Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Saturday, November 23, 2024

Quan hệ Việt-Trung: Sách lược cân bằng đầy tế nhị của Hà Nội


Ngày 10/09/2016, lần đầu tiên kể từ khi được bầu làm thủ tướng Việt Nam trong kỳ họp thứ nhất Quốc Hội khóa 14 hồi tháng Sáu, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến công du chính thức Trung Quốc. Tháp tùng thủ tướng Phúc là 12 quan chức thuộc các bộ ngành khác nhau.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Nicholas Chapman (Đại học Quốc tế Nhật Bản), trên báo mạng The Diplomat ngày 16/09/2016, chuyến đi này cho thấy ưu tiên và tầm quan trọng của mối bang giao của Việt Nam với nước láng giềng phương bắc, và cũng là đồng minh truyền thống.

Trong chuyến công du, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc lại chính sách đối ngoại của Việt Nam là duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc và Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với Bắc Kinh trên các phương diện chính trị, kinh tế và văn hóa. Dĩ nhiên, điểm bất đồng chính trong mối quan hệ này vẫn là vấn đề Biển Đông.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh là lợi ích chung của Việt Nam và Trung Quốc phải vượt lên trên những khác biệt. Về tranh chấp biển đảo giữa hai nước, thủ tướng Lý Khắc Cường bảo vệ quan điểm cho rằng Biển Đông là một vấn đề chủ quyền và quyền hàng hải, cũng như“tình cảm dân tộc”. Tại Việt Nam, chính kiểu chiến lược ngoại giao này đã làm xuất hiện những bài viết chống Trung Quốc và sự sôi sục ở trong nước làm xói mòn tính chính đáng của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Sự cố giàn khoan Hải Dương Thạch Du-981 (Haiyang Shiyou-981) mà Bắc Kinh đưa vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 làm dấy lên một làn sóng bạo lực chống Trung Quốc. Nhiều người biểu tình giận dữ đốt một số khu công nghiệp và nhà máy, kết quả là 21 người chết. Mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh xấu đi nghiêm trọng. Cho đến tháng 05/2016, tại Hà Nội, nhiều người đã xuống đường kỷ niệm 28 năm trận Gạc Ma (John Reef Skirmish), nhằm phản đối những yêu sách lãnh thổ gần đây của Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyến công du của thủ tướng Phúc diễn ra chỉ hai tháng sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, bác bỏ những chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông và có lợi cho Philippines. Trung Quốc đã tuyên bố không thừa nhận các phán quyết này. Dù Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa, nhưng công luận khó chịu  trước việc chính phủ không hành động sau phán quyết của Tòa. Các cuộc tuần hành đơn lẻ đã diễn ra tại Hà Nội, một vài người biểu tình đã tụ tập trước sứ quán Philippines, với biểu ngữ “Cảm ơn Philippines, các bạn có một chính phủ dũng cảm”. Tuy nhiên, việc những người biểu tình này đã nhanh chóng bị cảnh sát bắt, cho thấy chính phủ rất nhậy cảm trước phong trào phản đối.

Ba lý do Việt Nam không gây căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Vậy tại sao Việt Nam không theo Philippines đưa tranh chấp tại Biển Đông ra Tòa Trọng Tài Thường Trực? Hoặc ít nhất cũng phải thể hiện một đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh chiểu theo phán quyết của tòa án? Tác giả bài báo đưa ra ba giả thuyết.

Thứ nhất, Bắc Kinh gây áp lực chính trị và kinh tế đối với Việt Nam nhằm tránh mọi đòi hỏi khác. Giả thuyết thứ hai là Việt Nam ưu tiên duy trì nguyên trạng để tránh leo thang căng thẳng và tập trung vào các giải pháp hòa bình và quốc tế. Giả thuyết thứ ba, và được cho là kịch bản khả thi nhất, là Việt Nam không gây áp lực trực tiếp đối với Bắc Kinh, nhưng gửi tín hiệu cảnh báo thông qua chiến thuật cân bằng trên diện rộng qua việc tăng cường bang giao với các cường quốc khác.

Thực vậy, trước chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã thăm Việt Nam. Nhân chuyến công du này, Hà Nội và New Delhi đã nâng cấp mối « quan hệ đối tác chiến lược » lên thành « quan hệ đối tác chiến lược toàn diện », mà cho đến hiện tại, Hà Nội mới chỉ duy trì với Nga và Trung Quốc. Ấn Độ đã cấp 500 triệu đô la tín dụng cho Việt Nam để mua vũ khí quốc phòng. Chính sách hợp tác song phương này bổ sung cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga.

Tuy nhiên, theo tác giả bài phân tích, chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng hành động nếu không muốn gặp thêm rắc rối về hình ảnh của mình. Văn hóa phản đối đang phát triển tại Việt Nam, từ phản đối tham nhũng đến vấn đề sinh thái, từ vấn đề nhân quyền đến sự quyết đoán của Trung Quốc là nguồn gốc của mối bất bất hòa giữa chính phủ Việt Nam và công dân.

Một dấu hiệu đáng lo ngại cho đảng Cộng Sản Việt Nam là những người biểu tình chống Trung Quốc thường tận dụng cơ hội để biểu tình chống chế độ, do người dân không được thể hiện nỗi bất bình. Các cuộc biểu tình phản đối thảm họa sinh thái ở miền trung Việt Nam vào đầu năm 2016 mang đầy mầu sắc chống Trung Quốc, mặc dù đơn vị chịu trách nhiệm là nhà máy thép Formosa của Đài Loan.

Trước đó, vào năm 2009, một hợp đồng khai thác mỏ bauxit gây tranh cãi đã được trao cho một doanh nghiệp Trung Quốc. Sự kiện này đã dẫn đến cuộc tranh luận chính trị nghiêm túc về các vấn đề môi trường và an ninh mà dự án có thể gây ra. Một bộ phận công chúng, trí thức và các nhà quản lý kỹ thuật mạnh mẽ lên án chính phủ đi ngược lại lợi ích của quốc gia và bán nước cho Trung Quốc. Cuối cùng, các cuộc biểu tình và những lời kiến nghị đã minh chứng những giới hạn trong khả năng hành động của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Điều này càng cho thấy đảng Cộng Sản Việt Nam phải có sách lược cân bằng một cách tinh tế. Một mặt, cần phải thận trọng hơn với nước láng giềng cho dù có bất đối xứng trong mối quan hệ giữa hai nước và việc Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Mặt khác, do tầm quan trọng kinh tế và sự hỗ trợ chính trị trong quá khứ của Trung Quốc đối với Việt Nam, Hà Nội không muốn gây thêm căng thẳng trong mối bang giao. Tuy nhiên, làn sóng bất mãn ở trong nước, xuất phát từ tinh thần dân tộc chống Trung Quốc, khiến đảng Cộng Sản Việt Nam xung đột với người dân, đồng thời gây thắc mắc về mục tiêu tối hậu của chính phủ : đó là bảo đảm rằng đảng vẫn là « lực lượng tiên phong của nhân dân và đất nước ».

Tuy nhiên, Việt Nam đang xem xét một cách nghiêm túc việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và có những bước đi táo bạo. Tháng 08/2016, Việt Nam đã thể hiện ý định ngăn chặn Trung Quốc về mặt quân sự khi bí mật đưa hệ thống pháo phản lực có độ chính xác cao « EXTRA » mua của Israel đến năm căn cứ trong quần đảo Trường Sa. Dàn pháo phản lực này được bố trí ở những vị trí có thể tấn công vào các phi đạo và các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Hà Nội cũng đã mua sáu tầu ngầm lớp Kilo cải tiến của Nga.

Bất chấp những phức tạp ngày càng gia tăng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, được đánh giá là quan trọng nhất và cũng nhiều tranh cãi nhất đối với Hà Nội, liệu có thể xuất hiện hai cấp độ trong mối quan hệ Việt-Trung hay không ? Nói một cách khác, liệu đảng Cộng Sản Việt Nam cùng một lúc phải ứng xử với các vấn đề trong nước và với Trung Quốc hay không ?

Theo tác giả bài báo là không cần thiết. Việt Nam vẫn có nhiều kinh nghiệm điều chỉnh khi hoạch định chính sách đối ngoại. Hơn nữa, cho đến nay, đảng Cộng Sản vẫn tương đối kiểm soát được các vấn đề trong nước. Thế nhưng, các sự kiện gần đây cho thấy là Việt Nam cần phải thận trọng hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn ý thức được tầm quan trọng của việc phải có những phát biểu và ứng xử đúng mực của ông trong chuyến công du Bắc Kinh vừa qua.

Nguồn: REUTERS, RFI

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh