Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Saturday, May 4, 2024

Thỏa thuận EVFTA ngày 30-6: chấp nhận và chờ đợi giám sát!


Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) sẽ được ký vào ngày 30-6-2019.

Như vậy, sau gần 10 năm (2010 – 2019), Việt Nam và EU cũng đã hoàn tất được những chặng đường cơ bản nhất của hợp tác kinh tế thông qua EVFTA, bất chấp những vấn đề tồn tại xoay quanh hiệp định liên quan đến nhân quyền.

“EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).” – một một trích dẫn trong Tạp chí Tài chính (Bộ Tài Chính) phần nào cho thấy, thương mại vì sao thắng thế.

Bất ngờ cho những nhà hoạt động nhân quyền, bởi trước đó, EU từng không ít lần tỏ thái độ nhấn mạnh yếu tố nhân quyền khi bàn đến thương mại, thậm chí một “trục trặc kỹ thuật” liên quan đến tiến trình ký kết cũng thổi một làn gió lạc quan và tích cực cho không gian dân sự độc lập Việt Nam, khi họ cho rằng, EU đã cứng rắn hơn và bớt ngây thơ hơn với cách ứng xử của Hà Nội so với trước.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, người theo sát EVFTA và yếu tố nhân quyền trong tiến trình thương mại của EU cũng bày tỏ sự thất vọng, bởi, “phái đoàn EU tại hà Nội vẫn chẳng có một bước tiến đáng chú ý nào về những điều kiện nhân quyền cho Việt Nam mà Nghị Viện EU đang ra công đòi hỏi”. Và thực tế cho thấy, số lượng Facebooker bị bắt vì các tội danh liên quan đến phát ngôn trên mạng internet ngày càng nhiều, cũng như sự chậm chạp đáng ngán ngẩm trong tiến trình thay đổi pháp lý liên quan đến quyền thương lượng tập thể của người lao động.

Các điều khoản cứng về nhân quyền, đặc biệt là quyền thành lập tổ chức công đoàn độc lập của người lao động vẫn còn được phía Hà Nội nắm quyền chủ động trong tay, và những phân tích về trở lực hay yếu tố “đảng xanh” trong khối EU trở nên phần nào vô nghĩa. Điều duy nhất có ý nghĩa lúc này, là sau khi hai bên ký kết chính thức vào ngày 30.6, thì EVFTA phải được Hội đồng 28 nhà lãnh đạo các nước EU phê chuẩn, tiếp đó, là Nghị Viện EU – nơi mà những nhà dân sự Việt Nam có thể “vận động, trình bày” nhiều hơn, để EU hiểu rõ hơn về tình hình nhân quyền và mức độ thực thi cam kết nhân quyền của Hà Nội. Nghĩa là, EVFTA dự kiến sẽ được chấp thuận vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020, và mất ít nhất hai năm là cần thiết để EVIPA được hoàn tất.

Để hiểu vì sao thỏa thuận buộc phải tới và cái gọi là “trở lực” về nhân quyền là không đáng kể, thì phải xét đến hai khía cạnh.

Một là cộng đồng xã hội dân sự Việt Nam vẫn chưa đủ đồng nhất để vận động về vấn đề nhân quyền, vẫn chưa có một chủ đề nhân quyền chung giữa khối dân sự có pháp nhân và khối dân sự không có tính pháp nhân (xã hội dân sự độc lập). Sự gặp gỡ giữa phái đoàn EU nhằm tìm hiểu về vấn đề nhân quyền Việt Nam chỉ là một thủ tục hơn là một thực tâm tìm hiểu, và sự đơn lẻ trong cuộc gặp gỡ này tiếp tục sẽ là rào cản trong tương lai. Các cuộc tiếp xúc giữa VOICE với một số đại diện EU vào tháng 03.2019 cũng không khác nhiều lắm so với những cuộc gặp gỡ của phái đoàn đối với các đại diện xã hội dân sự Việt Nam trong nước, thậm chí, nếu xét tính thực tiễn thì kém hơn nhiều.

Điều này để cho thấy rằng, vận động hay làm thay đổi một tiến trình, quyết định liên quan đến cam kết nhân quyền của Hà Nội, chỉ trở thành hiện thực khi khối xã hội dân sự không còn thuộc tính phân chia độc lập và không độc lập, cũng như có sự hợp thành một thể thống nhất về mục đích hành động. EU không thể vì cộng đồng với tiếng nói đơn lẻ và nhỏ để có thể làm trì trệ một thỏa thuận mang tính “thế hệ” được. Đó cũng là lý do vì sao, Ủy viên thương mại EU, bà Cecilia Malmström tại Brussels hôm thứ ba tuần trước (25.06), tuyên bố: Tôi rất hài lòng rằng các quốc gia thành viên đã bật đèn xanh cho thỏa thuận thương mại và đầu tư của chúng tôi với Việt Nam.

Thứ hai, thương mại vẫn trên hết, thế giới hiện nay đang định hình sự hợp tác và lợi ích thương mại, bởi kết quả của thỏa thuận ngày 30.06 là đến từ “quả ngọt” mà EVFTA được ký kết, theo đó, khi EVFTA có hiệu lực, xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam hai bên sẽ bị gỡ bỏ, riêng Việt Nam sẽ xóa 65% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU. Các mức thuế còn lại sẽ được gỡ bỏ trong thập kỷ tới. Ngoài việc mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng, các hiệp định thương mại đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững đi đôi với nhau, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn bảo hộ lao động, an toàn, an toàn, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng cao nhất. Trong khi đó, EVITA sẽ giúp tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN với giá trị thương mại gần 50 tỷ Euro (khoảng 56 tỷ USD).

Không đâu xa, ngay khi có thông tin EVFTA sẽ được ký vào ngày 30.06, Liên đoàn Công nghiệp Hàng thể thao Châu Âu (FESI) đã ra tuyên bố hoan nghênh. Theo đó, sự chấp thuận của Hội đồng là “một thông điệp mạnh mẽ và tích cực cho thương mại tự do và bền vững”. Và hiện thời, FESI đang tiếp tục kêu gọi Nghị viện châu Âu mới đắc cử để đẩy nhanh quá trình phê chuẩn sau khi ký EVFTA. Chủ tịch FESI, ông Frank Dassler tuyên bố: “Hơn ba năm sau khi kết thúc đàm phán, tôi vui mừng vì cuối cùng Hội đồng đã đồng ý ký kết thỏa thuận này. Việt Nam luôn là đối tác mạnh mẽ đối với ngành (thể thao) của chúng tôi và tôi chắc chắn rằng thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty, công nhân và người tiêu dùng châu Âu lẫn Việt Nam.”

Như vậy, EVFTA là sự thành công trong vận động của Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp EU. Và đối với những chủ thể quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, điều có thể làm ở hiện tại chính là trông đợi nhiều hơn vào cách thức mà EU sẽ giám sát Việt Nam trong thực thi các cam kết nhân quyền như, về lao động, tiền lương, đại diện lao động theo đúng tinh thần của EVFTA và sự “nỗ lực thực thi” theo cam kết của các quan chức Việt Nam. Vẫn còn ít nhất 2 năm để chứng kiến sự đổi thay và thực tâm cam kết của Việt Nam, cũng như chứng kiến được ảnh hưởng của EU đến đâu nhằm hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các vấn đề nhân quyền và môi trường.

Nguồn: Nguyễn Hiền @ VNTB

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh