Emmanuel Macron tái đắc cử tổng thống Pháp, phương Tây thở phào
Posted by Luu HoanPho, Apr 25, 2022, Comments Off
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn mừng tái đắc cử tại Champ de Mars, Paris, Pháp, 24/04/2022. AP – Thibault Camus.–
Giành chiến thắng trước ứng viên cực hữu của đảng Tập Hợp Dân Tộc trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 hôm Chủ nhật 24/04/2022, ông Emmanuel Macron đã tái đắc cử tổng thống Pháp với 58,8% phiếu bầu. Hàng loạt lãnh đạo các nước trên thế giới đã lần lượt gửi những thông điệp chúc mừng ông Macron tái đắc cử tổng thống Pháp và không giấu được tâm trạng thở phào nhẹ nhõm.
Nhiệm kỳ 5 năm vừa qua đối với tổng thống Emmanuel Macron quả thực là đầy khó khăn ở bên trong cũng như bên ngoài nước, liên tiếp phải đối mặt với những khủng hoảng lớn từ phong trào phản kháng xã hội ở trong nước, đại dịch Covid-19 cho đến chiến tranh ở Ukraina. Trên cương vị lãnh đạo một cường quốc, rồi đến vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, ông Macron đã tỏ ra năng động và để lại những dấu ấn trong các hồ sơ quốc tế lớn, tạo được uy tín nhất định trong các đồng minh phương Tây.
Tuy nhiên đó chưa hẳn là lý do ông Macron từ hôm qua nhận được những lời chúc mừng thắng cử đôi khi vượt qua cả những dè dặt ngoại giao.
Cặp song đấu lịch sử
Đây là kỳ bầu cử tổng thống thứ 2 ứng viên Emmanuel Macron đối mặt với đối thủ cực hữu Marine Le Pen. Nhưng lần này cuộc đối đầu diễn ra bối cảnh khác nhiều ở trong nước cũng như quốc tế. Cho đến sát ngày bầu cử vòng 2 chưa bao giờ phe cực hữu lại cảm thấy chiến thắng đến gần như lần vậy. Cũng là chưa bao giờ kỳ bầu cử tổng thống Pháp lại mang những thách thức quốc tế lớn như bây giờ, đặc biệt là với Liên Hiệp Châu Âu, với những đồng minh trụ cột trong phương Tây như Anh và Mỹ.
Những ngày cuối cùng của cuộc đua giữa Macron và Le Pen, hôm thứ Năm tuần qua, trên mục diễn đàn của nhật báo Le Monde, lãnh đạo của chính phủ Đức Olaf Scholz, của Tây Ban Nha Pedro Sanchez và của Bồ Đào Nha Antonio Costa đã ngầm kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron, một « ứng viên dân chủ » đối phó với « cực hữu ». Một điều chưa hề có tiền lệ khi các lãnh đạo chính trị ở châu Âu lại tỏ quan điểm ủng hộ, dù là ngầm ý, đối với một ứng viên tổng thống không cùng xu hướng chính trị với mình và ở một nước khác.
Vì sao kỳ bầu cử tổng thống Pháp 2022 lại thu hút sự quan tâm của cả thế giới phương Tây ? Lo sợ trào lưu cực hữu thắng thế, hay lo ngại đoàn kết phương Tây bị phá vỡ giữa lúc đang phải đau đầu đối phó với Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraina ? Để tìm hiểu thêm, RFI tiếng Việt có cuộc trao đổi với một hai nhà quan sát chính trị ở Anh và Hoa Kỳ.
Trước hết đến với nước Mỹ, nhà báo Phạm Trần tại Washington giải thích lý do ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ cũng nín thở theo dõi cuộc bầu cử tổng thống của Pháp :
« Điều đầu tiên là tất cả các báo chí, các hãng thông tấn, các đài truyền hình của Hoa kỳ đã theo dõi rất sát cuộc bầu cử ở tại Pháp. Lý do theo dõi sát là bởi vì ứng cử viên cực hữu, bà Marine Le Pen có lập trường thân Nga, tức là thân tổng thống Putin.
Thứ hai nữa là cái lập trường của bà đối với Âu châu cũng như đối với sự đoàn kết của khối NATO, lãnh đạo bởi Hoa Kỳ, có những điều làm cho người Mỹ lo ngại. Nếu mà bà ấy đắc cử, người ta sợ rằng chính sách của nước Pháp đối với Liên Hiệp Châu Âu, với NATO và đặc biệt là với Hoa Kỳ sẽ thay đổi… Đối với chính quyền Mỹ việc ông Macron đắc cử được coi như sự thắng lợi của khối dân chủ nói chung của thế giới, coi như nền dân chủ của nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung đã thắng.
Do vậy, chính quyền Hoa Kỳ, có thể nói là thoải mái và thở phào khi mà thất bà Le pen bị đánh bại. Mối đe dọa thay đổi chính sách nếu bà Le Pen thắng cử đã qua đi. Chính quyền của tổng thống Biden rất thỏa mãn với việc tổng thống Macron thắng cử ».
Trở lại với nước láng giềng của Pháp bên kia bờ biển Manche. Ông Hoàng Đức Thắng một luật gia ở Luân Đôn cho biết, đa phần dư luận chính giới, đặc biệt là chính phủ Anh cũng có chung tâm trạng : Như trút được căng thẳng khi điều tồi tệ nhất đã không xảy ra !
« Sau khi tổng thống Pháp mới đắc cử thì một trong những nguyên thủ đầu tiên gọi điện chúc mừng là ông Boris Jhonson, thủ tướng Anh… việc đó cho thấy rằng chính phủ Anh và chính giới của Anh nói chung rất quan tâm đến sự kiện này, theo hai hướng.Hướng thứ nhất là quan hệ giữa anh và Pháp, với tính chất là một đầu cầu cả về địa lý, chính trị và thương mại giữa Vương Quốc Anh với Châu Âu lục địa.
Hướng thứ 2 là xét đến lợi ích gắn bó mà hai nước đang chia sẻ hiện nay. Việc tổng thống Pháp tái đắc cử có thể nói chính giới Anh cũng thở phào. Bởi vì trong con mắt của họ chính sách kinh tế của tổng thống Pháp, nó định hình một cách rõ ràng hơn so với những bất định nếu mà bà Le Pen lên nắm quyền. Nhưng một phần khác của chính giới Anh cũng có kỳ vọng nếu bà Le Pen lên nắm quyền cũng có thể xoay theo cái chiều hướng có thể phục vụ tốt hơn lợi ích của Anh.
Tuy nhiên phía ủng hộ tính chất có thể đoán định được, tính chất chắc chắn và ổ định trong quan hệ của Anh-Pháp vẫn có chiều hướng thắng thế hơn… »
Ở một khía cạnh khác, cuộc chiến tranh do Nga phát động ở Ukraina đã nhanh chóng trở thành một yếu tố quan trọng để các nước đồng minh của quan tâm với phấp phỏng lo âu đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp như vậy. Và đây lại sẽ là thách thức lớn cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông Macron vì các đồng minh của Pháp đang nhìn vào vị tổng thống vừa tái đắc cử bằng những kỳ vọng không hề nhỏ. Những khó khăn nhất vẫn đang ở phía trước tổng thống mới đắc cử của Pháp.
Nguồn: RFI/Anh Vũ