Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, April 29, 2024

Uy tín Đảng cao hơn tương lai đất nước


Trên hết, Việt Nam vẫn là một hình đồng dạng của Trung Quốc, nơi mà cả hệ thống chính trị cũng đang loay hoay để giải quyết bài toán “uy tín chính trị” của đảng và các cá nhân lãnh đạo đảng chứ không phải là tương lai đất nước.

Việt Nam đã bước qua năm 2023 với các hoạt động ngoại giao sôi động và một chiếc lò “rực lửa”.

Ngay những ngày đầu tiên của năm 2024, lần đầu tiên 3 cựu Uỷ viên TW đảng gồm Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phạm Xuân Thăng cùng một lúc bước ra trước vành móng ngựa.

Cựu thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng và hai chủ tịch tỉnh (Lâm Đồng và An Giang) là Trần Văn Hiệp và Nguyễn Thanh Bình cũng vừa bị bắt.

Ngoài ra hàng loạt quan chức ở Trung ương cũng như địa phương Thanh Hoá, Lâm Đồng… mà không thể nhớ hết tên cũng chuẩn bị được đưa vào lò, góp chung với hàng trăm bị cáo với hàng vài trăm năm tù đã được tuyên trong năm 2023.

Trùm cuối chính là cơ chế

Trong vụ Việt Á, rất nhiều người dân vẫn xôn xao về “Trùm cuối”. Lời thanh minh của chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc càng kích thích sự tò mò và làm cho những đồn đoán thêm xôm tụ, đặc biệt khi có 2 bị cáo là Nguyễn Bạch Thuỳ Linh và Nguyễn Thị Thanh Thuỷ đang ra toà với tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” quy định tại Điều 366 BLHS.

Không chỉ trong vụ Việt Á, hàng loạt vụ việc đã được đưa ra xét xử trước đây như “Chuyến bay giải cứu”, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, AIC… đều bị đặt dấu hỏi về “trùm cuối” là ai?

Những vụ “từ chức” vì “trách nhiệm chính trị” và “nghĩa vụ nêu gương” của các lãnh đạo cao cấp đều dẫn đến một cảm thức chung rằng đằng sau những bị cáo là “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ”, bên trên ông trùm vẫn còn những ông trùm khác…

Trong dân gian bắt đầu lưu truyền câu ca giao thời hiện đại là “Chiếc lò là của cụ xây/củi thì cũng chặt từ cây cụ trồng” để nói rằng ai cũng biết cơ chế này là một mảnh đất màu mỡ cho các cây củi gộc phát triển và “đụng đâu trúng đó”, ai “số đen” thì phải chịu như chính một bị cáo đã thốt lên trong phiên xét xử vụ Đại án chuyến bay giải cứu.

Và trùm cuối cho mọi ông trùm chính là cơ chế. Để cho tham nhũng phát triển với quy mô từ nhỏ đến lớn, từ đơn lẻ đến hệ thống, từ địa phương đến trung ương như vậy thì rõ ràng cần rất nhiều thời gian, được nuôi dưỡng nhiều năm.

Trùm “cuối” là lúc mà các đảng viên tuyên thệ, rồi thông qua các khoá đào tạo, được bổ nhiệm và huấn luyện về chính trị… từ đó bắt đầu tạo nên xâu, chuỗi, rễ và hàng loạt quan hệ lằng nhằng khác mà chỉ có những ai thuộc diện “quy hoạch” mới được bước vào.

Nó phát triển khi những đảng viên trở thành quan chức và rơi vào trong vòng quay của một cơ chế tham nhũng, thành một mắt xích của hệ thống tham nhũng vặt, từ những việc nhỏ rồi lớn dần. Sau cùng, tham nhũng trở thành một phần tất yếu và lớn dần trong quá trình công tác của mình. Nó trở thành “dây” hoạt động như băng đảng và các quan chức có muốn thoát ra cũng rất khó.

Cơ chế kiểm soát xã hội nghiêm

Trong những năm gần đây, xã hội Việt Nam ngày càng bị kiểm soát nghiêm ngặt. Những tiếng nói bất đồng bị đàn áp bằng những bản án nặng nề hơn. Bắt đầu là các thành viên hoạt động trực diện, sau đó là các nhóm xã hội dân sự và cuối cùng đến những người mới mon men viết bài phản biện trên mạng xã hội… Việc bắt bớ không chỉ xảy ra ở trong nước mà còn “xuyên biên giới” đặc biệt là sau sự việc nổi loạn giết người tại Tây Nguyên.

Theo Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) thì riêng trong năm 2022, đã có đến 35 nhà báo bị bắt giữ và họ đã xếp tự do báo chí của Việt Nam thứ hạng 178/180 quốc gia, chỉ hơn Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, là mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu xếp hạng vào năm 2002. Các nhà báo chính thống cũng phải tự kiểm duyệt một cách nghiêm khắc nhất bởi chỉ cần đi lệch sự chỉ đạo của tổng biên tập hoặc Ban tuyên giáo, là sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu như cách đây hơn 10 năm, Facebook, YouTube đã trở thành những kênh thông tin quan trọng giúp cho nhân dân có thể bày tỏ ý kiến, trao đổi về các vấn đề thời sự, đăng bài tố cáo các cơ quan công quyền và phê bình chính phủ, thì giờ đây họ đã buộc phải hợp tác với chính quyền để ngăn chặn, xoá bỏ hoặc “bóp tương tác” những bài viết phản biện xã hội.

Song song với đó, nhà nước tiếp tục xây dựng một lực lượng an ninh mạng và đội ngũ dư luận viên hùng hậu đến tận cấp Huyện nhằm đè bẹp lại các tiếng nói độc lập, và dẫn dắt dư luận đi theo “định hướng” của Đảng. Hầu hết các trang web tiếng Việt uy tín ở hải ngoại như VOA, BBC, RFI và RFA đều bị tường lửa ngăn chặn ở Việt Nam.

Ngoài ra, với việc thực hiện chương trình số hoá, quản lý căn cước công dân và thiết lập Định danh điện tử, Bộ Công An, nếu muốn, đã có thể kiểm soát được hầu hết công dân họ là ai và đang ở đâu tại bất cứ một thời điểm nào nếu như họ mang theo điện thoại di động.

Sự kiểm soát cộng với những “tin đồn” về sự kiểm soát làm cho chính nhân dân cảm thấy mất tự do và liên tục tự kiểm soát chính mình.

Phải có tự do báo chí và xã hội dân sự

Phải thừa nhận công cuộc “đốt lò” đã đem lại nhiều kết quả và đã tăng tính chính danh của Đảng cộng sản, nhưng nó nguy hiểm ở chỗ là đảng sử dụng “uy tín’ đã đạt được để tiếp tục đàn áp tiếng nói khác với chính mình.

Tệ hại hơn, công cuộc chống tham nhũng này sẽ làm thui chột hiệu năng của các cơ quan quyền lực Nhà nước khác khi mà các thành viên Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được coi là “thanh gươm và lá chắn” rồi sử dụng nó đi chinh phạt, “xuyên táo” từ lập pháp sang hành pháp, tạo tâm lý trừng phạt nhiều hơn là minh định rõ ràng về những sai phạm bằng điều luật cụ thể với những nguyên tắc pháp lý rõ ràng.

Giờ đây, rất ít người dân quan tâm về chương trình “Cải cách tư pháp” và “Thượng tôn pháp luật” mà tha thiết hóng tin từ “Uỷ ban Kiểm tra TW” và “Ban chỉ đạo TW” cùng với những khoản tiền “khắc phục” để giảm án.

Báo chí không còn là kênh trực tiếp có thể làm những phóng sự điều tra để vạch trần tham nhũng mà luôn luôn nơm nớp về lỗi “việt vị”. Không có tự do báo chí thì càng chống càng tăng vì vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Một hệ thống “hàng đổi hàng” ở cấp cao hơn đang được thiết lập, những quan lớn vẫn rất cần nhau trong những việc lớn và: “Tôi giúp anh việc A, anh phải biết mà trả công cho tôi bằng việc B”.

Thêm nữa không có tự do báo chí thì các tin đồn lại như cây trồng được bón thêm phân. Dựa vào những thông tin mù mờ và những mảnh ghép rời rạc, các bình luận gia “vỉa hè” đã chắp nối và sáng tạo thêm để dẫn dắt, làm cho chính dân giảm sút niềm tin vào báo chí, luật pháp hay toà án.

Chính trị “múa gậy trong bị” năm 2024

Công cuộc đốt lò vẫn tiếp tục, uy tín của đảng vẫn được nâng cao nhưng hiệu năng của nhà nước sẽ suy giảm. Toàn bộ hệ thống báo chí vẫn tự “bịt miệng” và nền quản trị hành chính sẽ tiếp tục đình trệ và “đóng băng” do sợ sai phạm.

Bộ Công an đã trở thành siêu bộ với quân số đông, ngân sách lớn và nhiều công cụ pháp lý mới được ban hành, tiếp tục loay hoay với “đao kiếm” và gây sự khắp nơi, tạo nên tâm lý đối phó và mệt mỏi chung cho toàn nền hành chính.

Nền chính trị vẫn tiếp tục bị bóp nghẹt và đóng kín, những tiếng nói bất đồng vẫn sẽ không có cơ hội cất lên. Các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục kêu gọi hợp tác, đồng thời lên án như họ đang kêu gọi trả tự do cho Lê Hữu Minh Tuấn và Phan Văn Bách gần đây.

Mỹ vẫn tiếp tục đặt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo và những vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ vẫn khó khăn trong việc tuyền bá và thực hành tôn giáo.

Trên hết, Việt Nam vẫn là một hình đồng dạng của Trung Quốc, nơi mà cả hệ thống chính trị cũng đang loay hoay để giải quyết bài toán “uy tín chính trị” của đảng và các cá nhân lãnh đạo đảng chứ không phải là tương lai đất nước.

Nguồn: Lê Quốc Quân @ VOA Tiếng Việt

Tags: ,

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh