Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Chiến lược tối hậu chống Trung Quốc của Shinzo Abe: Phản công trên bộ


Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng lên từ khu trục hạm USS Monterey ngày 14/04/2018. Loại tên lửa này có khả năng là nhân tố thiết yếu trong chiến lược quân sự mới của Nhật Bản. AP – Lt. j.g. Matthew Daniels.

Hôm nay, 14/09/2020, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã được bầu làm chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do, bước cần thiết để lên làm thủ tướng Nhật Bản, thay thế ông Shinzo Abe đã từ chức vì lý do sức khỏe.

Là người thân cận với ông Abe, thủ tướng tương lai của Nhật Bản được cho là sẽ tiếp tục những dự án mà người tiền nhiệm đã đề ra, trong đó có một kế hoạch phản công trên bộ khi đất nước bị tấn công, một sáng kiến có thể đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong chủ thuyết quân sự Nhật Bản.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 11/09 vừa qua, vài tháng trước khi tuyên bố từ chức, thủ tướng Shinzo Abe đã khởi động một kế hoạch thay đổi chính sách quốc phòng, lần đầu tiên cho phép quân đội Nhật Bản lên kế hoạch tấn công các mục tiêu trên bộ ở Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á.

Phản công vào các địa điểm của kẻ thù trên đất liền

Cho đến nay, quân đội Nhật chủ yếu lo việc ngăn chặn những cuộc tấn công từ trên không và trên biển. Thay đổi chính sách mà ông Abe đề nghị sẽ thúc đẩy lực lượng võ trang Nhật Bản tạo ra một học thuyết quân sự mới để hướng mục tiêu phản công vào các địa điểm của kẻ thù trên đất liền.

Nếu được chính phủ kế nhiệm tại Nhật Bản thông qua, chính sách này sẽ đánh dấu một trong những thay đổi quan trọng nhất trong chủ thuyết quân sự của Nhật Bản kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Điều này  phản ánh nỗ lực bền bỉ của ông Abe trong việc trang bị cho Nhật Bản một quân đội mạnh mẽ hơn, trước những mối lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Mọi lựa chọn an ninh của Nhật Bản đều xuất phát từ yếu tố Trung Quốc

Theo Reuters, chính các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh tranh chấp là nguyên do thúc đẩy Nhật Bản thay đổi chủ thuyết quân sự.

Trong một bài phỏng vấn, ông Masahisa Sato, một nghị sĩ thuộc đảng Đảng Dân Chủ Tự Do của ông Abe, người từng giữ chức thứ trưởng Quốc Phòng và thứ trưởng Ngoại Giao xác nhận: “Lý do chính thúc đẩy chúng tôi hành động là Trung Quốc. Chúng tôi không nhấn mạnh quá nhiều trên điều đó, nhưng các lựa chọn an ninh mà chúng tôi đưa ra đều là xuất phát từ yếu tố Trung Quốc”.

Trên nguyên tắc, Nhật Bản đã từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh sau Thế Chiến Thứ Hai, thành ra mỗi khi nước này gợi lên vấn đề tấn công vào các mục tiêu trên đất liền, tức là tấn công vào nước ngoài, tranh cãi đã lập tức nổi lên với các láng giềng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Bất chấp điều đó, theo Reuters, vào tháng 6 vừa qua, ông Abe đã yêu cầu giới hoạch định chính sách quốc phòng cao cấp của Nhật Bản thực hiện các đề xuất của đảng cầm quyền trong lãnh vực quân sự, trong đó có học thuyết tấn công trên bộ hay nói rộng ra là oanh kích.

Theo hai người trong cuộc, trong đó có quyền tổng thư ký đảng Dân Chủ Tự Do Tomomi Inada, thì đề xuất kể trên sẽ trở thành chính sách nếu được lồng vào trong một chiến lược quốc phòng sửa đổi.

Trả lời Reuters, ông Inada tỏ vẻ tin tưởng: “Tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều phản đối trong đảng… Hướng đi đó sẽ không thay đổi ngay cả đối với một thủ tướng mới.”

Tên lửa hành trình tầm xa: Nhân tố thiết yếu của học thuyết phản công trên bộ

Trong kế hoạch phản công bằng cách tấn công trên bộ, một trong những vấn đề quan trọng cần giải quyết là phải có các loại tên lửa tầm xa như tên lửa hành trình chẳng hạn.

Theo Reuters, sử dụng tên lửa tầm xa không phải là vấn đề. Hiện nay, Quân Đội Nhật Bản đã có quyền sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các chiến hạm của kẻ thù, một khả năng được cho là hợp lý và hợp pháp vì mục tiêu là phá hủy những vũ khí đe dọa Nhật Bản.

Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, ông Itsunori Onodera, đề xuất tấn công trên bộ cũng có thể viện đến những lý do tương tự, và như vậy, những người ủng hộ kế hoạch này cho luật pháp của Nhật Bản sẽ không cần phải sửa đổi.

Hôm thứ Sáu 11/09 vừa qua, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản, vẫn do ông Abe lãnh đạo và bao gồm các quan chức nội các chủ chốt, bao gồm cả ông Suga, đã họp lại và xác nhận trong một thông cáo là sẽ xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia mới vào cuối năm nay.

Trong thông cáo có một câu dự báo cho việc thay đổi chiến lược: “Có một câu hỏi đã được đặt ra là liệu việc ngăn chặn đơn thuần các cuộc tấn công có đủ để bảo vệ hòa bình, cuộc sống và sinh kế của người dân hay không?”.

Mua Tomahawk của Mỹ

Đối với tướng Katsutoshi Kawano, người cho đến năm ngoái là chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhật Bản, để có vũ khí tấn công trên bộ, Nhật Bản có thể mua loại tên lửa hành trình Tomahawk BGM-109 do Mỹ chế tạo.

Tomahawk có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 2.500 km, do đó đặt được hầu hết Trung Quốc và phần lớn vùng Viễn Đông của Nga trong tầm bắn.

Tuy nhiên ông Kawano cũng nói rõ là Nhật Bản chỉ có thể có khả năng tấn công đó trong vòng 5 năm tới, còn để có “một hệ thống tấn công hoàn chỉnh bao gồm các vệ tinh nhắm mục tiêu và các thành phần tác chiến điện tử” thì sẽ tốn kém hơn rất nhiều và cần đến hơn 10 năm để có được. Trong khi chờ đợi, Nhật Bản sẽ phải phụ thuộc vào Hoa Kỳ về tình báo và giám sát.

Để biến học thuyết quân sự mới thành hiện thực, tân chính phủ Nhật Bản sẽ phải hoàn tất kế hoạch mua sắm giữa kỳ cũng như chiến lược quốc phòng sửa đổi vào cuối tháng 12, trước khi Bộ Quốc Phòng đệ trình yêu cầu ngân sách hàng năm.

Các khó khăn tiềm tàng

Điều đó có thể vấp phải sự phản kháng từ đồng minh đang cầm quyền của đảng Dân Chủ Tự Do là đảng Phật Giáo Komeito, vốn lo ngại rằng động thái như vậy sẽ làm mích lòng Trung Quốc và đi ngược lại Hiến Pháp chủ hòa hiện hành.

Ngay cả một thành phần được cho là diều hâu trong nội bộ đảng Dân Chủ Tự Do, trong đó có đối thủ tranh chức thủ tướng Nhật với ông Suga là cựu bộ trưởng Quốc Phòng Shigeru Ishiba, cũng nhận thấy môt mặt trái tiềm tàng của việc mua tên lửa hành trình tầm xa.

Nhân vật này đã đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ yêu cầu Nhật Bản phóng tên lửa trong lúc chúng ta không muốn?”.

Nguồn: RFI/Trọng Nghia

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh