Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Wednesday, May 8, 2024

Độc quyền: 2.3 ngàn tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc đang khiến Hoa Kỳ suy yếu


Một bảng hiệu Wall St được treo tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) tại Wall Street ở Thành phố New York, hôm 23/3/2021. (Ảnh: Angela Weiss/AFP/Getty Images)

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã bơm hơn 2.3 ngàn tỷ USD vào Trung Quốc kể từ năm 1992, theo một tài liệu chưa được công bố của chính phủ Hoa Kỳ theo dõi hơn 180,000 khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các vị thế vốn cổ phần ở Trung Quốc và Hồng Kông. Tài liệu năm 2021 này, do The Epoch Times thu được gần đây, theo dõi hơn 6,000 thể chế và nhà đầu tư tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ. Tài liệu này dựa trên thông tin công khai có sẵn vào tháng 11/2020 được tổng hợp từ các hồ sơ của SEC.

Theo tài liệu này, như là một thước đo tính toán mức độ mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang trợ cấp cho thị trường vốn Trung Quốc với các dòng vốn dollar cũng như đang đóng góp vào sự phát triển của nhà nước Trung Quốc thông qua sự tăng trưởng của doanh nghiệp nội địa, chúng tôi đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các khoản đầu tư mà nhà đầu tư nắm giữ được tổng hợp theo năm. Từ số liệu thống kê này, chúng tôi cũng có thể tính được ra mức độ đại diện tính bằng dollar mà số vốn của nhà đầu tư Hoa Kỳ, bao gồm từ các quỹ hưu trí của chính phủ, bị phụ thuộc vào rủi ro quốc gia (country risk) của Trung Quốc, cũng như mức độ mà các dạng thể chế đầu tư Hoa Kỳ [có tài sản] trùng khớp với tài sản của nhà nước Trung Quốc.”

Theo phân tích tài chính của chính phủ, tổng tài sản Hoa Kỳ nắm giữ tại Trung Quốc từ 6,000 nhà đầu tư hàng đầu là hơn 2.3 ngàn tỷ USD. Khoảng 2 ngàn tỷ USD trong số này được đầu tư vào các tổ chức niêm yết công khai của Trung Quốc, với 276 tỷ USD đầu tư vào các tổ chức thuộc sở hữu tư nhân (không phải lúc nào số liệu cũng khớp nhau do làm tròn số). Hơn 48 tỷ USD trong số các khoản đầu tư này nằm trong các tổ chức thuộc danh sách đen của chính phủ Hoa Kỳ.

Hơn 152 tỷ USD đầu tư của Hoa Kỳ là vào các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Hơn 47.8 tỷ USD đầu tư vào “Các Công ty Quân sự Trung cộng” (CCMC), và hơn 6 tỷ USD có người dùng cuối cùng là quân đội. CCMC là một định danh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Ông Michael Wessel, Ủy viên Ủy ban Đánh giá Kinh tế & An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc, viết trong một email rằng, “Việc Trung Cộng mở cửa thị trường tài chính của họ đã được thiết kế để tiếp thêm sức mạnh cho Đảng và tổ hợp công nghiệp-quân sự của đất nước này, để thực hiện việc giám sát và đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, đồng thời hỗ trợ các chính sách khác trái ngược với các lợi ích an ninh quốc gia và kinh tế cũng như đạo đức của Hoa Kỳ.”

Theo tài liệu, các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc bao gồm 646 tỷ USD vào các công ty có ứng dụng bị cấm, chẳng hạn như Alibaba, Tencent và Ant Group. Các khoản đầu tư khác của Hoa Kỳ vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc bao gồm hơn 220.9 tỷ USD vào trí tuệ nhân tạo, 88.9 tỷ USD vào ngân hàng, 50.4 tỷ USD vào công nghệ sinh học, 44.8 tỷ USD vào các công ty dữ liệu, 42.7 tỷ USD vào viễn thông, 31 tỷ USD vào dược phẩm, 20.8 tỷ USD vào chất bán dẫn, 6.1 tỷ USD trong công nghệ thông tin, 3.8 tỷ USD vào hoạt động giám sát, 1.3 tỷ USD vào công nghệ robot, và 1.2 tỷ USD vào hàng không vũ trụ và quốc phòng.

Nhà đầu tư Kyle Bass viết qua thư điện tử: “Chính phủ Tổng thống Biden phải ngăn chặn lòng tham và tâm lý FOMO [sợ bỏ lỡ] chi phối việc đầu tư vào Trung Quốc ở Wall Street, từ các Quỹ hưu trí của chính phủ, và các trường đại học, đồng thời buộc thoái vốn khỏi một chế độ [Trung Cộng] đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức gắn nhãn là diệt chủng. Chính sự cách biệt này là trung tâm của sự chia rẽ giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Hội đồng An ninh Quốc gia, và các nhà đầu tư thiếu hiểu biết đang theo đuổi đợt chào bán gần đây nhất tại các thị trường ở Trung Quốc.” Trong quá khứ, ông Bass đã bán khống tiền tệ của Trung Quốc và Hồng Kông.

20 nhà đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ tại các công ty Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) được thể hiện trong Bảng 1. Blackrock là nhà đầu tư lớn nhất theo phân tích của chính phủ, bao gồm hơn 155 tỷ USD đầu tư vào hơn 1,500 chứng khoán. JPMorgan Chase & Co. có hơn 140 tỷ USD đầu tư vào các công ty Trung Quốc, và Vanguard Group có hơn 130 tỷ USD đầu tư. Những cái tên quen thuộc khác trong danh sách 20 nhà đầu tư hàng đầu này bao gồm Citigroup, Morgan Stanley và Goldman Sachs.

Bảng 1: 20 nhà đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ ở Trung Quốc và Hồng Kông

“Hoàn toàn không có ý nghĩa gì hết khi đầu tư vào Trung Quốc, nơi không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp thương mại và khu vực quân sự, theo chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của chính phủ, đặc biệt là khi chính phủ đã tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc là đối thủ của chúng ta và có ý định thực hiện hành động quân sự chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta,” theo một nguồn tin từ Hoa Thịnh Đốn. Ông này nói, “Hoàn toàn vô lý khi đầu tư vào một quốc gia nơi thị trường vốn không dựa trên các nguyên tắc căn bản mà hoạt động giống như sòng bạc, và nơi lợi tức từ đầu tư ít hơn lợi tức thu được từ các thị trường Hoa Kỳ trong trung và dài hạn. Chúng ta cần kiểm tra lại xem ai là người dẫn dắt các quyết định đầu tư của chúng ta và những động lực của họ có thể là những gì. Hiệu quả kinh tế và sự bền vững dường như không phải là một phần trong phép tính đối với các nhà đầu tư tổ chức này.”

Ông Christopher Moritz, người từng làm việc tại Thượng Hải cho một ngân hàng đầu tư lớn và hiện đang điều hành một công ty tư vấn đầu tư, đã nêu ra các vấn đề cho thấy xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa một số quan chức ở Hoa Thịnh Đốn. Ông viết qua thư điện tử rằng, “Vị thế của Blackrock trong thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ đơn giản là đáng kinh ngạc, và càng rắc rối hơn vì mối quan hệ sâu sắc của Blackrock với chính phủ TT Biden và Đảng Dân Chủ.”

Ông viết, “Cựu Giám đốc Đầu tư Bền vững Toàn cầu của Blackrock là lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Biden. Cựu Chánh văn phòng của ông Larry Fink, là Thứ trưởng Bộ Tài chính. Cựu chiến lược gia đầu tư toàn cầu của Blackrock là cố vấn kinh tế chính cho bà Kamala Harris. Chưa hết, trong khi ông Larry Fink (giám đốc điều hành) của Blackrock ưu tiên đầu tư theo tiêu chuẩn ESG (viết tắt của Môi trường, Xã hội, Quản trị) và các hoạt động xã hội, thì Blackrock vẫn đầu tư lớn vào các tổ chức bất chính của Trung Quốc bao gồm China Merchant Bank và Hikvision.” Ông Moritz nói rằng cả hai khoản đầu tư này đều nằm trong danh sách đen của chính phủ.

Các nhà đầu tư lớn khác vào chứng khoán Trung Quốc bao gồm các quỹ của chính phủ và quỹ hưu trí, như trong Bảng 2. Các nhà đầu tư lớn nhất trong đó là Bang California, với hơn 8.4 tỷ USD đầu tư, cùng với Alaska Permanent Fund Corp với hơn 2 tỷ USD, và Hệ thống hưu trí giáo viên Texas với hơn 1.1 tỷ USD. Các tiểu bang khác của Hoa Kỳ có các khoản đầu tư lớn vào Trung Quốc, theo thứ tự mức độ, bao gồm New York, New Jersey, Colorado, Wisconsin, Kentucky, Ohio, Pennsylvania, Florida, North Carolina, Utah, Oregon và Illinois.

Bảng 2: Các khoản đầu tư lớn nhất của các Quỹ hưu trí và Quỹ của chính phủ ở Trung Quốc và Hồng Kông

Ông Moritz viết: “CalPERS [quỹ hưu trí tiểu bang California] cho thấy một ví dụ đáng lo ngại khác về việc các tổ chức tài chính Hoa Kỳ và các tổ chức chính phủ thực sự đang bảo lãnh cho tham vọng bá quyền của Trung Quốc từ quỹ tiền lương hưu. Trong số 8.4 tỷ USD vốn đầu tư vào các tổ chức Trung Quốc của Tiểu bang California, hơn 850 triệu USD là vào các Doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các ngân hàng tham gia tài trợ cho chương trình BRI [Sáng kiến ​​Vành đai & Con đường] của Trung Quốc và cả các công ty viễn thông, những tổ chức ở vị trí trung tâm trong hệ thống giám sát của Trung Quốc. Cho đến năm 2019, giám đốc đầu tư của CalPERS là Yu Ben Meng, người trước đó đã giữ chức vụ phó giám đốc đầu tư của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc”.

Ủy viên Wessel viết rằng, “Tốc độ rót vốn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng lên [,] làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc chống lại các mối đe dọa mà các chính sách của Trung Cộng gây ra cho đất nước và các giá trị của chúng ta. Đã đến lúc áp đặt các biện pháp hạn chế toàn diện đối với dòng tiền và kiềm chế các hoạt động vụ lợi của Wall Street, giới đầu tư cổ phần tư nhân và các nhóm lợi ích đầu tư khác.”

Hoa Kỳ đang không bán cho Trung Quốc sợi dây mà họ sẽ dùng để treo chúng ta lên. Chúng ta đang trả tiền cho họ để làm ra nó. Chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả các nhà lãnh đạo quốc hội Hoa Kỳ, lẽ ra từ lâu đã phải ưu tiên chấm dứt bất kỳ khoản đầu tư nào của Hoa Kỳ và của quốc tế vào Trung Quốc, đồng thời thu hồi bất cứ khoản đầu tư nào có thể, bất chấp sự kiểm soát vốn hà khắc của Trung Quốc.

Tại sao các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta vẫn chưa làm như vậy? Có phải họ quá chịu ơn các nhà đầu tư quyền lực nhất của Hoa Kỳ, với các khoản quyên góp cho chiến dịch tranh cử và các hoạt động vận động hành lang hào phóng không? Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ trả cho Wall Street dưới hình thức lợi nhuận, và các nhà đầu tư này sẽ sử dụng lợi nhuận đó để tác động đến chính phủ nhằm làm ngơ trước sự thất thoát tiếp diễn của Hoa Kỳ.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Tập Trung Quyền Lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không Xâm Phạm,” đồng thời đã biên tập cuốn sách “Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn.”

Nguồn: Anders Corr @ ePochTimes
Lưu Đức biên dịch

Tags: ,

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh