Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, May 19, 2024

Thiên An Môn: Đài Bắc thách thức đảng Cộng Sản Trung Quốc nhìn nhận tội ác lịch sử


Người dân Đài Loan tập trung tại quảng trường Tự Do ở Đài Bắc để tưởng niệm 31 năm vụ Thiên An Môn, ngày 04/06/2020. REUTERS – ANN WANG.

Tại châu Á, hôm nay là ngày Đài Loan, Hồng Kông tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tại Tây phương, phong trào cáo buộc cảnh sát kỳ thị người da màu có nguy cơ lan rộng từ Mỹ đến Pháp. Đó là hai chủ đề thời sự quốc tế trên báo Pháp hôm nay.

Biểu tình chống kỳ thị màu da lan rộng

Với tựa “Bạo lực cảnh sát: sóng chấn động từ Mỹ lan đến Pháp”, Le Monde so sánh những cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ đòi công lý cho George Floyd với cuộc xuống đường tại Paris chiều thứ Ba 02/06/2020 đòi truy tố những hiến binh Pháp bị cáo buộc gây tử vong cho một thanh niên da đen, Adama Traoré, vào tháng 07/2016.

Cội nguồn phải chăng là do kỳ thị người da đen ? Le Monde không đưa độc giả vào tranh cãi. Trái lại, nhật báo độc lập nhấn mạnh đến nỗ lực của một phong trào công dân tại Pháp từ 4 năm nay, nỗ lực bài trừ tệ nạn kỳ thị người da đen trong một bộ phận cảnh sát viên da trắng và những khác biệt giữa hai hồ sơ.

Tại Mỹ, George Floyd được giảo nghiệm xác nhận đã chết do hành động bóp cổ của một trong bốn nghi can. Tại Pháp, ba kết quả giảo nghiệm pháp y không quy kết trách nhiệm cho nhóm hiến binh câu lưu Adama Traoré. Thế nhưng, điều tương phản nhất là tại Mỹ, tổng thống Donald Trump đe dọa sử dụng quân đội chống biểu tình và bị chỉ trích. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis lên án chủ nhân Nhà Trắng chia rẽ dân chúng. Bộ trưởng đương nhiệm Mark Esper cũng không đồng ý sử dụng quân đội, còn cựu tổng thống Barack Obama khen ngợi vai trò tranh đấu của người dân đa đen “làm thức tỉnh” đất nước, là những phản ứng được Le Monde bình luận rộng rãi.

e Figaro bổ sung: Cho dù phản ứng của quân đội Mỹ được thể hiện qua các sĩ quan hồi hưu nhưng thái độ bất bình này là yếu tố bất lợi và bất ngờ đối với Donald Trump. Ngay những sĩ quan cao cấp trung thành nhất với chính phủ cũng không sẵn sàng tuân lệnh Lầu Năm Góc một cách mù quáng, bộ trưởng Mark Esper báo trước. Libération, thiên tả, chạy tựa theo hướng nhân quả: Vụ George Floyd, Donald Trump gặt cơn bão lớn.

Trong khi đó, tại Pháp, chính quyền Macron “giữ thái độ khiêm tốn, tránh thêm dầu vào lửa”. Le Monde nhấn mạnh phản ứng của bộ trưởng Nội Vụ Pháp, cam kết “sẽ nghiêm trị” mọi hành động bạo lực hay phát biểu mang tính kỳ thị sắc tộc trong lực lượng cảnh sát. Nhưng nổi bật hơn hết là thái độ dè dặt của đảng Xã Hội đối lập. Vụ Adama Traoré xảy ra vào thời lãnh tụ đảng Xã Hội François Hollande ngồi ở Điện Elysée. Tổng thư ký Olivier Faure lý giải là không để “trôi dạt” vào xu hướng ngầm chụp mũ cảnh sát là lực lượng kỳ thị.

Đài Bắc quật mồ chế độc tài của Tưởng Giới Thạch để cảnh tỉnh Bắc Kinh

Le Monde bắt đầu bài tường thuật “đào xới tội ác chế độ độc tài” với một trường hợp tiêu biểu cụ thể : Fred Chin, 71 tuổi, bị kết án 12 năm tù với tội danh khủng bố vào năm 1971. Đến tháng 7 năm 2019, nạn nhân bị án oan thời Quốc Dân Đảng độc tôn cầm quyền được tổng thống Thái Anh Văn của đảng Dân Chủ Tiến Bộ chính thức giải oan. Trong buổi lễ, trước hàng ngàn cựu tù nhân, vị tổng thống thứ hai của đảng Dân Tiến đứng lên tuyên bố:  Một mảnh giấy tống quý vị vào nhà tù, cũng một mảnh giấy tuyên quý vị vô tội.

Thái Anh Văn, vào năm cuối nhiệm kỳ một, đã thề là “tận lực” thi hành “công lý chuyển tiếp” trong nhiệm kỳ hai theo nghĩa thanh toán nợ nần tội ác của chế độ Tưởng Giới Thạch đối với dân Đài Loan. Mục tiêu đi tới không phải chỉ để tưởng nhớ nạn nhân của chính sách “khủng bố trắng” (để phân biệt với Cộng Sản khủng bố đỏ) mà còn để chứng minh Đài Loan là chế độ dân chủ.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngăn cấm triệt để mọi sinh hoạt tưởng niệm biến cố thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989, Đài Bắc thách thức Bắc Kinh “xét lại sự kiện 04/06 và xin lỗi nhân dân một cách chân thành”. Tại Đài Loan, cuộc điều tra về tội ác của chế độ độc tài bắt đầu từ năm 2018, giải mật 70.000 hồ sơ, truy tìm tài sản kếch sù do Quốc Dân Đảng thu tóm bất chính, trao trả, bồi thường cho nạn nhân.

Theo chuyên gia Mỹ Thomas Shattuck, để giúp cho người dân Đài Loan có thể biết rõ sự thật như trường hợp Chilê và Nam Phi từ khi được dân chủ hóa, Đài Loan cần một đạo luật cho phép truy lý lịch của những nhân vật đang nắm các chức vụ trọng yếu “có dây mơ rễ má” với chế độ độc tài cũ. Biện pháp này sẽ gây nhiều đau đớn cho xã hội.

Tuy nhiên, mục đích của chính sách truy tìm sự thật lịch sử không phải để trả thù những kẻ gây tội ác. Fred Chin, sinh viên 17 tuổi, bị vu khống là đảng viên Cộng Sản trà trộn, xác định ông chỉ muốn “những kẻ hãm hại ông phải nói rõ chuyện gì đã buộc họ làm như vậy, và chỉ cần một lời xin lỗi mà thôi”. Tiếc thay, trong hồ sơ của Fred Chin chỉ ghi lại phần “thủ tục pháp lý” sau khi nạn nhân bị ép cung, mà không ghi phần cốt lõi: tên tuổi những kẻ tra tấn và đồng loã.

Nói đến Hồng Kông trong gọng kềm Trung Quốc, La Croix tóm gọn trong tựa ngắn: Tuần trăng mật Bắc Kinh-Luân Đôn tan vỡ. Tan rồi những hy vọng khi quyết định trao trả nhượng địa. Với bài phân tích dài “Hồng Kông những ngày u ám”, Le Monde bi quan “năm 2047 sẽ là dấu mốc mọi ảo vọng của Tây phương. Trung Quốc phồn vinh không đồng hành với một Hồng Kông dân chủ, tự do. Tập Cận Bình không thể dung tha cho mô hình kinh tế giàu mạnh đi đôi với tự do dân chủ là Hồng Kông và Đài Loan nằm sát nách Hoa lục. Tư tưởng Tập Cận Bình là “kinh tế, công nghiệp phát triển trong chế độ độc tài, không cần tự do dân chủ”.

Tuyên truyền Trung Quốc khai thác tận lực phong trào biểu tình bạo động tại Mỹ

Le Figaro cho biết, để biện minh cho chính sách đàn áp tại Hồng Kông, báo chí và bình luận gia Trung Quốc không ngần ngại khẳng định “cảnh sát Hồng Kông văn minh hơn cảnh sát Mỹ”. Trong bối cảnh Mỹ-Trung đọ sức từ thương mại cho đến đại dịch Covid-19, hình ảnh biểu tình bạo loạn tại Mỹ được truyền thông Nhà nước Trung Quốc khai thác triệt để.

Điều trớ trêu là giới nhà báo răm rắp tuân lệnh chế độ lại “lên lớp” Tây phương về tự do báo chí và thản nhiên khai thác thông tin trên Twitter bị tường lửa tại Hoa lục. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên lại có cơ hội bênh vực người da đen trong xã hội Mỹ bị kỳ thị màu da. Nhật báo thiên hữu của Pháp mỉa mai: ông Triệu không nhớ là hồi tháng Tư vừa qua, một loạt quốc gia châu Phi đồng phản đối Trung Quốc phân biệt đối xử với cộng đồng người châu Phi tại Quảng Đông, tập trung trong khu phố được đặt tên là “phố chocolat”.

Xin tạm đóng lại hồ sơ kỳ thị màu da với La Croix. Nhật báo Công giáo đặt câu hỏi với lãnh đạo một công đoàn cảnh sát Pháp và một giáo sư xã hội học. Hai nhân vật này gần như đồng quan điểm: Phải nắm rõ quy mô của vấn đề, không bao che, phải nhanh chóng điểu tra và nhanh chóng thi hành lệnh trừng phạt thủ phạm.

Trở lại thời sự Pháp, Liberation lo ngại: Tương lai nào cho 700.000 sinh viên sắp tốt nghiệp ? Đó là kế hoạch lớn mà tổng thống Macron sẽ thông báo vào tháng 7, dành cho thế hệ 24, 25 tuổi mới ra trường. Le Figaro nhấn mạnh ba lần “việc làm, việc làm, việc làm” trong bài xã luận. Les Echos tiết lộ một vài biện pháp: gia tăng tản quyền, chia sẻ trách nhiệm, treo tiền thưởng 8.000 euro cho công ty mỗi khi ký hợp đồng tuyển dụng một thực tập viên học nghề. Cổ vũ cho dự án này, La Croix kêu gọi nhân viên lớn tuổi, nghĩ đến lúc “bàn giao” trách nhiệm cho thế hệ trẻ.

Trong lãnh vực sinh thái và đại dịch, Libération có một bài phóng sự dài về thị trường thú hoang dã: Thịt khỉ, tê tê, heo vòi, dơi vẫn phát đạt. Tại Phi châu, nạn phá rừng càng lớn, thú rừng càng bị săn bắt. Giá một đùi hưu cao cổ không dưới 130 đô la. Không quy buộc, nhật báo thiên tả mượn lời than thở của hiệp hội “Robin des bois” (Lâm tặc nghĩa hiệp) ở Gabon để kết luận: cặp rằn Trung Quốc ăn cả vòi voi nấu ra-gu.

Nguồn: RFI/Tú Anh

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh