Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Saturday, November 23, 2024

Thiếu tướng ĐỖ KẾ GIAI: Những ngày 30-4-1975


Vào ngày đầu năm tôi thường điện thoại thăm hỏi quý tướng lãnh, niên trưởng, ân nhân, bằng hữu v.v…, trong số các vị tướng lãnh có Thiếu tướng Đỗ Kế Giai. Ông xuất thân khóa 5 Võ Bị Đà Lạt (ra trường tháng 4/1952), về phục vụ Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đóng ở Hà Nội. Năm 1954, tôi đáo nhậm Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù tại Đồng Đế Nha Trang, ông đã là Trung uý, giữ chức vụ “Oficial Adjoint” cho Thiếu tá Mollo là Tiểu đoàn trưởng. Chức vụ của Trung úy Giai tương tự như Sĩ quan Hành quân Tiểu đoàn thời sau nầy. Mối liên hệ giữa ông với tôi bắt đầu từ đó. Năm nay, ngoài việc thăm hỏi thường lệ, mục đích chính của bài viết xoay quanh câu chuyện Biệt Động Quân vào những ngày cuối 30-4-1975.

Sau đây là phần phỏng vấn:

Phạm Huy Sảnh: Xin niên trưởng cho biết về nhiệm vụ và phối trí lực lượng Biệt Động Quân trong những ngày chót quanh Thủ đô.

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Vào những ngày tháng cuối truớc khi mất Nam Việt Nam, tôi là Tư Lệnh Lực Lượng Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dưới quyền có 2 Sư Đoàn: Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân do Đại tá Nguyễn Văn Lộc chỉ huy trách nhiệm bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô. Bộ Tư Lệnh Hành Quân và Pháo Binh cơ hữu đặt tại trường đua Phú Thọ. Vào thời điểm nầy, tổ chức của mỗi Sư Đoàn Biệt Động Quân gồm 3 Liên Đoàn, mỗi Liên Đoàn ngoài 3 Tiểu đoàn tác chiến và 1 Đại đội Trinh Sát, còn có một Pháo đội (6 khẩu) 105 ly cơ hữu. Sư Đoàn thứ hai là Sư Đoàn 101 Biệt Động Quân do Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn chỉ huy, nhiệm vụ tổng trừ bị, án ngữ phía Bắc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sư Đoàn thứ 3 đang hình thành mới được hai Liên Đoàn đóng tại căn cứ Long Bình.

Phạm Huy Sảnh: Tinh thần quân sĩ Biệt Động Quân lúc đó ra sao?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Trong suốt nhiều tuần lễ trước 30-4-1975, tôi liên tục đi thăm các đơn vị trực thuộc. Tại mọi nơi tôi đều ra lệnh lực lượng Biệt Động Quân tử thủ bảo vệ Sài Gòn theo lệnh của cấp trên. Tinh thần chiến đấu của anh em Biệt Động Quân rất cao, cũng như đạn dược và tiếp vận đầy đủ. Sau ngày ông Thiệu và ông Khiêm rời khỏi nước cùng với việc người Mỹ di tản nhân viên Việt Nam của họ và gia đình khỏi Sài Gòn thì tình hình tại Thủ Đô lúc này trở nên xáo trộn. Dân chúng, cán bộ chính quyền hoang mang sợ hãi. Những tin tức thất thiệt bất lợi cho VNCH ảnh hưởng tai hại đến số quân nhân và gia đình tại Sài Gòn. Trước hoàn cảnh bi đát đó, cảm thông những lo âu của thuộc cấp, tôi cho lệnh tập họp các quân nhân mọi cấp tại Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân, lúc đó đóng tại Sài Gòn và ra lệnh: (nguyên văn) “Trên cương vị là Tư lệnh Biệt Động Quân, tôi tuyệt đối tuân hành lệnh của thượng cấp nghĩa là Biệt Động Quân chúng ta quyết tâm bảo vệ Thủ Đô và dân chúng Sài Gòn. Tuy nhiên vì tình hình ở ngoài dân chúng quá sợ hãi, ảnh hưởng đến gia đình quân nhân. Truớc tình huống này ai muốn đi (đi Mỹ) và đi được thì cứ đi, nhưng nhớ rằng tôi không thể ra lệnh cho các anh bỏ đơn vị. Tôi chấp nhận làm ngơ coi như không biết những quân nhân và gia đình muốn rời khỏi VN.” Sau lệnh đó, tại Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân chỉ có 1 sĩ quan là Thiếu tá Tạ Thái Hòa, Chánh Văn Phòng của tôi đem gia đình đi Mỹ, còn tất cả quý vị khác từ. Tư Lệnh Phó, Tham Mưu Trưởng đến các Trưởng Phòng đều ở lại cho đến ngày 1-5-1975, bàn giao cho phía bên kia. (Nhân chứng: Trung tá Hoàng Ngọc Liên, Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị, và Thiếu tá Tạ Thái Hòa hiện đang ở Hoa Kỳ).

Phạm Huy Sảnh: Xin cho biết về sự liên lạc giữa Biệt Động Quân và Bộ Tổng Tham Mưu hay ở cấp cao hơn mà Thiếu tướng gọi là “thượng cấp”?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Tại Bộ Tổng Tham Mưu, Trung tướng Vĩnh Lộc là Tổng Tham Mưu Trưởng trong những ngày cuối. Hàng ngày tôi vẫn vào Bộ Tổng Tham Mưu gặp Trung tướng Vĩnh Lộc để thảo luận về tình hình và nhận lệnh. Trước ngày 30-4, có một bữa tôi gặp Đạ i tá Trần Văn Thăng, nguyên Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội. Ông hỏi tôi: “Tình hình nầy, Thiếu tướng đi hay ở?” Tôi trả lời: “Đi đâu? Tôi ở lại chiến đấu với anh em chứ!” Sáng ngày 30-4, tôi đến Bộ Tổng Tham Mưu lại gặp Đại tá Trần Văn Thăng đang đứng trực cổng, tổ chức bố phòng. Tôi dừng xe lại hỏi: “Đại tá Thăng đang làm gì đây?” Ông cho biết ông trách nhiệm phòng thủ bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu. Ông nói: “Tôi có lực lượng Lôi Hổ. Hôm trước tôi nghe Thiếu tướng sẽ ở lại chiến đấu với anh em. Thú thật tôi không tin nhưng hôm nay còn gặp Thiếu tướng tại đây, tôi mới tin!” Tạm biệt Đại tá Thăng, tôi vào gặp Trung tướng Vĩnh Lộc. Tôi thấy ông đang trò chuyện với Trung tướng Trần Văn Trung ở cầu thang. Tôi hỏi ông có lệnh gì cho Biệt Động Quân không? Ông trả lời: “Không có gì mới cả, anh về lo đơn vị đi!” Trên đường về đơ n vị, tôi đi một vòng quan sát tình hình thành phố Sài Gòn. Về đến Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân vào lúc 10 giờ sáng. Khoảng 10 phút sau, Sĩ quan Tuỳ Viên báo có điện thoại của ông Vũ Văn Mẫu. Ông Mẫu bảo tôi mở radio nghe Trung tướ ng Dương Văn Minh nói chuyện. Tôi mở máy. Lời hiệu triệu của ông Minh dài. Tóm tắt, tôi chỉ nhớ 3 điều liên hệ đến tôi và Biệt Động Quân:

Các đơn vị ở đâu ở đó.
Buông súng.
Chờ phía bên kia đến để bàn giao.

Độ 10 phút sau, lại có điện thoại của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh từ Dinh Độc Lập. Ông Hạnh nói Tổng Thống nhắc lại: Lệnh của Tổng Thống là các đơn vị ở đâu ở đó, buông súng không chiến đấu và đợi phía “cách mạng” đến để bàn giao. Tôi dằn giọng trả lời: “Tôi biết” và cúp máy! Khoảng 1 giờ sau, tôi lại được báo điện thoại của ông Vũ Văn Mẫu gọi. Trên đầu giây, ông Mẫu bảo tôi là lệnh của Tổng thống, tôi lên ngay Bộ Tổng Tham Mưu thay thế Trung tướng Vĩnh Lộc để bàn giao cho phía bên kia. Tôi trả lời ông Mẫu, tôi không thi hành lệnh này và nhờ ông Mẫu trình với Tướng Dươ ng Văn Minh, đây là lần đầu tiên tôi không thi hành lệnh của thượng cấp! Và nếu tôi biết trước rằng quý vị sẽ hành động như ngày hôm nay mà quý vị vừa ra lệnh cho tôi thì … (!!!!) Ông tiếp, tuy nhân chứng Vũ Văn Mẫu đã qua đời nhưng còn các sĩ quan khác của tôi đang có mặt tại Hoa Kỳ đã chứng kiến cuộc điện đàm của tôi và ông Mẫu vào hôm 30-4-1975 lúc 12giờ 30.

Phạm Huy Sảnh: Trong bữa cơm họp mặt các chiến hữu tại Seattle, tôi có dịp tiếp xúc với cựu Đại uý Lê Văn Khởi, nguyên Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân từ Pleiku rút về Dục Mỹ rồi trạm chót là căn cứ Long Bình để bổ sung quân số. Anh cho biết vào ngày 26 hay 27-4-1975, Thiếu tuớng có lên thăm đơn vị anh tại Long Bình. Trước hàng quân, Thiếu tướng đã ra lệnh Biệt Động Quân sẽ ở lại tử thủ bảo vệ Thủ Đô. Cựu Đại úy Khởi thắc mắc rằng khi thi hành lệnh đó, Thiếu tướng có biết rằng ông Dương Văn Minh sẽ đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Như đã nói ở phần trên về việc tôi ra lệnh lực lượng Biệt Động Quân tử thủ bảo vệ Thủ Đô, tôi xác nhận là đúng. Tôi không hề hay biết trực tiếp hay gián tiếp rằng ông Dương Văn Minh sẽ đầu hàng Cộng Sản cho đến khi ông ta đọc lệnh trên đài phát thanh vào sáng ngày 30-4-1975. Tôi là một sĩ quan gốc nhảy dù, một tướng lãnh. Truyền thống của Quân Lực là thi hành lệnh tuyệt đối. Trong tinh thần đó, tôi ra lệnh cho Biệt Động Quân phải tử thủ để chu toàn trách nhiệm. Riêng cá nhân tôi cùng các vị Tư Lệnh Sư Đoàn 106, Sư Đoàn 101, các Liên Đoàn Trưởng, các cán bộ chỉ huy, các đơn vị tác chiến cũng như những sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân đều đã ở lại cho đến phút chót. Những điều tôi yêu cầu các chiến hữu Biệt Động Quân phải làm, cá nhân tôi cũng thực thi đúng như vậy. Cho nên sau này gặp lại các đồng đội trong trại tù Cộng Sản tôi không hổ thẹn với lương tâm.

Phạm Huy Sảnh: Thiếu tướng trình diện hay bị Cộng Sản đến nhà bắt và kể từ lúc nào?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Sáng ngày 1-5-1975, sau khi bàn giao Biệt Động Quân cho cộng sản xong, tôi vào phòng riêng thay quần áo dân sự, đang tính đi bộ về nhà thì họ nói để họ lấy xe đưa về. Ngày 15-5-1975, đột nhiên, CS đem xe đến nhà mời tôi đi đến Quận 11 rồi sau đó chở thẳng vào khám Chí Hòa. Tôi chính thức bị nhốt từ ngày đó cho đến ngày 5-5-1992 được thả ra, thiếu 10 ngày thì đủ 17 năm tức là 6095 ngày tôi ở tù Cộng Sản.

Phạm Huy Sảnh: Là một tướng lãnh, đương nhiên Thiếu tướng có những liên hệ mật thiết với các giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn khi đó. Vậy có giới chức Hoa Kỳ nào tiếp xúc đề nghị Thiếu tướng rời khỏi VN?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Có, Tướng Times của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, liên tiếp vào các ngày 28 và 29 tháng 4-1975 đến gặp tôi và hỏi nếu tôi và gia đình muốn đi Mỹ, ông ta sẵn sàng giúp đỡ lo liệu. Cả hai lần tôi đều cám ơn Tướng Times và từ khước đề nghị đó. Nại cớ tôi còn trách nhiệm, tôi còn quân sĩ, tôi không thể ra đi trong hoàn cảnh nầy được. Tướng Times hiện còn sống tại Hoa Kỳ, anh có thể phối kiểm điều đó.

Phạm Huy Sảnh: Hôm nay, cảm nghĩ của Thiếu tướng về những ngày tháng cũ?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Bởi những lý do trên, tôi tự nhận đã làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một Tướng Lãnh đối với đồng đội, với Tổ Quốc khi tại ngũ. Và suốt gần 17 năm tù đày, trước mặt kẻ thù trong mọi hoàn cảnh tôi luôn cố gắng gìn giữ tác phong để bảo vệ Danh Dự của Quân Lực. – Đối với người Cộng Sản, dù họ không thích tôi nhưng họ không thể khinh tôi! Những người Cộng Sản bắt giữ tôi vẫn còn đó.

Phạm Huy Sảnh: Có phải Thiếu tướng là một trong những tướng lãnh được Cộng Sản thả vào đợt cuối cùng?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Đúng. Trong đợt chót, chúng tôi gồm 4 người còn lại tôi, Đỗ Kế Giai, Thiếu tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Văn Thân, Thiếu tướng Lê Minh Đảo. Thật ra đây là 100 nguời chót CSVN không muốn thả ra vì chúng chủ trương nhốt cho đến chết. Chúng tôi không hy vọng gì được về vào thời điểm đó. Nhưng cũng nhờ sự tranh đấu, đòi hỏi của quý chiến hữu, đoàn thể chính trị, đồng hương tại hải ngoại đã tạo thành áp lực để CSVN phải thả gấp rút hơn. Tuy nhiên việc thả 100 người vừa kể, CS cũng chia làm 8 đợt và 4 người chúng tôi là đợt cuối cùng. Tôi còn nhớ, hôm đó tại trại Hàm Tân, cán bộ nhà tù nói quý vị chuẩn bị chuyển trại, 30 phút nữa sẽ đi. Nhưng sau đó họ cho biết là 4 người chúng tôi sẽ được thả về và xe sẽ đến đưa từng người về nhà. Trong lúc đợi xe đế n, anh em bàn với nhau, đề nghị tôi lớn tuổi nhất sẽ được đưa về trước, kế đến là Thiếu tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Văn Thân, chót hết là Thiếu tướng Lê Minh Đảo là người nhỏ tuổi nhất. Anh em đồng ý. Nhưng khi xe của Cộng Sản đưa về thì họ lại làm nguợc lại, có nghĩa là họ đưa tướng Đảo về trước, cuối cùng là tôi.

Phạm Huy Sảnh: Thiếu tướng và gia đình đến Mỹ năm nào?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Tôi và nhà tôi cùng 6 cháu đến Mỹ ngày 26-10-1993, hiện định cư tại thành phố Garland, TX.

Phạm Huy Sảnh: Thiếu tướng nghĩ thế nào về những người đi trước?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Tôi quyết định ở lại vì tôi cho là hành động như vậy là đúng. Nhưng không phải vì vậy mà tôi công kích những người ra đi năm 1975. Bởi vì trường hợp mất Nam Việt Nam thật đặc biệt, không thể qui trách cho những người cầm súng giữ nước. Các Đơn Vị Quân Đội vẫn hiên ngang chiến đấu, chúng ta không hề bỏ chạy trước Cộng Quân. Quân Đội phải buông súng vì lệnh đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Do đó, nếu quí vị có ở lại thì trước sau cũng vô tù Cộng Sản như tụi tôi. Hơn nữa nhờ có một số chiến hữu thoát được ra hải ngoại nên về mặt chính trị mới có cơ hội tranh đấu cho quyền lợi của những người còn kẹt lại. Về mặt kinh tế, đi trước xây dựng được cuộc sống ổn định sau này có thể tương trợ lẫn nhau. Bây giờ không nên bàn về vấn đề trước, sau, mà mọi người phải cùng chung lưng gầy dựng một lực lượng vững mạnh cả chính trị và kinh tế nơi thế hệ tương lai của người Việt tại hải ngoại.

Phạm Huy Sảnh: Qua cuộc đối thoại, tôi thấy Thiếu tướng có một trí nhớ đặc biệt. Thiếu tướng có định viết hồi ký?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Không! Tôi dứt khoát là không. Vài năm trước đây và ngay bây giờ, có nhiều nhà xuất bản Mỹ và Việt đề nghị tôi viết hồi ký và họ sẽ giúp xuất bản. Tôi trả lời là đối với tôi điều nầy khó quá. Bởi nếu đã viết, thì phải nói hết, nói thật, mọi sự việc mà tôi nghe, tôi biết, tôi thấy. Như vậy e rằng sẽ làm mất lòng nhiều người. Hơn nữa, vấn đề nầy tôi xin bày tỏ quan niệm tôi qua hai câu của người xưa:

BẠI BINH CHI TƯỚNG, BẤT KHẢ NGÔN DŨNG
VONG QUỐC CHI ĐẠI PHU, BẤT KHẢ NGÔN TRÍ.
(Tướng bại trận không thể nói mạnh.
Quan mất nước, không thể nói hay)

Phạm Huy Sảnh: Cám ơn Thiếu tướng đã dành gần 3 giờ đồng hồ điện đàm trong ngày đầu năm.

Seattle ngày 1 tháng 1 năm 2004

(Bài đăng trên bietdongquoc.com)

 

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh