Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, May 19, 2024

Cảng Odessa, nút thắt lương thực của thế giới


Tàu chở hàng tại cảng Odessa, Ukraina. Ảnh chụp tháng 11/2016. REUTERS – Valentyn Ogirenko.–

Anh Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ rồi Pháp đề nghị « giải tỏa » Hắc Hải, bảo đảm một « hành lang an toàn » trên biển « giải cứu » 25 triệu tấn nông phẩm bị kẹt ở các hải cảng Ukraina. Mọi chú ý hướng về Odessa, « nút thắt » lương thực đe dọa đẩy một phần nhân loại vào vào cảnh đói kém.

Đâu là tầm mức « chiến lược » của hải cảng Odessa và liệu có hy vọng cửa ngõ này sớm được « giải phóng » ? Trước mắt, dưới tác động của chiến tranh, cảng Odessa trở thành « tâm điểm của một cuộc khủng hoảng lương thực được báo trước ».

Cho đến ngày 24/02/2022 thời điểm Kremlin khởi động chiến tranh, Ukraina là nguồn xuất khẩu lúa mì thứ ba của thế giới, bảo đảm 50 % ngũ cốc và dầu ép từ hoa hướng dương cho nhân loại.

Thế chiến lược của Odessa

Ukraina hiện quản lý 13 hải cảng (không kể 4 cảng trên bán đảo Cirimée đã bị Nga thôn tính từ 2014), lớn nhất trong số đó là cảng Odessa. Đây là cổng vào của 67 % hàng nhập khẩu vào Ukraina và là cửa ngõ đưa 65 % hàng xuất khẩu của Ukraina ra thế giới bên ngoài.

Khoảng 80 % xuất khẩu lương thực của Ukraina được vận chuyển bằng đường biển. Trung bình mỗi năm khoảng 50 triệu tấn lương thực của Ukraina đi qua các hải cảng này trước khi đến tay các nhà tiêu thụ Trung Quốc, Bắc Phi và các nước trong vùng Trung Đông. Ukraina xuất khẩu 12 % khối lượng ngũ cốc tiêu thụ trên thế giới, 50 %  dầu ép từ hoa hướng dương trên toàn cầu.

Odessa là một thành phố với đời sống yên bình và trù phú với một trong những cảng nhộn nhịp nhất ở Biển Đen. Ga xe lửa của thành phố Odessa cũng là một mắt xích quan trọng không kém của dây chuyền vận chuyển để lúa mì, ngũ cốc, bắp, hay hạt hướng dương từ những vựa lúa Ukraina đến Odessa trước khi những « kho lương thực lưu động » ra khơi. Ngoài nông phẩm, cảng Odessa còn là cửa ngõ xuất khẩu khoáng sản và công nghiệp của Ukraina, một quốc gia mà kim ngạch mậu dịch đem về đến gần 40 % GDP theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới trong báo cáo 2020.

Nhưng đến tháng 2/2022, việc tổng thống Vladimir Putin mở « chiến dịch quân sự đặc biệt giải phóng Ukraina khỏi ách quốc xã », như từ ngữ được Kremlin sử dụng để biện minh cho việc đưa quân xâm chiếm nước láng giềng, đã làm thay đổi cục diện của Odessa.

Hải quân Nga « khóa » các tuyến đường hàng hải ở Biển Đen. Không chỉ Odessa mà cả Mykolaiv và Kherson cũng trong tình trạng « bế quan tỏa cảng ». Tình hình có nguy cơ xấu đi thêm sau tiết lộ của bộ Quốc Phòng Anh hôm 06/06/2022, theo đó Matxcơva đã « triển khai hệ thống tên lửa phòng không » ở Đảo Rắn. Đây là một hòn đảo nhỏ 170 mét vuông, ở khu vực tây bắc Biển Đen, nhưng lại là một địa điểm then chốt « kiểm soát tuyến đường dẫn thẳng vào cảng Odessa ».

Thách thức an ninh

Thách thức thứ nhì đối với thành phố cảng này liên quan đến vấn đề an ninh. Hải quân Nga cũng như Ukraina đều đã gài mìn trong khu vực. Hôm 03/03/2022 một chiếc tàu của Estonia chìm tại Hắc Hải do trúng mìn, trước đó một chiếc tàu khác của Bangladesh trong khu vực bị trúng tên lửa khi còn cách cảng Odessa khoảng 110 cây số.

Chiến sự « giam » 25 triệu tấn nông phẩm Ukraina tại các tháp kho chứa ngũ cốc, lúa mì … Giám đốc điều hành cảng Odessa Dmytor Barynov giải thích với báo Pháp Le Figaro: « Lúa mì giữ được khoảng sáu tháng, một số mặt hàng khác, thời gian bảo quản đôi khi lâu hơn, hay không lâu bằng. Điều chắc chắn là nếu tình hình không thay đổi, sẽ phải đổ đi hàng chục triệu tấn các loại hạt ». Đây sẽ là « một thảm họa gây ra nạn đói tại nhiều quốc gia, làm xáo trộn thị trường thế giới, đẩy giá nông phẩm lên cao, ảnh hưởng đến nông gia Ukraina ». Nhưng đối với ban quản lý cảng Odessa, chỉ nội việc « vất rác » nếu như hàng chục triệu tấn nông phẩm đang được giữ ở cảng này bị hư hại cũng đủ là « một cơn ác mộng ». Huy động nhân viên và phương tiện tài chính để « vất rác » không là chuyện dễ làm.

Một giải pháp khác đã được tính đến để tháo gỡ « bế tắc » trên biển : đưa nông phẩm Ukraina ra thế giới bằng được bộ.

Đây là một giải pháp đã được tính đến, nhưng là một « ngõ thoát hiểm vô cùng tốn kém » mà hiệu quả lại không nhiều. Giám đốc cảng Odessa Barynov giải thích : trung bình mỗi ngày có khoảng từ 5 đến 6 tấn nông phẩm xuất khẩu đi qua Odessa. Khi cảng này bị phong tỏa, Ukraina đã huy động các tuyến đường xe lửa và xe tải thay thế, nhưng dù hoạt động tối đa và phải vượt qua nhiều thách thức về kỹ thuật, về hậu cần, họ cũng chỉ đủ sức để xuất khẩu từ 1 đến 2 tấn thực phẩm mỗi ngày. Khối lượng đó chỉ bằng 20 – 25 % nếu các nhà xuất khẩu của Ukraina mất các tuyến đường biển. Tình hình càng đáng báo động hơn nữa trong bối cảnh chiến tranh : cả tháng 5/2022 vỏn vẹn 1,5 tấn nông phẩm Ukraina được xuất khẩu.

Trong mắt Alexandre Lissitsa, chủ tịch hiệp hội Ukrainian Agrobusiness, tình trạng cảng Odessa bị phong tỏa là « một tai họa được báo trước » đối với Ukraina, một quốc gia mà nông phẩm chiếm 40 % tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về câu hỏi có dễ để « giải phóng » Odessa và hải cảng mang tính sống còn với cả Ukraina và một phần nhân loại hay không, câu trả lời trước mắt là không.

Từ đầu xung đột, Odessa đã nhiều lần là mục tiêu tấn công của quân Nga. Đợt pháo kích gần đây nhất gây thiệt hại nhân mạng cho thường dân là hồi đầu tháng 5/2022. Toàn bộ các hoạt động kinh tế của thành phố từ các sinh hoạt mua bán đến du lịch … bị tác hại.

Do vị trí then chốt của cảng Odessa trên bàn cờ lương thực thế giới, từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraina, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi « tháo gỡ nút thắt lương thực này » và đề nghị gánh lấy trách nhiệm « bảo đảm một hành lang an toàn » cho nông phẩm Ukraina, xua tan đe dọa nạn đòi hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới. Nước đầu tiên xung phong nhân lấy trách nhiệm bảo đảm an ninh cho khu vực là Anh Quốc, nhưng rồi Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp, thậm chí mời ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đến Ankara để thảo luận về một giải pháp chấm dứt khủng hoảng lương thực. Kết quả không đi đến đâu, cho dù ngay cả Matxcơva cũng tỏ ra đồng lòng để cứu một phần nhân loại khỏi nạn đói. Mới đây nhất, đến lượt Pháp đề nghị đảm nhiệm vai trò bảo đảm an ninh cho Hắc Hải và hành làng ra vào cảng Odessa.

Trên thực tế mọi chuyện không đơn giản. Nhà nghiên cứu Jean Sylvestre Mongrenier, viện Thomas More, trụ sở tại Bruxelles và Paris, chuyên về lĩnh vực địa chính trị và quốc phòng Châu Âu, giải thích : « Khó có thể tính đến khả năng giải tỏa cảng Odessa, bởi đây là một phần trong chiến thuật quân sự của Nga » và Matxcơva « đòi cộng đồng quốc tế dỡ bỏ hết các biện pháp cấm vận đang bóp nghẹt kinh tế Nga » thì Kremlin mới đồng ý « ngưng bế quan tỏa cảng » Odessa.

Kiev thì có một mối lo ngại khác: dỡ bỏ mìn ở Biển Đen có nghĩa là « mở rộng cửa cho tàu chiến của Hải Quân Nga » vào Odessa, đưa quân đổ bổ tấn công thành phố. Đó là « giấc mơ của Matxcơva » như phát ngôn viên khu vực này, ông Serguei Bratchouk ghi nhận.

Nhìn từ phía Nga, cô lập cảng Odessa là một nước cờ « một công đôi việc ». Một mặt là làm suy yếu Ukraina và bắt chẹt thế giới phải đàm phán với Vladimir Putin. Mặt khác, thế giới mà mất nguồn cung cấp của Ukraina thì lại càng có lợi cho các nhà sản xuất của Nga. Trong một năm, xuất khẩu lúa mì của Nga tăng 70 %. Thêm một cơ hội để Matxcơva dùng lúa mì, ngũ cốc như một loại vũ khí.

Nguồn: RFI/Thanh Hà

Tags: , ,

More Stories From Thế Giới

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh