Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, May 3, 2024

Đàm phán về COC: Đối lập quan điểm Việt Nam – Trung Quốc


Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn một tàu tuần duyên Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 23/04/2023. Chính là nhằm tránh những vụ va chạm như vậy mà ASEAN và Trung Quốc cố đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. AP – Aaron Favila

Do có quá nhiều khác biệt quan điểm, nhất là giữa Việt Nam với Trung Quốc, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ) không thể sớm được thông qua, cho dù Indonesia, với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, đang cố thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, cả thế giới đều lo ngại kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở eo biển Đài Loan, tức là là Trung Quốc cũng sẽ đánh chiếm hòn đảo này, thậm chí có những người nêu lên thời điểm của sự kiện này sẽ là 2025 hay 2027, tức là không bao lâu nữa. Nhưng thật ra một điểm nóng khác cũng cần mọi người chú ý đến vì đây mới thật sự là nơi mà hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay là Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể đụng độ với nhau, với nguy cơ làm bùng nổ Thế Chiến Thứ Ba, đó là Biển Đông, vùng biển đầy những tranh chấp giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động nhằm xác quyết chủ quyền trên phần lớn Biển Đông. Chính là nhằm tránh cho những vụ va chạm trên biển dẫn đến xung đột vũ trang, vào năm 2002, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Nhưng, như tên gọi của nó, đây chỉ là một “tuyên bố”, hoàn toàn không có tính chất ràng buộc, mà tùy thuộc vào thiện chí thi hành của các bên. Cho nên từ nhiều năm qua, Bắc Kinh và các nước ASEAN đã cố đàm phán nhằm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), một văn bản mà trên nguyên tắc mang tính chất ràng buộc pháp lý, tất cả bên đều phải tuân thủ.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 19/04/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, chuyên gia về Biển Đông ở Việt Nam, nhắc lại:

“Ý tưởng về một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC đã có từ những năm 1990, thời kỳ xảy ra rất nhiều căng thẳng trên khu vực Biển Đông, khi Trung Quốc tấn công Việt Nam ở Gạc Ma, khiến 64 người chết. Sau đó, vào năm 1995, Trung Quốc cũng đã sử dụng biện pháp quân sự để chiếm đoạt Bãi Vành Khăn trong tay quân đội Philippines lúc đó.

Trước những căng thẳng như vậy, Philippines cũng là một trong những các bên đã cố gắng kêu gọi ASEAN tìm kiếm một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Sau đó, tất cả các bên đã ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng rốt cuộc COC vẫn chưa ra đời. Để vớt vát, người ta đã đưa ra cái gọi là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, được ký kết ở Cam Bốt năm 2002. Tuyên bố này đơn thuần là một tuyên bố về chính trị.

Bắt đầu từ năm 2007 trở đi, vấn đề Biển Đông bắt đầu lại nóng lên và đặc biệt là năm 2009, khi mà theo Công ước về Luật Biển thì một quốc gia ven biển được có một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý tính từ đường cơ sở, tối đa là 350 hải lý, nếu chứng minh được đó là sự kéo dài của thềm lục địa. Muốn làm điều này thì các quốc gia đó phải làm hồ sơ và trình lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc trước ngày 15/09/2009. Khi Việt Nam và Malaysia gởi công hàm và các hồ sơ lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa, thì lập tức Trung Quốc đưa ra công hàm phản đối, kèm theo bản đồ “đường lưỡi bò”.

Từ đó trở đi, Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng. Đến lúc đó người ta mới nghĩ đến chuyện tìm kiếm một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Đến 2012, bản dự thảo đầu tiên của COC do Indonesia khởi thảo đã được đưa ra và hầu hết các nước ASEAN đều đồng ý với nội dung bản dự thảo này, nhưng “nhân vật” quan trọng nhất là Trung Quốc lại không đồng ý. Chính vì vậy là rất là lâu, kể từ 2012, đã có rất nhiều cuộc bàn thảo về COC, nhưng tất cả đều “dậm chân tại chỗ” . Mãi tới gần đây, người ta mới đưa ra được những cái gọi là “đồng ý ban đầu” về COC.

Thế nhưng, do đại dịch Covid-19, các bên không thể gặp nhau được, cho nên vẫn chưa có bước tiến trong đàm phán về COC. Sau khi hết đại dịch, mãi đến cuối năm 2022 đầu năm 2023, Trung Quốc mới chính thức bãi bỏ chính sách zero-Covid, mở đường cho các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể ra ngoài, các cuộc họp lại tiếp tục.

Năm ngoái, Cam Bốt, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, quốc gia có mối liên hệ gần gũi với Trung Quốc. Thủ tướng Hun Sen của Cam Bốt đã từng nói:” Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai?”. Năm 2012, lần đầu tiên hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã không ra được thông cáo chung, bởi vì lúc ấy, Cam Bốt, với tư cách chủ nhà, tìm cách ngăn cản các bên đưa ra bản tuyên bố chung với những điều khoản bất lợi cho Trung Quốc. Năm đó cũng là năm xảy ra sự kiện Scarborough của Philippines bị Trung Quốc chiếm đoạt. Một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là Trung Quốc vẫn chưa thật sự nhiệt tình đàm phán về COC.

Trong thời gian qua, các bên vẫn đàm phán về một bộ quy tắc COC, nhưng còn nhiều bất đồng. Đầu tiên là về mục đích: Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là những nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông ( Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia ), hay những nước không có quan hệ trực tiếp với Biển Đông, nhưng gắn liền với biển, như Singapore đều muốn sử dụng COC để kềm chế, khiến Trung Quốc không thể có những hành động leo thang ở Biển Đông.”

Thật ra, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, mục tiêu của Trung Quốc khi đàm phán về COC hoàn toàn khác với mục tiêu của các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Bắc Kinh:

“Trung Quốc lại có một mục tiêu khác, muốn sử dụng COC như một biện pháp ngăn chận, tức là sau khi đã bồi lắp, quân sự hóa những thực thể mà họ đang chiếm giữ ở Biển Đông, kể cả tại Hoàng Sa và Trường Sa, họ không muốn các quốc gia tranh chấp khác làm giống như họ.

Thứ hai, chúng ta biết có một quốc gia đóng vai trò quan trọng cho dù không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, đó là Hoa Kỳ. Trung Quốc rất không muốn Hoa Kỳ tham gia vào Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, mà muốn sử dụng Bộ quy tắc ứng xử như một công cụ để đẩy Mỹ ra ngoài. Nhưng những quốc gia như Philippines đã tuyên bố là không thể gạt Mỹ ra khỏi tiến trình đàm phán COC. Có rất nhiều khác biệt giữa các bên, chưa kể nội dung của Bộ quy tắc cũng là một câu chuyện rất dài.”

Mặc dù các cuộc đàm phán đã đạt được một bước tiến vào năm 2018 khi Trung Quốc và ASEAN thông qua được “Văn bản Dự thảo Đàm phán Duy nhất (Single Draft Negotiating Text), nhưng đó lại là một tập hợp các quan điểm trái ngược nhau về các vấn đề gây tranh cãi về tính pháp lý, phạm vi áp dụng, về cơ sở pháp lý quốc tế và về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Riêng quan điểm của Việt Nam về nội dung của COC là như thế nào? Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:

“Trong ASEAN cũng chia thành nhóm có lợi ích trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông gồm có Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysia, những quốc gia có vùng biển bị “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xâm lấn.

Quan điểm của Việt Nam về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông được rất nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam nói, đó là Bộ quy tắc này phải khắc phục được những khiếm khuyết của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, vì DOC đã không ngăn cản được những hành động của Trung Quốc khiến cho căng thẳng Biển Đông vẫn xảy ra.

Quan điểm của Việt Nam là COC phải mang tính ràng buộc về pháp lý. Ràng buộc về pháp lý có nghĩa là nếu một trong các bên vi phạm, thì một trong các bên còn lại, hoặc tất cả các bên còn lại có thể mang sự vi phạm đó ra trước cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết.

Nội dung thứ hai và Việt Nam đưa ra có lẽ khác với các nước khác. Gần như các quốc gia Đông Nam Á khác, như Indonesia thì không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ có vùng Bắc Natuna nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, còn Brunei, Malaysia thì chỉ có liên quan đến tranh chấp khu vực Trường Sa. Trung Quốc cũng muốn đưa ra một bản COC chỉ dành cho Trường Sa mà thôi, bởi vì họ muốn gạt Hoàng Sa ra một bên. Trong khi đó Việt Nam muốn là bằng mọi giá COC phải bao gồm những khu vực tranh chấp khác, trong đó có cả Hoàng Sa. Còn Philippines thì đương nhiên muốn bao gồm cả khu vực Scarborough, khu vực tranh chấp giữa họ với Trung Quốc.

Đó là những khác biệt lớn nhất. Ngoài ra còn có những vấn đề chẳng hạn như phía Việt Nam đã nhiều lần đề nghị ghi trong nội dung của COC là các bên không được bồi lắp hoặc quân sự hóa các thực thể khác. Việt Nam cũng đề xuất là phải vận dụng tinh thần của phán quyết về Biển Đông 2016 vào trong nội dung của COC.”

Do có quá nhiều khác biệt quan điểm như trên, khó có khả năng COC sớm được thông qua, cho dù Indonesia, với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, đang cố thúc đẩy các cuộc đàm phán. Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tại Labuan Bajo, Indonesia ( 9-11/05/2023 ) đã không đạt được một tiến bộ nào về hồ sơ này, ngoài lời cam kết là khối các nước Đông Nam Á sẽ nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán về COC.

Theo tin báo chí trong nước, tại hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về Tuyên bố ứng xử các bên trên Biển Đông, ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 17/05/2023, trưởng đoàn Việt Nam Vũ Hồ đã kêu gọi các bên “nói đi đôi với làm”, tức là phải thực hiện nghiêm túc mọi điều khoản của DOC. Tuyên bố này thể hiện sự bực tức của Hà Nội trước “những diễn biến phức tạp” trên Biển Đông, ám chỉ đến các vụ tàu khảo sát của Trung Quốc sách nhiễu các tàu khảo sát của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc quấy phá các hoạt động thăm do dầu khí của Việt Nam.

Nguồn: Thanh Phương @ RFI/Tạp Chí 

Tags: ,

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh