Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Trung Quốc: Tập Cận Bình ra tay “đả hổ” trước Đại hội Đảng


Hình trên: Tập Cận Bình tại Berlin ngày 05/07/2017.—

La Croix hôm naynhận xét « Tập Cận Bình trừ khử các địch thủ để duy trì quyền lực ». Le Monde có bài viết dài mang tựa đề « Tập Cận Bình thanh trừng trước Đại hội Đảng », với sự kiện bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) bị thay thế bởi Trần Mẫn Nhi (Chen Miner), một người thân tín của ông Tập.

Tôn Chính Tài : Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị Tập « đả hổ »

Bản tin rất ngắn gọn, cũng như trường hợp tất cả những con « hổ » trong đảng bị « đả » trước đây trong nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của chủ tịch Tập Cận Bình. Tân Hoa Xã hôm 24/7 loan báo việc mở điều tra đối với ông Tôn Chính Tài vì « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng », khẳng định sự thất sủng của người đứng đầu Trùng Khánh – đại đô thị 30 triệu dân đang phát triển mạnh, đồng thời là mảnh đất đầy bẫy rập cho các quan chức nhiều tham vọng.

Le Monde dẫn lời một phóng viên báo nhà nước : « Đó là rủi ro chính trị, không ai ngạc nhiên cả ». Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp họp vào mùa thu này, và tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Nhưng mức độ tập trung quyền lực trong tay ông Tập và các đồng minh như thế nào sau đại hội thì chưa ai biết được.

Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài như vậy sẽ bị gạt ra khỏi cơ quan quyền lực này. Là bộ trưởng Nông Nghiệp năm 2006 rồi chủ tịch tỉnh Cát Lâm (Jilin) năm 2009, ông được đôn lên làm bí thư thành ủy Trùng Khánh năm 2012. Người tiền nhiệm Bạc Hy Lai, đối thủ tiềm năng của ông Tập sau một vụ xì-căng-đan lớn đã phải ra tòa lãnh án chung thân.

Tôn Chính Tài thuộc loại quan chức « trẻ » : 53 tuổi, nhỏ hơn Tập Cận Bình 10 tuổi. Ông là « thế hệ lãnh đạo thứ sáu » của đảng, nằm trong số những người có thể nối gót nếu ông Tập chịu rút lui vào năm 2022, sau 10 năm cầm quyền như những người tiền nhiệm. Theo ông Tăng Nhuệ Sinh (Steve Tsang), giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc School of Oriental and African Studies (SOAS) ở Luân Đôn, thì « Đó là một lời cảnh cáo thẳng thừng. Các quan chức tham vọng ở cùng độ tuổi đã được báo trước : hoặc phủ phục trước Tập Cận Bình, hoặc trở thành kẻ thù của ông ta ».

Tăng Nhuệ Sinh giải thích : « Tôn Chính Tài không đứng về phía Tập Cận Bình, cũng như tất cả các bộ trưởng và quan chức có hàm tương đương đã bị thất sủng trong 5 năm qua ». Hồi tháng Hai, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương do Vương Kỳ Sơn, đồng minh của Tập Cận Bình lãnh đạo, đã chỉ trích hiệu quả làm việc của ban lãnh đạo Trùng Khánh. Họ bị phê phán vì để tham nhũng lan tràn, và ông Tôn thì bất lực trong việc diệt trừ ảnh hưởng « độc hại » của Bạc Hy Lai – dù ông Bạc đang ngồi tù. Ủy ban ra lệnh phải phục tùng « chính quyền trung ương » – tất nhiên phảihiểu là Tập Cận Bình.

Trần Mẫn Nhi, Hồ Xuân Hoa : Hai đệ tử trung thành

Không có gì bất ngờ khi một người thân tín của ông Tập lên thay ông Tôn hôm 15/7, trước khi việc Tôn Chính Tài bị điều tra được chính thức loan báo. Trần Mẫn Nhi, 56 tuổi, chủ yếu làm việc tại nguyên quán Chiết Giang (Zhejiang), từ trưởng ban tuyên huấn rồi lên phó chủ tịch thành phố, nơi ông Tập từng lãnh đạo trong 5 năm (2002-2007). Ông Trần là viên chức tận tụy trung thành với ông Tập. Le Monde nhắc lại, hồi tháng Năm, chức bí thư thành ủy Bắc Kinh cũng đã được trao cho một quan chức khác từng làm việc với Tập Cận Bình một thời gian dài ở Chiết Giang.

Trần Mẫn Nhi nằm trong số những đệ tử trung thành nhất. Từ năm 2015, ông lãnh đạo Quý Châu (Guizhou), một trong những tỉnh nông nghiệp nghèo, là một bước chuyển bắt buộc trước khi được cất nhắc lên cao. Nhà bình luận Lưu Nhuệ Thiệu (Johnny Lau Yui Siu) ở Hồng Kông nhận định : « Ông ta hãy còn non, nhưng mọi thăng quan tiến chức đều nhờ bám chặt Tập Cận Bình ». Chức bí thư Trùng Khánh được coi là một chiếc ghế chiến lược, sau bước nhảy này Trần Mẫn Nhi còn có thể được thăng lên một cấp nữa, trở thành ủy viên Bộ Chính trị sau Đại hội 19.

Một ứng viên khác là Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), 54 tuổi, bí thư tỉnh Quảng Đông. Cũng như Tôn Chính Tài, ông ta từng được cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào nâng đỡ, nhưng Hồ Xuân Hoa lại biết ngoan ngoãn tuyên thệ trung thành với Tập Cận Bình.

Hồi tháng Tư, Hồ Xuân Hoa đã đến làng Ô Khảm (Wukan), nơi ông ta đã đàn áp phong trào dân chủ, một cách để chứng tỏ sự ủng hộ phe chủ trương cứng rắn. Rồi đến tháng Năm, trong một bài diễn văn kéo dài 1 giờ 40 phút, ông đã nhắc tên Tập Cận Bình đến 26 lần và từ « hexin » (hạch tâm, tức cốt lõi) 7 lần. Đây là từ ngữ dùng để chỉ việc tập trung quyền lực vào tay ông Tập.

Tham vọng Tập Cận Bình có dừng ở năm 2022 ?

Le Monde nhấn mạnh, đây chính là vấn đề chủ yếu của Đại hội 19 : liệu một người kế nhiệm Tập Cận Bình sẽ được chỉ định trong dịp này, như mười năm trước ông Tập đã được đề cử làm phó chủ tịch nước để chuẩn bị lên kế vị ? Hai khuôn mặt trên đây liệu có hy vọng gì không ? Chuyên gia Tăng Nhuệ Sinh nhìn nhận : « Hiện nay chưa ai có thể nói trước gì được ».

Vấn đề này lại còn tùy thuộc vào một câu hỏi khác : liệu tham vọng của Tập Cận Bình có vượt quá kỳ hạn năm 2022 ? Theo thông lệ, sau 10 năm làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước thì phải rời ghế. Tuy trên giấy tờ việc tiếp tục tại vị không bị cấm cản, nhưng nếu ông Tập nhất định ngồi lại, thì sẽ phá vỡ truyền thống xưa nay.

Le Monde nhắc lại, những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình sau hai nhiệm kỳ đều rút lui, và tiếp tục giựt dây trong hậu trường. Đặng Tiểu Bình vẫn là khuôn mặt có ảnh hưởng bao trùm lên đời sống chính trị Trung Quốc thậm chí cả sau năm 1990, khi ông Đặng chỉ còn chức vụ duy nhất là chủ tịch danh dự Hiệp hội những người chơi bài bridge Trung Quốc ! Theo La Croix, quyền lực của Tập Cận Bình hiện nay mạnh cho đến nỗi ông ta muốn ngự trị trên ngai vàng cho đến tận năm 2027.

Gia đình Donald Trump : Bầu một, được đến năm

Nhìn sang nước Mỹ, các báo đều dành nhiều đất cho chủ đề phe tổng thống Donald Trump đang chao đảo vì hồ sơ Nga. Le Figaro chạy tựa trang bìa « Điều tra về hồ sơ Nga : Gia đình Trump bị vây hãm », còn ở trang trong, thông tín viên Le Figaro tại Washington mô tả « Một gia tộc gắn bó bằng huyết thống, tiền bạc và nay là quyền lực ».

Người Mỹ đã từng biết đến các gia tộc nổi tiếng trên chính trường, từ Adams đến Roosevelt hay Kennedy. Ông Bill Clinton năm 1992 đã báo trước cho cử tri là họ sẽ « được hai, tuy chỉ bầu một người ». Nhưng nay đến thời ông Trump thì bầu một mà được ba, thậm chí đến năm ! Con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner, với các chức vụ cố vấn, đã an vị tại cánh tây của Nhà Trắng, gần Phòng Bầu dục. Ngoài ra còn có thể kể thêm sự hỗ trợ của hai con trai Donald Jr và Eric Trump.

Đối với những ai theo dõi câu chuyện của gia tộc Donald Trump từ nhiều năm qua, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi bao quanh tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ tại Nhà Trắng là những người thân trong gia đình. Từ khi đến tuổi lao động, ba người con lớn của ông Trump đã tham gia việc kinh doanh của gia đình. Thế thì tại sao từ tổng giám đốc trở thành tổng thống, lại phải thay đổi đội ngũ tín cẩn lâu nay ? Với gia đình này, thành công mới là quan trọng, bất kể với phương pháp nào. Và có thể với ít nhiều ngây thơ, họ cho rằng đã là tổng thống Mỹ thì nói gì, làm gì cũng được.

Nguồn: REUTERS, RFI/Thụy My

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh