Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Wednesday, May 8, 2024

Chống Trung Quốc Bằng Chủ Nghĩa Quốc Gia?


“Tôi biết Trump là người chống Tàu, chống một cách cuồng nhiệt. Nhưng điều đó không thể làm cho tôi ủng hộ Trump, cho dù tôi là người có khuynh hướng “thoát Trung”. Bởi lẽ, Trump chống tàu bằng một tâm thức của một người theo chủ nghĩa quốc gia.”

Quan điểm của nhà hoạt động nhân quyền Phạm Lê Vương Các đáng chú ý. Nhưng thử đặt ngược vấn đề, tại sao Tổng thống Donald Trump chống Trung Quốc theo tâm thức chủ nghĩa quốc gia, với khẩu hiệu “Ưu tiên nước Mỹ” (America first) sẽ tốt cho nhân quyền thế giới?

Chủ nghĩa quốc gia phải đặt cạnh toàn cầu hoá để trả lời vì sao phải chống Trung Quốc trong tâm thức đó và tác động của cách thức này sâu rộng ra sao.

Toàn cầu hóa là gì? Đó là sự lan truyền của các sản phẩm, công nghệ, thông tin, việc làm xuyên biên giới và văn hóa quốc gia, trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và pháp lí. Về mặt kinh tế toàn cầu hoá cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia trên toàn cầu được thúc đẩy thông qua thương mại tự do.

Về mặt lợi ích kinh tế, toàn cầu hoá cho phép các tập đoàn tận dụng lợi thế so sánh, giảm chi phí nhân công, chi phí nguyên liệu, có thêm nhiều khách hàng. Đây là yếu tố mà Trung Quốc lợi dụng để được hưởng lợi từ chủ nghĩa toàn cầu này.

Trung Quốc, quốc gia mở cửa dựa trên nguyên lý “mèo trắng, mèo đen miễn bắt được chuột” của nhà lãnh đạo, tổng công trình sư đổi mới Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Trung Quốc thông qua chính sách “mèo đen, mèo trắng” từng bước đưa đất nước trở thành công xưởng của thế giới và là trọng điểm của chuỗi cung ứng trong sản xuất.

Không ngoa khi nhận định Trung Quốc là quốc gia nắm bắt nhanh về toàn cầu hoá qua hợp tác kinh tế, thương mại. Trung Quốc không những không đấu tranh chống lại tư bản chủ nghĩa và các hình thức bóc lột thặng dư, mà ngược lại còn trải thảm đỏ mời gọi các tập đoàn phương Tây vào bóc lột.

Trải thảm đỏ gồm công nhân giá rẻ, bỏ qua các điều kiện bảo vệ môi trường và quyền của người lao động, thị trường tiêu thụ rộng lớn, mức giá thuê đất và thuế đầu tư hấp dẫn. Ngoài ra sự đầu tư vào nguồn nhân lực cao, khiến Trung Quốc có khả năng mô phỏng và đổi mới hàng hóa và dịch vụ trên thế giới, công nhân giá rẻ cùng khả năng bảo hộ ăn cắp sở hữu trí tuệ của nhà nước Trung Quốc đã khiến hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa Trung Quốc mở cửa chính thức cho thương mại thế giới và lúc Trung Quốc áp dụng chính sách của các thành phố công nghiệp đã đẩy sự gia tăng tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ với tốc độ hàng năm gần 7%.

Điều đáng nói, 40 năm trước Trung Quốc mở rộng hết cỡ môi trường đầu tư để mời gọi phương Tây vào thì sau 40 năm, các tập đoàn phương Tây phải nhún nhường Trung Quốc để được kinh doanh và đầu tư tại quốc gia này.

Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn đầu tư và gặt hái tiền ở Trung Quốc không chỉ phải xem xét văn hóa kinh doanh mà còn cả các quy định và chính sách chính trị được định hình bởi Bắc Kinh. Trung Quốc thậm chí xâm hại nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ bằng cách đánh cắp nó, sau đó thành lập một công ty nội địa để cạnh tranh, khiến công ty phương tây bị ăn cắp công nghệ phải phá sản.

Một trường hợp diễn ra vào năm 2007 với American Superconductor (AMSC) doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc. AMSC này hợp tác với Sinovel – một doanh nghiệp sản xuất turbine gió. AMSC cung cấp công nghệ để vận hành các turbine này. Hợp tác này đã biến AMSC thành một công ty tỷ USD, họ xây nhà máy ở Trung Quốc, mở trung tâm thiết kế ở châu Âu và tạo thêm hàng trăm việc làm tại Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ.

Đến năm 2011, dù nhận hàng của AMSC nhưng Sinovel từ chối thanh toán khiến AMSC lâm vào khủng hoảng. Lý do, một nhân viên của AMSC là Karabasevic đã bị Sinovel hối lộ để lấy mã nguồn phần mềm điều khiển điện gió của AMSC. Hai triệu đô la, nhà cửa và cả một cuộc sống mới ở Trung Quốc là món quà dành cho kẻ ăn cắp, AMSC rơi vào phá sản, còn Sinovel với mã nguồn được đánh cắp nghiễm nhiên trở thành công ty Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường turbine gió tại thị trường quốc gia này.

Như vậy Trung Quốc đã tận dụng toàn cầu hoá qua ba khía cạnh, (i) mở rộng hết cỡ ưu đãi đầu tư dựa trên tài nguyên quốc gia rẻ mạt; (ii) ăn cắp công nghệ, chèn ép các doanh nghiệp phương Tây chia sẻ công nghệ để thành lập doạn nghiệp nội địa nhằm cạnh tranh; (iii) buộc các doanh nghiệp phải ngậm miệng về chính trị, chỉ được lên tiếng về đầu tư – thương mại.

Ba nguyên tắc trên được các doanh nhân và chính trị gia phương Tây chấp nhận vì Trung Quốc là mỏ tiền.

Năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc đã sản xuất 25,3 nghìn tỷ đô la, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, EU đứng thứ hai, ở mức 22 nghìn tỷ đô la, Hoa Kỳ đứng thứ ba, 20,5 nghìn tỷ đô la.

Trung Quốc có 1,38 tỷ người, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thu nhập bình quân 10,870 đô la mỗi người. Mức sống thấp của Trung Quốc cho phép các công ty ở Trung Quốc trả lương cho công nhân thấp, điều đó làm cho sản phẩm rẻ hơn, thu hút các nhà sản xuất ở nước ngoài thuê ngoài việc làm cho Trung Quốc. Sau đó, họ chuyển hàng thành phẩm đến Hoa Kỳ, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Trung Quốc xây dựng tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu máy móc và thiết bị giá rẻ. Một thành phẩm của ăn cắp công nghệ và giá nhân công rẻ.

Về mặt nhập khẩu, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,7 nghìn tỷ đô la. Hoa Kỳ, lớn nhất thế giới, nhập khẩu 2,3 ​​nghìn tỷ đô la.

Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu dùng hàng hóa lớn nhất thế giới khiến đây trở thành mảnh đất màu mỡ cho nền kinh tế của các quốc gia bên ngoài. Và từ đây nước này tìm cách xuất khẩu các doanh nghiệp Trung Quốc ra toàn thế giới. Một số đó là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), được đề ra bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tập trung vào việc kết nối các quốc gia rộng lớn nằm trong khu vực.

Bắc Kinh trở thành nhà vô địch mới về thụ hưởng giá trị toàn cầu hoá, nước này gọt tối đa thặng dư tư bản để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống người dân, và con số tăng trưởng làm gia tăng tính hợp pháp cai trị của ĐCS Trung Quốc. Sự tích luỹ của cải qua đầu tư và thương mại cho phép Trung Quốc nắm “cây gậy và củ cà rốt” để gây sức ép với bất kỳ quốc gia nào mà Trung Quốc cho rằng nước đó đang động chạm đến vấn đề chính trị nội bộ của nước này.

Đó là lý do vì sao phương Tây đã không lên tiếng trước nền chính trị độc đoán, xâm phạm nhân quyền trầm trọng của Bắc Kinh, và cũng giải thích vì sao sự đi lên của nền kinh tế Trung Quốc qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã không giúp cho Trung Quốc trở nên dân chủ hơn. Nó cũng giải thích vì sao Trung Quốc có thể đe doạ “tấn công nền kinh tế Úc vì dám điều tra Covid-19” qua biện pháp áp thuế hơn 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc.

Từ đây chúng ta có thể hiểu vì sao Tổng thống Donald Trump đã phải dụng tâm thức chủ nghĩa quốc gia để rút các doanh nghiệp Hoa Kỳ về nước, tiến hành cuộc chiến thuế quan để chấm dứt bất công thương mại. Tiếp đó là quyết định tuyên bố Hồng Kông đã mất quyền tự trị trước Trung Quốc do đó đã không còn nhận được các yêu đãi thương mại của Hoa Kỳ cũng như đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.

Mục đích không ngoài gì khác là chấm dứt sự lạm dụng tồi tệ của Bắc Kinh trong hơn 40 năm qua dưới chiêu bày toàn cầu hoá. Mục tiêu không nhằm gì hơn ngoài cắt bầu sữa toàn cầu hoá, buộc Trung Quốc phải cải cách dân chủ thông qua sức ép kinh tế và cuộc chiến tự do tại Hồng Kông.

Do vậy chống Trung Quốc quyết liệt với tâm thức chủ nghĩa quốc gia hoàn toàn tốt cho dân chủ nhân quyền.

Trung Quốc là quốc gia tham vọng quyền lực và là nhà nước độc tài cai trị. Giải quyết được Trung Quốc sẽ tác động sâu rộng đến nền dân chủ, nhân quyền trên thế giới.

Nguồn: Hiếu Linh @ VNTB

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh