướng dân chủ… Trong khi đó, Trung Quốc đi con đường ngược lại, với chế độ độc tài đảng trị khắc nghiệt.

Nếu hồi năm 1949, Đài Bắc muốn « tái chinh phục » lục địa đã rơi vào tay quân Cộng sản, thì ngày nay Bắc Kinh muốn thu hồi Đài Loan. Cuộc bầu cử tổng thống ngày 11/01 tới sẽ là một thử nghiệm về tình cảm người dân đối với Trung Quốc, và mọi thứ đều do Tập Cận Bình mà ra.

Năm 2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, khiến cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trở nên mong manh. Nhưng đến tháng Giêng 2019, Tập Cận Bình có bài phát biểu đầy hung hăng, chỉ cho người dân Đài Loan chọn một trong hai con đường. Hoặc thống nhất hòa bình theo quy chế « Một đất nước, hai chế độ » theo kiểu Hồng Kông, hoặc bằng vũ lực ! Sau bài diễn văn này, tỉ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn tăng trở lại.

Nhưng chính từ khi khởi đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông tháng 06/2019 mà nữ tổng thống mãn nhiệm trở thành khó thể đánh bại, trước đối thủ Quốc Dân đảng thân Bắc Kinh. Tại Đài Bắc, tất cả những người mà tác giả bài viết gặp gỡ đều cho biết đã quyết định bầu cho bà Thái Anh Văn khi liên tưởng đến Hồng Kông, cho dù họ có bất đồng về những chủ đề khác hay về kết quả nhiệm kỳ đầu.

Nền dân chủ Đài Loan vẫn sống động và không hề có ý định tự sát, cũng như thử nghiệm một quy chế mà người Hồng Kông đã tố cáo sự phá sản. Ông Tập Cận Bình với sự không khoan nhượng của mình rốt cuộc có thể giúp kẻ thù tái đắc cử, cho dù ông vẫn có đủ phương tiện để gây áp lực lên đảo quốc.

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ củng cố thêm sự gắn bó của người dân với nền dân chủ của mình, và các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% dân Đài Loan muốn thống nhất với « mẫu quốc ». Đó là dấu hiệu thất bại của quyền lực mềm Trung Quốc, và là thông điệp của những lá phiếu ngày 11/1 tới tại Đài Loan.

« Nhờ » Trung Quốc hung hăng, bà Thái Anh Văn có thể tái đắc cử

The Economist có cùng nhận định « Tổng thống vốn nghi ngại Trung Quốc, bà Thái Anh Văn có thể thắng cử lần nữa ».

Tờ báo điểm lại : từ năm 2000 đến nay, đảng Dân Tiến đã thắng ba lần trong cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Dân đảng hai lần. Còn Quốc Hội thường do các phe thân Trung Quốc kiểm soát, cho đến năm 2016, lần đầu tiên Dân Tiến giành được cả ngôi vị tổng thống lẫn phe đa số trong Quốc Hội.

Việc bà Thái ủng hộ người biểu tình Hồng Kông có thể làm tăng cơ may thắng cử, bên cạnh đó sự kiện Mỹ nói không với công nghệ Trung Quốc cũng mang lại thế mạnh cho bà. Các tập đoàn công nghệ Đài Loan không muốn gánh lấy rủi ro bị mất thị trường phương Tây nếu đứng về phía Bắc Kinh. Một số còn dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang các nước Đông Nam Á hoặc về Đài Loan. Ít gắn bó với Trung Quốc, họ sẽ quan tâm đến Dân Tiến hơn.

Đối thủ chính của bà Thái Anh Văn là Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), thị trưởng Cao Hùng ; nhưng cơ hội của ông này bị giảm sút từ tháng 11/2019 khi một chính khách thân Trung Quốc khác là Tống Sở Du (James Soong), chủ tịch đảng Thân Dân ra tranh cử, có thể chia bớt phiếu của ông.

Tổng thống Thái Anh Văn thường đả kích Trung Quốc. Trong một cuộc tranh luận truyền hình, bà đọc lá thư của một thanh niên Hồng Kông : « Tôi mong người Đài Loan đừng tin Trung Quốc Cộng sản, đừng rơi vào bẫy tiền của họ ». Bà cũng tự hào kinh tế Đài Loan dưới thời đảng Dân Tiến đã tăng trưởng, sau khi bị suy thoái lúc Quốc Dân đảng cầm quyền trước đó.

Một số cử tri có thể không cảm thấy thuyết phục, vì tiền lương vẫn đứng nguyên một chỗ từ hai thập niên qua. Những người nghèo, người già có xu hướng ủng hộ ông Hàn Quốc Du. Ông này nhắc lại thời kỳ kinh tế bùng nổ những năm 70 và 80 với chính quyền Quốc Dân đảng, nhưng tránh nói thời đó Đài Loan dưới chế độ độc tài, độc đảng.

The Economist cảnh báo về bầu cử Quốc Hội : nếu đảng Dân Tiến mất quyền kiểm soát (hiện nay đảng này chiếm 68/113 ghế), Quốc Dân đảng có thể chận các dự luật mà Bắc Kinh không ưa, như luật hôm 31/12 chống sự can thiệp của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tố cáo luật này nhưng cố kềm chế để tránh làm lợi cho bà Thái.

Sau khi Thái Anh Văn đắc cử năm 2016, Trung Quốc thường xuyên diễu võ dương oai, chẳng hạn cho oanh tạc cơ bay vòng quanh hòn đảo, dụ dỗ bảy đồng minh của Đài Bắc cắt đứt quan hệ. Nhưng từ giữa năm 2019 không thấy chiến đấu cơ bay sang nữa. Là người thực dụng, nếu tái đắc cử, bà Thái vẫn cố tránh xung đột quân sự. Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ không chính thức với Đài Bắc, như vụ bán 66 phi cơ F-16 mới đây, tuần báo Anh cho rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ mất kiên nhẫn.

Mỹ-Trung : Cuộc chia ly quan trọng nhất thế giới đang diễn ra

Cũng về Trung Quốc nhưng trong quan hệ với Hoa Kỳ, The Economist khuyến cáo « Đừng bị lừa trước thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung » giai đoạn 1. Thỏa thuận khiêm tốn này không thể che đậy được sự rạn nứt trầm trọng nhất trong quan hệ đôi bên, kể từ khi hai ông Richard Nixon và Mao Trạch Đông bắt tay nhau cách đây nửa thế kỷ.

Mối đe dọa của một Trung Quốc độc tài, công nghệ cao đối với phương Tây là quá rõ, các công ty về trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cũng như các gu-lắc Tân Cương là những cảnh báo cho toàn cầu.

Cội rễ có từ 20 năm trước, khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Người ta mong rằng Bắc Kinh sẽ tự do hóa nền kinh tế và có thể cả chính trị, hội nhập dần vào một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Nhưng ảo vọng này đã tan tành. Phương Tây đối mặt với khủng hoảng tài chính và thu mình lại, còn Trung Quốc giàu có lên, muốn áp đặt các quy tắc cho thương mại toàn cầu, xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, can thiệp vào cộng đồng 45 triệu người Hoa ở các nước và đe dọa những tiếng nói chỉ trích từ bên ngoài.

Tổng thống Donald Trump đáp trả bằng chính sách đối đầu được lưỡng đảng ủng hộ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa có được đồng thuận về mục tiêu – làm giảm thâm hụt thương mại hay rộng lớn hơn về địa chính trị, ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ? Về phía Tập Cận Bình, khi thì kêu gọi tự cung tự cấp, lúc khác lại nhấn mạnh toàn cầu hóa ; trong lúc Liên Hiệp Châu Âu không chắc mình là đồng minh của Mỹ, đối tác của Trung Quốc hay siêu cường mới bắt đầu thức tỉnh.

Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 vẫn giữ nguyên đa số thuế quan, tạm gác những bất đồng sâu sắc nhất để giải quyết sau. Mục đích chiến thuật của ông Trump là hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong năm bầu cử, còn Trung Quốc vui mừng « câu » được thêm giờ. Mỗi bên đều cố gắng hạn chế ảnh hưởng của nhau, nhưng việc này rất phức tạp, vì hai siêu cường đang bị buộc chặt vào nhau.

Đa số các dụng cụ điện tử của Mỹ được lắp ráp tại Trung Quốc, còn các công ty công nghệ Trung Quốc phụ thuộc các nhà cung cấp phương Tây đến 65% trong điện toán đám mây và 90% về chất bán dẫn. Phải mất 10-15 năm nữa, Bắc Kinh mới có thể tự chủ được về chip máy tính, và ít nhất một thập niên nữa về giao dịch ngoại hối, vì đồng nhân dân tệ chỉ mới chiếm tỉ lệ 2% trong thanh toán quốc tế.

Nguồn: RFI/Thụy My

Tags: ,

More Stories From Biển Đông Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh