Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, May 19, 2024

Trung Quốc lại dùng lời “đường mật” với các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Athen, Hy Lạp hôm 27/10/2021.–

Tại Hội nghị chuyên đề về Hợp tác Hàng hải và Quản trị Đại dương Toàn cầu 2021 đã diễn ra hôm 9/11 theo hình thức trực tuyến tại thành phố Tam Á ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này cam kết hợp tác với các nước ở Biển Đông để mở rộng hợp tác hàng hải, bảo vệ các chuỗi cung ứng hàng hải toàn cầu và đối phó vấn đề biến đổi khí hậu để xây dựng Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.[1]

Phát biểu tại sự kiện thu hút khoảng 800 đại diện đến từ 30 quốc gia và khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng “chúng ta cần ủng hộ chủ nghĩa đa phương để cùng bảo vệ trật tự hàng hải. Những đại dương và lục địa không phải là trò chơi cạnh tranh có tổng bằng không”. Ông Vương Nghị tiếp tục nhấn mạnh:

Chúng ta cần cùng nhau thúc đẩy kết nối hàng hải và tự do thương mại để duy trì sự ổn định của vận tải biển và các chuỗi công nghiệp, đồng thời chúng ta cần phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên biển một cách có trật tự và cùng nhau làm việc để giải quyết những thách thức toàn cầu như tình trạng ấm lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cho rằng không nên lợi dụng các đại dương như một công cụ để tìm kiếm quyền lực toàn cầu đơn phương và “chúng tôi phản đối việc các nước phô trương sức mạnh trên biển, hình thành các bè phái và xâm phạm những quyền lợi hợp pháp của các nước khác để duy trì sự bá chủ hàng hải.”[2]

Lời nói và hành động khác nhau

Tuy nhiên, cũng tại hội nghị nói trên, một số đại diện của các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trong khu vực.

Chúng ta còn nhớ hồi tháng 3 năm nay, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng khi hơn 200 tàu cá Trung Quốc bao vây khu vực Đá Ba Đầu.

Hồi đầu tháng 6, Malaysia đã phải triển khai máy bay chiến đấu khi phát hiện 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc bay gần không phận của Malaysia mà không thông báo trước. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 20/10 phải khẳng định: “Chừng nào Petronas còn làm việc tại Kasawari, chúng tôi có thể khẳng định Trung Quốc sẽ đến thăm khu vực đó thường xuyên hơn. Chúng tôi đã luôn luôn phản đối. Và cũng không thể đếm được số công hàm phản đối mà chúng tôi đã gửi đến Trung Quốc. Song, chúng tôi sẽ kiên định và tiếp tục phản đối thông qua con đường ngoại giao với họ.”[3]

Đầu tháng 9 năm nay, tàu Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc được hộ tống bởi ít nhất sáu tàu quân sự khác, trong đó bao gồm cả tàu khu trục Côn Minh 172, đã xâm phạm trong EEZ của Indonesia.[4]

Philippines mới đây cũng lại phản đối tàu Trung Quốc tái xuất hiện tại khu vực Đá Ba Đầu lần nữa.[5]

Việt Nam mới đây cũng lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi các vùng biển trên, tôn trọng chủ quyền Việt Nam.[6]

Các hành động này của Trung Quốc cho thấy dã tâm thực sự của Trung Quốc đối với biển Đông, “Điều này một lần nữa cho thấy sự dai dẳng của Bắc Kinh trong việc thách thức các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ… cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tham gia một cuộc leo thang song song để gây áp lực buộc các bên tranh chấp khác phải lùi bước.”[7]


Tuần duyên Philippines quan sát các tàu của Trung Quốc tại bãi Sabina ở Biển Đông hôm 5/5/2021. AFP

Ấn Độ phản đối Trung Quốc

Trong khi đó, phát biểu tại GMC – 2021 với chủ đề “An ninh hàng hải và các mối đe dọa phi truyền thống mới nổi”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Kumar đã gửi một thông điệp đến Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông phản đối các âm mưu xâm lược và tuyên bố sẽ ngăn chặn các động thái bành trướng cả trên bộ và trên biển. Ông nhấn mạnh các đại dương tự do, cởi mở là điều quan trọng đối với tất cả các quốc gia để đạt được tăng trưởng cao.

Bộ trưởng Kumar nhấn mạnh một cách toàn diện về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng lãnh thổ ở Ấn Độ Dương: “Khi đề cập đến các mối đe dọa phi truyền thống, chúng ta không thể bỏ qua tác động của việc mở rộng với tốc độ chưa từng có của hải quân thông thường ở Thái Bình Dương. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự tăng cường hiện diện hàng hải nhất định ở khu vực của chúng ta mà không phải lúc nào cũng có vẻ vô tội. Những tác động tiêu cực của hành vi mở rộng như vậy được cảm nhận ngay cả bên ngoài Thái Bình Dương. Dù còn sớm để kết luận, song sự mở rộng như vậy đã kích hoạt những nước khác tìm kiếm các năng lực truyền thống và do đó bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới.”[8]

Trong phát biểu ám chỉ đích danh Trung Quốc – quốc gia được biết là có “tổ chức mafia” đánh cá bất hợp pháp hoạt động khắp thế giới, Bộ trưởng Kumar nêu rõ: “Tôi muốn đặc biệt đề cập đến hoạt động hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU). Điều này làm suy yếu các nỗ lực của quốc gia và khu vực nhằm đạt được mục tiêu bền vững lâu dài và trách nhiệm. Hơn nữa, đánh bắt IUU là bất công rất lớn đối với những bên hành động có trách nhiệm, trung thực và tuân thủ các quy tắc. Đánh bắt IUU, hầu hết từ bên ngoài khu vực của chúng tôi, đang đe dọa đa dạng sinh học biển, an ninh lương thực cho cộng đồng và sinh kế của những người tham gia đánh bắt cá”.

Các quốc gia Đông Nam Á cần thận trọng

Các quốc gia khác như Mỹ và các đồng minh của mình cũng đang tích cực tuần tra tại Biển Đông để kiềm chế tham vọng và đe doạ từ Trung Quốc.

Tháng 10/2021, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ và tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã tiến hành một loạt hoạt động tập trận chung ở Biển Đông. Đây là lần thứ chín trong năm 2021 tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ hiện diện tại khu vực này.

Trong một báo cáo đưa ra hồi tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết Hải quân Trung Quốc đã sở hữu 355 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2020. Báo cáo cũng nhận định rằng Hải quân Trung Quốc đã đặt ưu tiên cao đối với nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của nước này, việc triển khai hoạt động sáu tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, sáu tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 46 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel.[9]

Với sức mạnh và tham vọng độc chiếm Biển Đông như vậy, nếu tin vào những lời “đường mật” của Trung Quốc thì sẽ là “giao trứng cho ác.” Cả bốn quốc gia Đông Nam Á nêu trên đều đang chật vật đối phó với sự đe doạ cùng “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc ngay trên EEZ của mình. Nếu các quốc gia Đông Nam Á này muốn giữ được vùng EEZ của mình, thì cần liên kết với nhau và có giải pháp hữu hiệu trước một Trung Quốc hung hăng và đầy tham lam.

Nguồn: Lê Hoàng Ngọc Quỳnh @ RFA

___________________

Tham khảo:

[1] https://www.globaltimes.cn/page/202111/1238549.shtml

[2] https://www.globaltimes.cn/page/202111/1238549.shtml

[3] https://www.newsnpr.org/malaysia-worries-about-chinas-harassment-of-gas-projects-in-the-south-china-sea/

[4] https://fulcrum.sg/chinas-recent-foray-into-the-north-natuna-sea-is-problematic/

[5] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-protests-beijings-provocative-acts-south-china-sea-2021-10-20/

[6] https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/yeu-cau-trung-quoc-rut-tau-ca-khoi-vung-bien-cua-viet-nam-676440

[7] https://amti.csis.org/contest-at-kasawari-another-malaysian-gas-project-faces-pressure/

[8] https://tfipost.com/2021/11/indias-defence-secretary-sends-a-stern-warning-to-china-over-south-china-sea/

[9] https://media.defense.gov/2021/Nov/03/2002885874/-1/-1/0/2021-CMPR-FINAL.PDF

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh