Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Thursday, May 9, 2024

NATO vẫn tranh cãi trong nội bộ về đối sách chống Trung Quốc


Lãnh đạo các nước dự thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, chụp hình lưu niệm, ngày 29/06/2022. REUTERS – POOL.–

Tại thượng đỉnh NATO 2022 trong hai ngày 29-30/06/2022, các lãnh đạo 30 nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ thông qua bản “khái niệm chiến lược” mới đầu tiên trong một thập kỷ, nêu bật mối đe dọa ngày càng tăng đến từ Nga và Trung Quốc. Thế nhưng, nếu hầu như tất cả các thành viên đều nhất trí trên cách đối phó với Nga, thì đối sách chống Trung Quốc vẫn gây chia rẽ trong nội bộ NATO.

Đối với giới quan sát, không phải là ngẫu nhiên mà một tài liệu chiến lược của NATO lần đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc như là một đối tượng cần quan tâm. Lý do đến từ xu hướng của Bắc Kinh xích lại gần Matxcơva nhiều hơn sau khi Nga khởi động cuộc chiến xâm lược Ukraina và việc Trung Quốc ngày càng sử dụng sức mạnh địa chính trị và sức ép kinh tế để lấn lướt ở nước ngoài.

Vấn đề là khi đi vào chi tiết, các thành viên NATO đang bất đồng với nhau trên hai điểm nổi bật: Cách mô tả quốc gia hiện có quân đội lớn nhất thế giới và mối quan hệ của nước đó với Nga.

Theo hãng tin Anh Reuters, một số nhà ngoại giao tại NATO đã tiết lộ rằng hai nước Anh và Mỹ đã thúc đẩy việc dùng lời lẽ mạnh mẽ hơn để phản ánh những gì được hai nước này coi là tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những mối lo ngại ngày càng nhiều về việc Bắc Kinh có thể tấn công Đài Loan.

Anh Quốc gần đây đã chính thức mô tả Nga là “mối đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp (acute, direct threat)” và Trung Quốc là “thách thức chiến lược (strategic challenge)”.  

Còn báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc trước Quốc Hội Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đáp ứng được thách thức về tốc độ mà quân đội ngày càng có năng lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tham vọng toàn cầu của nước này đặt ra.”  

Trái với hai nước trên, Pháp và Đức lại muốn NATO sử dụng một ngôn từ chừng mực hơn khi đề cập đến Trung Quốc.

Theo một nhà ngoại giao, một thỏa hiệp đang được đàm phán, theo đó Trung Quốc dù vẫn bị coi là một “thách thức hệ thống“, nhưng vẫn được NATO gượng nhẹ với ý muốn “sẵn sàng làm việc trên các lĩnh vực có lợi ích chung” với Bắc Kinh.

Theo Reuters, vấn đề đánh giá quan hệ Trung-Nga cũng gây bất đồng và các nhà đàm phán cũng đang điều chỉnh cách mô tả mối quan hệ này.

Theo một nhà ngoại giao, Cộng Hòa Séc và Hungary là hai thành viên phản đối mạnh mẽ việc sử dụng thuật ngữ “hội tụ chiến lược” để định nghĩa quan hệ Trung-Nga hiện nay.

Hoa Kỳ, nước đứng đầu NATO, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược được cập nhật của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Chính vì lý do đó mà 4 nước châu Á-Thái Bình Dương là Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Mục đích là để báo hiệu rằng NATO không hề “rời mắt khỏi Trung Quốc” ngay cả vào lúc toàn khối đang tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraina.

Một quan chức châu Âu đồng ý: “NATO không thể phớt lờ Trung Quốc… Châu Âu đã nhận thức ra điều này hơi muộn, nhưng rõ ràng đã phải thay đổi cái nhìn sau những gì diễn ra ở Hồng Kông”.

Một quan chức Nhà Trắng hôm 26/06 cho biết ông tin rằng tài liệu này sẽ bao gồm ngôn từ “mạnh mẽ” đối với Trung Quốc, nhưng xác nhận rằng đàm phán giữa các phái đoàn vẫn đang tiếp tục để hoàn thành bản khái niệm chiến lược kịp lúc mở ra thượng đỉnh Madrid.

Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa

Tags:

More Stories From Thế Giới

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh