Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, May 19, 2024

Vũ khí nguyên tử là điều cấp thiết đối với Đài Loan và Nhật Bản


Tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh 15 thuộc Kiểu 094 lớp Tấn của Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh hải quân ở vùng biển gần Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc hôm 23/04/2019. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP/Getty Images).–

Chính sách phòng vệ tốt nhất chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh là một quân đội được trang bị vũ khí nguyên tử.

Để chống lại sự hiếu chiến ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, tuần trước (13-19/09), Úc đã thay đổi đường lối: Quốc gia này đã hủy bỏ một đơn đặt hàng với Pháp về các tàu ngầm thông thường mà nước này lo ngại không còn thích hợp để bảo vệ những lợi ích quốc gia của mình, và đã tham gia vào một liên minh với Hoa Kỳ và Anh Quốc bao gồm việc mua một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.

Đài Loan và Nhật Bản, vốn lo ngại không kém về ý định của Trung Quốc, giờ đây nên tham gia cùng Úc trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình bằng cách có được một biện pháp răn đe duy nhất có thể bảo đảm an toàn cho họ: đó là vũ khí nguyên tử. Trong quá khứ, họ đã không thể làm như vậy vì sự phản đối của chính phủ Hoa Kỳ, vốn hứa hẹn sẽ bảo vệ họ, và bởi vì phần còn lại của thế giới phương Tây cũng sẽ phản đối khi thấy giấc mơ phi nguyên tử hóa của họ suy giảm, và bởi vì nhiều người dân của Đài Loan và Nhật Bản đã phản đối hoạt động nguyên tử hóa. Những lý do để phản đối đó không còn ảnh hưởng nhiều nữa, không phải sau sự thất bại của Hoa Kỳ ở Afghanistan.

“Những người Mỹ đó đã làm mất đi thanh thế của một nước lãnh đạo thế giới,” Tổng thống Czech Milos Zeman nói về sự rút lui của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden, mô tả đó là “sự hèn nhát.” Ông Armin Laschet, người mà nhiều người kỳ vọng sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức, đã coi việc rút quân tại Afghanistan là “sự thất bại lớn nhất mà NATO gánh chịu kể từ khi thành lập.” Ông Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển, tuyên bố, “Đã có một thời gian Hoa Kỳ đàm phán về việc gìn giữ trật tự toàn cầu nhưng đó không phải là ngôn từ bây giờ của Tòa Bạch Ốc.” Những người khác, như bà Nathalie Loiseau, cựu Bộ trưởng Âu Châu của Pháp, lặp lại quan điểm này với tuyên bố, “Một số quốc gia khác, chẳng hạn như Anh Quốc và Đức, luôn nghĩ rằng họ hầu như có thể trông cậy vào Hoa Kỳ về vấn đề an ninh,” và nói thêm rằng “thời thế đã đổi thay rồi.”

Sự phẫn nộ mà các đồng minh của Hoa Kỳ bày tỏ được chia sẻ rộng rãi bởi nhiều người bên trong Hợp chủng quốc Hoa Kỳ này, những người lưu ý với sự thất vọng rằng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter đã bỏ rơi [cựu quốc vương] Shah của Iran trong Cách mạng Iran năm 1979, và dưới thời Tổng thống Barack Obama [cai trị] đã bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong sự kiện Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Với quan điểm phổ biến giữa các bằng hữu của Hoa Kỳ rằng không còn có thể trông mong vào các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các đồng minh của mình, mọi sự phản đối của họ đối với việc Đài Loan và Nhật Bản hoàn thành các chương trình vũ khí nguyên tử không như ý từ lâu, sẽ không hơn gì ngoài sự yếu ớt. Những tuyên bố từ những người ủng hộ chính sách hòa bình ở Đài Loan và Nhật Bản rằng vẫn có thể trông đợi vào việc Hoa Kỳ đứng ra bảo vệ họ, nghe cũng có vẻ là dối lòng.

Quan trọng hơn, bản thân Bắc Kinh có thể tin rằng họ hiện đang có toàn quyền tự do quyết định việc mở rộng lãnh địa của mình. Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, đăng trên Twitter: “Sau sự sụp đổ của chế độ Kabul, chính phủ Đài Loan ắt hẳn đang run rẩy. Đừng mong đợi việc Hoa Kỳ sẽ bảo vệ họ [Đài Loan]. Các quan chức Đài Bắc cần phải âm thầm gửi thư đặt hàng một lá Cờ Đỏ Năm Sao từ Trung Quốc đại lục. Một ngày nào đó, lá cờ ấy sẽ hữu dụng khi họ đầu hàng PLA.”

Vũ khí nguyên tử
Một chiến đấu cơ F-16V do Hoa Kỳ sản xuất với các vũ khí trang bị, được trưng bày trong cuộc tập trận tại một căn cứ quân sự ở Gia Nghĩa, phía nam Đài Loan, vào ngày 15/01/2020 (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Để kiềm chế sự nhiệt huyết của Trung Quốc trước sự thiếu kiên quyết rõ ràng của Hoa Kỳ, Đài Loan và Nhật Bản cần gia nhập với nhiều quốc gia khác hiện là quốc gia nguyên tử. Theo một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc, điều đó sẽ không mất nhiều thời gian trong trường hợp của Đài Loan. Báo cáo nêu rõ, “Đài Loan thực sự là một cường quốc nguyên tử tiềm tàng,” bất chấp việc Hoa Kỳ buộc phải ngừng chương trình vũ khí của họ vào những năm 1970. Quân đội Đài Loan tiếp tục bí mật [chương trình] cho đến cuối những năm 1980, thực hiện thành công phản ứng nguyên tử và có thể có được một quả bom sau một hoặc hai năm. Nhưng chương trình đã bị dừng lại khi một điệp viên CIA tiết lộ chương trình này.

Thậm chí Nhật Bản được cho là còn tiến gần hơn đến việc có được sản phẩm cuối là một quả bom, đã kết hợp công nghệ với plutonium chỉ cần đưa vào một “cái vặn của tuốc-nơ-vít” nữa là hoàn tất. Mặc dù dư luận ở Nhật Bản, quốc gia duy nhất từng hứng chịu một cuộc tấn công nguyên tử, lo ngại sẽ kích động Trung Quốc, và cho đến nay đa số vẫn thích được bảo vệ bởi chiếc dù nguyên tử của Hoa Kỳ hơn. Nhưng ý kiến dư luận có thể biến hóa do những yêu sách về lãnh thổ không ngừng gia tăng của Trung Cộng, và những nghi vấn về giá trị của chiếc dù này. Cũng dễ lý giải khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã để ngỏ các lựa chọn của mình bằng cách bảo đảm có đủ [nguồn] năng lượng cấp vũ khí cho 5,000 quả bom.

Liệu vũ khí nguyên tử có trong tay các nước láng giềng của Trung Quốc có dẫn đến sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Cộng, như Bắc Kinh đã nhiều lần đe dọa hay không? Sự hiếu chiến của Trung Cộng khó có thể trở nên cực đoan hơn. “Chúng ta sẽ sử dụng bom nguyên tử trước. Chúng ta sẽ không ngừng sử dụng bom nguyên tử. Chúng ta sẽ làm điều này cho đến khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lần thứ hai,” một video của Trung Quốc gần đây đã cảnh báo về hậu quả đối với Nhật Bản nếu quốc gia này giữ vững nghĩa vụ của mình và đứng ra bảo vệ Đài Loan. “Khi chúng ta giải phóng Đài Loan, nếu Nhật Bản dám can thiệp bằng vũ lực — điều động dù chỉ một binh sĩ, một phi cơ hay một chiến hạm – chúng ta sẽ không chỉ khai hỏa phản công mà còn tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện chống lại chính Nhật Bản,” video này cho hay.

Bất chấp khí thế hung hãn của Bắc Kinh, Viện Chính sách Chiến lược Úc tin rằng việc trao quyền cho các địch thủ của Trung Cộng, sẽ có một tác dụng cảnh tỉnh. “Việc sử dụng vũ khí nguyên tử của một Đài Loan được trang bị vũ khí nguyên tử, chắc chắn sẽ khiến cho một cuộc xâm lược vốn đã khó khăn đối với [lãnh đạo Trung Quốc] Tập và PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân] sẽ tổn thất nhiều hơn nữa. Lịch sử cho thấy rằng một khi Đài Loan sở hữu vũ khí nguyên tử, thì PRC [CHND Trung Hoa] sẽ trở nên ít hung hăng hơn nhiều đối với quốc gia này.”

Tổng thống Biden gần đây đã dành lời chúc tốt lành của mình cho kho vũ khí nguyên tử được xây dựng bí mật của Israel, đồng ý nhắm mắt cho qua trước sự tồn tại của kho chứa đó. Ông Biden có thể sẽ vờ như không thấy việc Đài Loan và Nhật Bản đang bí mật hoàn thành chương trình nguyên tử của mình. Trung Quốc sẽ lẩn tránh và buộc phải kiềm chế hơn.

Nguồn: Lawrence Solomon/Đông Dương @ ePochTimes

Tags: , ,

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh