Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, April 28, 2024

Sự kiện 17.02: khi nhà nước làm nên những ‘đôi mắt hình viên đạn’


Sau khi ‘xả van nén’ về sự kiện 17.02 trên báo chí, nhà nước Việt Nam đã thực hiện những hành vi kỳ quặc, gây phẫn nộ không chỉ giới hoạt động xã hội mà ngay cả những người bình thường nhất.

Những con mắt hình viên đạn

Sau khi ‘xả van nén’ về sự kiện 17.02 trên báo chí, nhà nước Việt Nam đã thực hiện những hành vi kỳ quặc, gây phẫn nộ không chỉ giới hoạt động xã hội mà ngay cả những người bình thường nhất.

Dễ dàng thấy là thái độ hoan hỉ của không ít người khi cuộc chiến Biên giới phía Bắc (hay cuộc chiến tự vệ trước bọn bành trướng và phản động Trung Quốc) năm 1979 được đề cập công khai và rầm rộ trên các trang thông tin đại chúng do nhà nước quản lý. Nhưng niềm vui này sớm qua đi, thay vào đó là sự phẫn nộ.

An ninh được triển khai bám sát những nhà hoạt động khi họ tiến hành hoạt động tưởng niệm tại tượng Lý Thái Tổ (Hà Nội), Trần Hưng Đạo (Tp. HCM) và cao điểm tại khu biên giới phía Bắc. Giải thích cho vấn đề này được giới an ninh diễn tả là ‘khu vực nhạy cảm, vấn đề an ninh trật tự, và ngoại giao’.

Một chương trình VTV1 về 40 năm cuộc chiến biên giới thay vì gọi tên Trung Quốc xâm lược, thì lại sử dụng bằng cụm từ ‘đối phương từ bên kia biên giới’.

Một loạt các hành vi phản cảm được triển khai trước và trong ngày 17.02, với lớp khiêu vũ khai giảng tại tượng đài Lý Thái Tổ (Tp. Hà Nội) và xe rác được tập trung, cũng như cẩu được huy động để bốc dỡ lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo (Tp. HCM). Tại nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), giới an ninh đã gây khó dễ cho những người mặc áo No-U (áo phản đối sự áp đặt chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại vùng biển Đông).

Hàng loạt các hoạt động được triển khai dưới lớp bọc ‘giữ gìn an ninh trật tự’, nhưng gây phẫn nộ nhất là việc tiến hành cẩu lư hương tại tượng Đức Trần Hưng Đạo. Nhiều quan điểm chống chế cho rằng, đây chỉ là phần giai đoạn trong tu sửa và tôn tạo tượng đài mà kiến nghị này đã có từ năm 2018. Tuy nhiên, tại sao lại tiến hành nhạy cảm trong những ngày cận sự kiện 17.02 đến thế, nếu như mục đích và ý đồ không nhằm là ngặn chặn sự tụ tập và tưởng niệm của người dân?. Sự kiềm cặp cũng như trao đổi giữa viên an ninh với một số nhà hoạt động, trí thức ở Tp. HCM cũng đã cho thấy rằng, nhạy cảm chính trị và vấn đề ngoại giao cao hơn lòng tự tôn và thể hiện lòng yêu nước của nhân dân.

‘Hèn’ là ngôn từ xu hướng của người dùng mạng xã hội Facebook dành cho nhà nước, từ truyền thông cho đến vị cựu lãnh đạo cấp cao thăm viếng nghĩa trang biên giới. Vì sao?. Vì đây là sự kiện tưởng niệm 40 năm, nhưng nhưng cách ứng xử dành cho cuộc chiến tự vệ cực kỳ nửa vời, nó không được dành một sự trang trọng đúng nghĩa, và những người đã mất gia đình hay ngã xuống vì cuộc chiến tự vệ vẫn chưa được xướng tên đúng nghĩa.

‘Nhân dân sẽ không quên’, một khẩu ngữ được những nhà hoạt động sử dụng để tưởng niệm về những sự kiện tạm thời bị lãng quên, trong đó có cả ngày 17.02.

Lẽ dĩ nhiên ‘sẽ không quên’ không nên xuất hiện, bởi sự tồn tại của dòng biểu ngữ này cho thấy rằng, Nhà nước (bằng cách thức nào đó) đã tìm cách lãng quên sự kiện mà nhân dân ghi nhớ. Điều đau xót nhất là, nó diễn ra ở một đất nước có khẩu ngữ đầy tính trịch trượng: của dân, do dân, vì dân.

Vậy, nếu vì ‘vấn đề ngoại giao’ thì sao?. Rõ ràng, chỉ trừ khi cuộc tưởng niệm được tiến hành với loa đài rầm rộ, với biểu ngữ khiêu khích – kích động sai sự thật thì sự lo lắng này có thể hiểu được. Nhưng bấy lâu nay, việc tiến hành thăm viếng hay tưởng niệm sự kiện của người dân chỉ thuần túy là sự nghiêng mình trong tĩnh lặng và những dòng biểu ngữ chỉ thuần túy nhắc lại về một sự kiện đã xảy ra trong thực tế.

Nếu bản thân nhà nước cảm thấy chưa thể tiến hành công khai tưởng niệm, thì đừng cố gắng làm ‘vấy bẩn lòng yêu nước’ của quốc gia, dân tộc (mà 1.000 năm qua, tư duy nhược tiểu – nô lệ chưa bao giờ tồn tại) bằng những vũ điệu múa dân vũ kệch cỡm tại tượng đài Lý Thái Tổ, bằng việc bốc dỡ đài hương tại đền Trần Hưng Đạo,… Bởi khi làm những điều này, người được lợi nhất vẫn là nhà cầm quyền Trung Quốc, những kẻ vẫn hênh hoang khoe mẽ về cuộc chiến 1979, những kẻ từng tiến hành cuộc chiến chủ động nhằm tước đoạt đất đai và làm cho máu người Việt đổ tại vùng biên giới. Những kẻ mà giờ đây thích thú với sự bôi bác lòng yêu nước của người Việt (cai trị) với người Việt (bị trị).

Mc Phan Anh, người có một chia sẻ về sự kiện 17.02 trên Facebook cá nhân, anh giận dữ rằng: Trời ơi, 40 năm đã trôi qua chẳng nhẽ người ta vẫn không xác định được đối tượng đã xâm lược, giết hại dã man đồng bào ta là thuộc nước lạ nào ư??? Họ tôn vinh chiến thắng này là “thiên sử hào hùng”, “bất khuất”, “vĩ đại”… của quân dân Việt Nam nhưng lại không dám nói thẳng tên kẻ – ai – cũng – biết – là – ai – đó?.

Và dưới phần bình luận, là những phản hồi đầy chất ‘đỏ’, một trong số đó là cựu chiến binh Lê Dung Anh người thay vì tập trung giải mã vì sao trong chương trình VTV lại không nhắc tên Trung Quốc, lại tìm cách nhấn mạnh thời lượng (cái mà MC Phan Anh không hề đặt vấn đề trọng tâm).

Cách mà vị cựu chiến binh Lê Dung Anh nêu trên hay thậm chí hàng tá những phản hồi mạt sát MC Phan Anh khác chỉ thể hiện sự ‘múa rối’ về mặt ngôn ngữ, ấu trĩ về quan điểm tư duy và sự nhược tiểu về lòng yêu nước. Chính những chủ thể như thế này, cùng những hoạt động nửa vời của nhà nước về sự kiện 40 năm cuộc chiến tự vệ vừa qua đã khoét sâu đôi mắt hình viên đạn của người dân đối với nhà nước, không chỉ đối với người cũ, mà cả những người mới.

Còn đối với người dân, lòng yêu nước không cần sự xếp đặt và chỉ thị, và họ cũng ngán tư duy nhược tiểu khi sự kiện đã qua 4 thập niên, và do đó, ‘Những bông hoa không cần chỉ thị/ Cứ ra Giêng, rụng thắm đất anh nằm…’ [thơ Lê Đức Dục].

Nguồn: Hoa Nghi @ VNTB

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh